Hà Nội:
Phụ huynh có con tốt nghiệp THCS hệ song bằng như "ngồi trên đống lửa"
(Dân trí) - Nhiều phụ huynh Hà Nội có con vừa kết thúc chương trình thí điểm song bằng tú tài cấp 2 đang rơi vào trạng thái lo lắng như "ngồi trên đống lửa", chờ câu trả lời từ cơ quan quản lý.
Sáng 13/6 vừa qua, chị Nguyễn Thị Chung Thủy cùng nhiều đại diện phụ huynh học sinh các lớp song bằng lớp 9 tại 7 trường THCS triển khai chương trình đào tạo song bằng tú tài cấp 2 đã có đơn kiến nghị tăng chỉ tiêu tuyển sinh hệ song bằng cấp 3 gửi Thành ủy Hà Nội, UBND TP Hà Nội, Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội. Chiều 13/6, các phụ huynh nhận thông báo lá đơn đã được tiếp nhận.
Từ đó tới nay, chị Thủy như "ngồi trên đống lửa", trực điện thoại cả ngày, tuy nhiên vẫn chưa nhận được bất cứ câu trả lời nào…
Chật vật khi tỷ lệ "chọi" quá cao
Con trai chị Thủy sinh năm 2007, học tại trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm). Cháu là một trong 350 học sinh khối 9 (lứa đầu tiên) vừa kết thúc chương trình thí điểm song bằng Cambrige và chứng chỉ IGCSE kéo dài 4 năm. Ngoài trường THCS Trưng Vương, còn 6 trường THCS công lập khác cùng đào tạo thí điểm chương trình này, gồm chuyên Hà Nội - Amsterdam, THCS Chu Văn An, THCS Cầu Giấy, THCS Ngô Sĩ Liên, THCS Nghĩa Tân và THCS Thanh Xuân.
Ngày 10/6, chị Thủy cùng các phụ huynh được thông báo về chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc năm học 2022-2023 qua Công văn 1643 của Sở Giáo dục đào tạo Hà Nội. Công văn này cho biết, chỉ tiêu tuyển sinh cấp 3 chương trình song bằng chỉ khoảng 100 học sinh ở cả 2 trường THPT Chu Văn An và chuyên Hà Nội - Amsterdam (mỗi trường 2 lớp).
Theo các phụ huynh, đa số họ đều có nguyện vọng cho con tiếp tục học chương trình song bằng ở cấp THPT. Với số lượng học sinh khối 9 của chương trình song bằng là khoảng 350 em, chỉ tiêu tuyển sinh 100 học sinh cho năm học 2022-2023 là quá thấp. Nếu tính thêm thí sinh tự do học song bằng từ các trường tư thục hay thí sinh chưa học chương trình song bằng cấp 2 thì tỷ lệ trúng tuyển còn thấp hơn.
Trong lá đơn kiến nghị gửi đi, các phụ huynh cho biết trước đây, khi nhận thấy không mở rộng chương trình song bằng cấp 3 sẽ gây khó khăn cho chương trình song bằng cấp 2 đang triển khai, họ đã nhiều lần chủ động đề xuất với Sở Giáo dục Đào tạo và đều nhận được hứa hẹn sẽ xem xét mở rộng chương trình cấp 3, tạo đầu ra cho cấp 2.
Đến chiều 2/6/2022, tại hội nghị giao ban công tác tháng 5/2022, Sở Giáo dục Đào tạo thông tin đang trình UBND thành phố, xin phép được tiếp tục tuyển sinh lớp 10 song bằng năm học 2022-2023 tại trường THPT Chu Văn An và trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam với chỉ tiêu 4 lớp/trường.
Tuy nhiên, đến ngày 10/6, hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (chứng chỉ A-level) năm học 2022-2023 của Sở lại không tăng chỉ tiêu mà vẫn giữ như các năm cũ.
Chị Nguyễn Thị Chung Thủy tâm sự, đa số các cháu đang theo học chương trình song bằng đều có thành tích tốt. Để theo học chương trình này, ngay từ đầu, học sinh đã phải vượt qua vòng loại. Trong quá trình học, những bạn học kém, không theo được cũng tự rời đi. Sau 4 năm học, tất cả kết quả thi, chứng chỉ đều chứng minh được thực lực của các cháu.
"Rất nhiều cháu có thành tích tốt mà bây giờ chỉ có 100 suất, vậy 250 cháu còn lại sẽ đi về đâu? Chốt chỉ tiêu như vậy có nghĩa không thừa nhận 350 cháu chương trình song bằng cấp 2, vì như mọi năm chưa có các cháu, các trường vẫn tuyển với chỉ tiêu như vậy", chị Thủy chia sẻ.
Đã muộn để kịp xoay sở hướng đi mới
Chị Thủy tâm sự, năm 2018, khi hay tin về đề án "Thí điểm chương trình đào tạo song bằng tú tài tại Hà Nội", chị đã không chần chừ đăng ký cho con theo học. Vợ chồng chị Thủy mong muốn khi theo học chương trình Cambrige, con sẽ được tiếp nhận nền giáo dục mở và có nhiều cơ hội hơn trong tương lai.
"Trước đó, tôi đã nghiên cứu về chương trình Cambrige. Đây là chương trình rất hay, thiết thực, học đến đâu thực hành đến đó, các môn Toán, Lý, Hóa đều được ứng dụng. Bản thân các con khi theo học thường xuyên có hoạt động nhóm, có sự tương tác với nhau và từ chương trình Cambrige, con có thể bứt phá, phát huy được khả năng của mình. Khi nhận bằng, con cũng có rất nhiều sự lựa chọn, không chỉ là đi du học mà 21 trường trong nước đều nhận chứng chỉ A-Level, trong đó đa phần là những ngành hàng đầu", chị Thủy nói.
Trong 4 năm học, có rất nhiều vấn đề xảy ra vì đây là chương trình thí điểm, nhưng vợ chồng chị Thủy vẫn vững tâm và không hề hối hận khi cho con theo học. Tuy nhiên đến nay, chị vô cùng thất vọng, hoang mang và có cảm giác như đang bị "bỏ lại giữa đường".
Theo vị phụ huynh này, ngày 9/6, Sở Giáo dục Đào tạo đã có thông báo cho biết ngoài 2 trường THPT công lập là THPT Chu Văn An và THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, học sinh chương trình song bằng cấp 2 có nhiều sự lựa chọn khác. Các em có thể đăng ký dự tuyển chương trình đào tạo song bằng vào các trường ngoài công lập có hệ Cambridge, như: THCS và THPT Alfred Nobel; THCS và THPT Nguyễn Siêu; THCS và THPT TH school; THCS và THPT Việt Úc Hà Nội; Trường Phổ thông Song ngữ liên cấp Wellspring, Vinschool, Horizon…
Nhưng thực tế với chị Thủy và nhiều phụ huynh, họ đã "không còn sự lựa chọn nào" do công văn ra quá muộn.
"Hệ Việt chốt nguyện vọng từ tháng 5. Ngày 10/6, các cháu thi hệ Việt đã nhận phiếu báo thi rồi. Các trường quốc tế đã tuyển sinh xong, các trường chuyên chọn cũng đã thi hết rồi. Chỉ tiêu song bằng cấp 3 chỉ có 100 suất, cổng vào Cambridge công rất hạn hẹn, trong khi đến bây giờ các sự lựa chọn khác, kể cả trường tư đều không còn kịp nữa rồi", chị nói.
Người mẹ cũng tâm sự, trường hợp kịp thi chuyên hay trường quốc tế thì phụ huynh, học sinh cũng gặp áp lực rất lớn: "Con học song bằng, không ôn tập, cày cuốc hệ Việt như các bạn theo hệ Việt nên thi chuyên sẽ khó hơn, đâu dễ để thi đỗ. Còn trường quốc tế thì học phí lớn gấp nhiều lần, có trường trên dưới 50 triệu một tháng, gấp 10 lần học phí con đang học, làm sao phụ huynh chúng tôi dễ dàng xoay sở?".
Theo chị, cả gia đình đều đang rất bối rối, chưa có hướng giải quyết, chưa biết làm thế nào để giúp con. Chị thậm chí chưa dám nói với con trai thông tin này vì sợ cháu sốc, mất niềm tin vào chính nơi cháu đang được dạy dỗ.
"Các con đang học những buổi online cuối cùng để ôn thi. Nhiều phụ huynh tâm sự với tôi, khi chia sẻ với con, có những cháu khóc suốt, thất vọng, lo lắng và không chịu vào lớp học nữa. Nên tôi chưa biết phải nói thế nào với con", chị Thủy chia sẻ.
Mong sự thay đổi để khóa dưới không rơi vào cảnh tương tự
Được biết, có một số phụ huynh trước đó dự tính cho con thi cả trường chuyên và chương trình song bằng cấp 3, thi chuyên chỉ với mục đích "xem mình ở mức độ nào, nếu đỗ cả thì vẫn chọn Cambridge". Đến nay, khi thấy chỉ tiêu vào Cambridge quá hẹp, họ quyết định cho con học trường chuyên đã thi đỗ. Số trường hợp may mắn như trên không nhiều.
Với chị Thủy, do không có mục đích cho con theo học hệ Việt, chị trước đó chỉ nộp nguyện vọng "cho có" vào 2 trường top dưới để con lấy điểm tốt nghiệp qua vòng 1, chuẩn bị thi vòng 2 vào Cambridge.
"Bây giờ nếu thi Cambridge không được mà quay về học trường top dưới, tôi thực sự không đành lòng. Thương con vì năng lực con có, tố chất có. 4 năm trời mình đầu tư cho con học, cả công sức, tiền bạc, tâm huyết,…", chị nghẹn nào nói.
Chị Thủy cho biết, rất nhiều phụ huynh cũng rơi vào tâm trạng rối bời, không đành lòng, không biết làm thế nào giống như chị. Họ đều hiểu việc lên tiếng và gửi đi lá đơn kiến nghị ở thời điểm này có lẽ đã muộn, nhưng các phụ huynh đều muốn cố gắng đấu tranh để ít nhất vấn đề này được cân nhắc lại, giúp các cháu khóa sau.
"Chúng tôi đã bị bỏ rơi rồi, bây giờ còn 2 khóa sau nữa, 700 học sinh nữa cũng bị bỏ rơi thì thực sự đau lòng lắm. Việc này có thể ảnh hưởng đến nhận thức của đứa trẻ, khiến chúng thất vọng về chính môi trường mình đang được đào tạo", chị Thủy bày tỏ.
Hà Nội triển khai chương trình song bằng cấp 2 từ năm 2018, dù đã dừng tuyển sinh thêm từ năm 2020 nhưng hiện vẫn còn 3 khối lớp 7, 8, 9 đang theo học (năm nay, khối lớp 9 là lứa đầu tiên tốt nghiệp cấp 2).
Trước đó, trả lời TTXVN hôm 14/6, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, phụ huynh và học sinh cần hiểu rõ, 2 Đề án đào tạo song bằng ở 2 cấp học là hoàn toàn độc lập. Đây không phải là chương trình đào tạo của một trường Cambrige liên cấp để học sinh học xong THCS sẽ tiếp tục học THPT.
Theo vị này, học sinh THCS học theo Đề án "Thí điểm chương trình đào tạo song bằng THCS Việt Nam và Chứng chỉ IGCSE tại một số trường THCS tại Hà Nội" là để lấy chứng chỉ IGCSE nếu đủ điều kiện. Còn học sinh THPT học theo Đề án thí điểm đào tạo song bằng trong giai đoạn 5 năm chương trình song bằng tú tài THPT Quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (chứng chỉ A-level) là lấy chứng chỉ A-level.
Từ năm học 2021-2022, Đề án "Thí điểm chương trình đào tạo song bằng THCS Việt Nam và Chứng chỉ IGCSE tại một số trường THCS tại Hà Nội" đã dừng tuyển sinh lớp 6. Sau khi những lớp song bằng lớp 9 cuối cùng hoàn thành sẽ tổ chức đánh giá lại đề án để làm căn cứ xây dựng đề án tiếp theo.
Cũng theo đại diện Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội, đề án ở bậc THCS hướng đến việc các em có thêm chứng chỉ IGCSE để thuận lợi cho những dự định, còn việc theo học chương trình gì, ở đâu tiếp ở bậc THPT do lựa chọn của các học sinh, gia đình. Các học sinh theo hệ song bằng THCS có thêm chứng chỉ đó, còn cơ hội và cạnh tranh vào hệ song bằng THPT thì như các thí sinh khác. Chứng chỉ IGCSE là nền tảng để các học sinh thi vào các chương trình ở bậc THPT.
Ngoài 2 trường THPT công lập là Chu Văn An và Chuyên Hà Nội-Amsterdam, học sinh có thể đăng ký dự tuyển chương trình đào tạo song bằng vào các trường ngoài công lập có hệ Cambridge, như THCS và THPT Alfred Nobel; THCS và THPT Nguyễn Siêu; THCS và THPT TH school; THCS và THPT Việt Úc Hà Nội; Trường Phổ thông Song ngữ liên cấp Wellspring, Vinschool, Horizon...