Hà Nội:

Phụ huynh cầu cứu xin học cho con vì mua nhà nhầm địa chỉ: Sở GD-ĐT nói gì?

Đình Cường

(Dân trí) - Cư dân sống tại chung cư Dreamland Bonanza - số 23 Duy Tân, HN khi mua nhà ở trên giấy tờ là quận Cầu Giấy nhưng khi bàn giao lại thuộc quận Nam Từ Liêm bức xúc vì giờ con họ sẽ đi học ở đâu?

Phụ huynh cầu cứu xin học cho con vì mua nhà nhầm địa chỉ: Sở GD-ĐT nói gì? - 1

Cư dân chung cư Dreamland Bonanza treo băng rôn trên cửa sổ.

Mua nhà với mục đích cho con học đúng tuyến

Phản ánh tới Dân trí, chị Nguyễn Thị Diệu Thuần, cư dân sống tại tầng 21 chung cư Dreamland Bonanza cho biết, mình mua nhà tại đây từ tháng 3/2020. Trong hợp đồng mua nhà thể hiện, chung cư này do Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Vinaland là chủ dự án; đơn vị quản lý dự án và kinh doanh sản phẩm là Công ty Cổ phần BIC Việt Nam.

Tất cả hồ sơ, hợp đồng mua nhà, tài liệu hay thông tin quảng cáo lúc đó đều ghi địa chỉ của dự án là số 23 Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Do muốn cho con (sinh năm 2015) học tại một trường tiểu học công lập của quận Cầu Giấy để thuận tiện đi lại, sinh hoạt nên chị Thuần quyết định mua nhà tại đây.

Tuy nhiên, khi đã nhận bàn giao nhà và làm các thủ tục về hộ khẩu thường trú hồi tháng 5/2020, chị Thuần cùng nhiều cư dân khác đều "té ngửa" vì căn chung cư mình ở lại thuộc địa giới và quản lý hành chính của phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm.

Khi được hỏi liệu rằng khi mua nhà, chính khách hàng cũng chủ quan khi không kiểm tra kỹ lại thông tin về địa giới của dự án, chị Thuần phủ nhận.

"Việc này là do chủ đầu tư chứ không thể trách khách hàng. Trên website và nhân viên bán hàng của dự án này đều công khai khẳng định, tòa nhà thuộc địa giới quận Cầu Giấy. Những thủ tục ký kết hợp đồng mua bán đều thực hiện tại văn phòng của công ty Vinaland. Chỉ khi làm thủ tục tạm trú mới ra đến chính quyền thì mới biết mình bị lừa", chị Thuần nói.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nga, chủ căn hộ tầng 23 của chung cư này bức xúc nói, mình đã bị chủ đầu tư lừa dối vì ngay từ đầu đã không nói rõ dự án này thuộc địa giới hành chính của hai quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm.

Đến nay khi về ở và làm thủ tục về hộ khẩu mới vỡ lẽ thì đã muộn vì liên quan đến việc xin học cho con.

Mặt khác, có nhiều người đã phải vay mượn tiền để mua nhà tại đây mục đích cho con học đúng nguyện vọng. Nếu biết trước đã không phải bỏ tiền tỷ ra để "ôm" cục tức và nỗi lo vào người.

"Nếu học ở phường Mỹ Đình 2 thì phụ huynh phải di chuyển xa hơn 3km, trong khi ở phường Dịch Vọng Hậu có nhiều trường cách nhà vài trăm mét. Nếu con học ở trường tư thục sẽ rất tốn kém, xin cho con học "trái tuyến" ở Cầu Giấy cũng sẽ vô cùng vất vả", chị Nga bày tỏ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 11/11/2020, UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 5343/UBND-NC và xác định, toàn bộ dự án xây dựng tòa nhà Dreamland Bonanza thuộc địa giới hành chính của phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm.

UBND TP Hà Nội cũng đề nghị chủ đầu tư của dự án là Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Vinaland có trách nhiệm phối hợp với UBND quận Nam Từ Liêm và các cơ quan chức năng trong việc thống kê, hướng dẫn dân cư sống tại tòa nhà thực hiện các thủ tục hành chính, khai báo dân cư… tại phường Mỹ Đình 2.

Phòng, Sở giáo dục lên tiếng

Trong đơn kêu cứu của đại diện tập thể hơn 100 hộ cư dân sống tại chung cư Dreamland Bonanza thống kê, hiện có khoảng 290 cháu ở độ tuổi học từ mầm non đến THCS, 45 cháu học THPT. Cư dân muốn các cháu được học tại quận Cầu Giấy.

Các cư dân cũng kiến nghị, thành phố nên xem xét giao UBND phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy sẽ là đơn vị quản lý hành chính chung cư Dreamland Bonanza.

Phụ huynh cầu cứu xin học cho con vì mua nhà nhầm địa chỉ: Sở GD-ĐT nói gì? - 2

Ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho biết, kiến nghị của cư dân chung cư 23 phố Duy Tân không phải là trường hợp cá biệt.

Điều này phải căn cứ vào địa bàn cư trú thực tế có đáp ứng được điều kiện trường lớp, thuận tiện đi lại hay không. Nếu đủ trường và thuận tiện đi lại, chúng tôi sẽ làm việc với Nam Từ Liêm để tiếp nhận đầy đủ.

Nếu trường phân tuyến theo quận Nam Từ Liêm khiến phụ huynh phải đi quá xa, quận Cầu Giấy sẽ tạo điều kiện tiếp nhận một số trường hợp đặc biệt.

Tuy nhiên, quận Cầu Giấy sẽ phải tiếp nhận đầy đủ các hồ sơ đúng tuyến, sau đó mới tiếp nhận ở các quận lân cận. 

Ông Phạm Quốc Toản - Trưởng Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở đã yêu cầu lãnh đạo các phòng GD&ĐT Cầu Giấy và Nam Từ Liêm cần tham mưu UBND quận để điều tra số trẻ trong độ tuổi đi học tại tòa nhà số 23 Duy Tân.

Phòng GD&ĐT Cầu Giấy cần căn cứ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ của các nhà trường tại khu vực giáp ranh đó. Nếu đáp ứng, Phòng Giáo dục Cầu Giấy sẽ đề xuất với UBND quận Cầu Giấy trong việc phân tuyến tuyển sinh bổ sung cho các đối tượng ở khu vực giáp ranh.

Khi đã được phân tuyến và tiếp nhận, Phòng GD&ĐT Cầu Giấy cần phối hợp với Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục để cập nhật vào hệ thống phần mềm. Tránh tình trạng sau này các đối tượng này trở thành học sinh trái tuyến.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm