Nghệ An:

Phụ huynh ấm ức vì trường mầm non “áp” đóng tiền khoan giếng

(Dân trí) - Ngoài các khoản đóng góp theo quy định của Bộ GG&ĐT, những phụ huynh có con em học tại Trường mầm non Giang Sơn Tây, huyện Đô Lương (Nghệ An) phải còn phải đóng thêm các khoản khác như: tiền mua đàn, tiền để khoan giếng, tiền sửa đồ dùng ...

Phụ huynh bức xúc các khoản thu.

Không những thế trong khi các em ở đây còn phải học tạm ở các nhà văn hóa của các thôn dưới những lớp học tạm bợ xuống cấp thì nhà trường tự ý “biến” nhà ăn của học sinh thành văn phòng làm việc.

Trường Mầm non Giang Sơn Tây.
Trường Mầm non Giang Sơn Tây.

Vừa qua PV báo Dân trí nhận được thông tin phản ánh của người dân trên địa bàn xã Giang Sơn Tây, huyện Đô Lương (Nghệ An) về việc họ phải “ấm ức” nộp các khoản tiền không rõ lý do, do nhà trường đề ra.

Theo phản ánh của người dân thì bước vào đầu năm học mỗi em học sinh phải đóng các khoản tiền mua đồ chơi 300.000 đồng, tiền mua đàn 50.000 đồng, tu sửa đồ chơi 100.000 đồng, mua tủ 50.000 đồng, XHHGD (xã hội hóa giáo dục) tự nguyện định mức là 380.000 đồng... các khoản thu này được các cô giáo viết vào một mảnh giấy rồi gửi cho từng phụ huynh.

Đơn kiến nghị của phụ huynh trước những khoản thu vô lý
Đơn kiến nghị của phụ huynh trước những khoản thu vô lý

Anh Hoàng Văn Chiến ở thôn Xuân Lam bức xúc: “Năm nay tôi có hai cháu học ở trường, một cháu lớp 2 tuổi, một cháu học lớp 5 tuổi, gia đình kinh tế gặp rất nhiều khó khăn nhưng khi nhận được thông báo về các khoản thu của nhà trường tôi thật sự bị “choáng” vì không biết lấy đâu ra tiền mà nạp cho các cháu...”.

Chị L.T.H có con học tại trường cho biết: “Năm ngoái nhà trường còn thu tiền XHHGD là 450.000 đồng/học sinh, năm ni có giảm đó chú à! Chỉ 380.000 đồng thôi, chúng tôi là dân thường nên cũng không hiểu rõ”.

Theo đó, trong mảnh giấy liệt kê danh sách những khoản mà các em phải nạp gồm: XHHGD 380 ngàn đồng, tu sửa đồ 180 ngàn, tủ 50 ngàn, học phí 40 ngàn x 9 tháng = 360 ngàn đồng, nước uống 45 ngàn đồng/ 9 tháng, quỹ hội 30 ngàn/năm, mua đàn 50 ngàn, tiền nấu cơm bán trú 360 ngàn và không ở bán trú là 180 ngàn đồng.

PV đem vấn đề trên trao đổi với cô Thái Thị Thu Hoài - Hiệu trưởng nhà trường, thì cô Hoài một mực khẳng định: “Không có chuyện nhà trường lạm thu đầu năm mà các khoản thu của nhà trường đều thực hiện đúng quy định của Phòng GD&ĐT và Sở GD&ĐT ban hành. Sau đó chúng tôi thông qua sự phê duyệt và đồng ý của Hội cha mẹ học sinh (họp hội phụ huynh đầu năm) lấy ý kiến rồi mới triển khai?”.

Biên bản họp phụ huynh đầu năm trong đó có nội dung đóng góp cho XHHGD được chia làm 2.
Biên bản họp phụ huynh đầu năm trong đó có nội dung đóng góp cho XHHGD được chia làm 2.

Trong khi đó, tại biên bản họp hội phụ huynh đầu năm được ghi rõ: “Thu XHHGD là chúng ta nên chia 2 phiếu, một phiếu là nộp về nhà nước, một phiếu tặng cho trường, hội nghị đã thống nhất...”.

PV hỏi: "Vậy phiếu được ghi trong biên bản do cơ quan cấp thì cơ quan nào cấp? Một phiếu là nộp cho nhà nước, một phiếu “tặng” cho nhà trường là như thế nào?" thì cô Hoài vòng vo giải thích: "Đây là biên bản họp phụ huynh nên thư ký ghi sai chứ không phải ý như thế?".

Cô Thái Thị Thu Hoài - Hiệu trưởng nhà trường.
Cô Thái Thị Thu Hoài - Hiệu trưởng nhà trường.

Không những vạch ra các khoản thu vô lý mà nhà trường còn “chiếm dụng” luôn căn phòng ăn của các cháu học để "biến" nơi đây thành phòng làm việc mặc cho các em phải học trong hai căn phòng hư hỏng, xuống cấp rất … rất nguy hiểm.

Phiếu thu được các cô viết tay gửi cho phụ huynh.
Phiếu thu được các cô viết tay gửi cho phụ huynh.

Vậy tiền XHHGD là để xây dựng trường, lớp cho các cháu học, tại sao nhà trường lại đi “tranh” phòng học của các cháu để làm văn phòng làm việc?

Cô hiệu trưởng Thái Thị Thu Hoài phân trần: “Việc nhà trường lấy căn phòng đó là vì phòng này gần bờ rào, gần cổng nên các cô có thể dễ quan sát và kiểm tra mọi thứ.

Ở đây chỉ có hai lớp 3 tuổi phải học dưới hai căn phòng xuống cấp, còn hai cụm lẻ phải học nhờ ở các nhà văn hóa của thôn vì điều kiện kinh tế gặp rất nhiều khó khăn nên nhà trường đang lên kế hoạch cố gắng vận động nguồn tiền từ XHHGD cũng như các nguồn từ chính quyền địa phương”.

Được biết, bước vào năm học 2016-2017, Trường Mầm non Giang Sơn Tây có tổng cộng 264 học sinh. Do phòng học không đủ nên các em phải học nhờ tại các nhà văn hóa của thôn.

Phòng học các em xuống cấp.
Phòng học các em xuống cấp.

Các em học sinh phải học dưới những căn phòng xuống cấp nghiêm trọng.
Các em học sinh phải học dưới những căn phòng xuống cấp nghiêm trọng.


Nhà ăn của học sinh bị nhà trường sử dụng để làm văn phòng.​

Nhà ăn của học sinh bị nhà trường sử dụng để làm văn phòng.​

Nguyễn Tú