Phó Thủ tướng yêu cầu kéo dài thời gian lấy ý kiến chương trình GDPT tổng thể

(Dân trí) - Ngày 12/4, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để lấy ý kiến rộng rãi. Thời gian góp ý cho chương trình đến hết ngày 29/4. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo kéo dài thời gian lấy ý kiến dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể đến hết ngày 20/5/2017.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT kéo dài thời gian lấy ý kiến để các nhà khoa học nhà giáo, nhà quản lý và nhân dân tiếp tục góp ý.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT nghiêm túc, cầu thị tiếp thu những ý kiến đóng góp xác đáng, cần trao đổi, làm rõ những vấn đề còn tranh luận.


Chương trình GDPT tổng thể đã xác định 6 phẩm chất chủ yếu và 10 năng lực cốt lõi cần hình thành, phát triển cho học sinh

Chương trình GDPT tổng thể đã xác định 6 phẩm chất chủ yếu và 10 năng lực cốt lõi cần hình thành, phát triển cho học sinh

Được biết, dự thảo chương trình GDPT tổng thể lần này là sự phân biệt rõ giữa giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Dự thảo chương trình mới chủ trương thực hiện giáo dục toàn diện, tích hợp ở các cấp tiểu học và THCS, thực hiện giáo dục phân hóa và tự chọn ở cấp THPT.

Ở cấp THPT, dự thảo chương trình mới xác định lớp 10 là lớp dự hướng nghề nghiệp với các môn học phân hóa (môn Khoa học tự nhiên ở THCS tách thành các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; môn Lịch sử và Địa lý ở THCS tách thành các môn Lịch sử, Địa lý,…).

Nội dung các môn học này giúp học sinh có cái nhìn tổng quát về lĩnh vực khoa học tương ứng với mỗi môn học, vai trò và ứng dụng của mỗi ngành khoa học trong đời sống thực tế, những ngành nghề có liên quan, nhằm củng cố vững chắc học vấn phổ thông cốt lõi, hoàn thiện thêm một bước các phẩm chất, năng lực đã được định hình trong giai đoạn giáo dục cơ bản, tạo điều kiện để học sinh nhận thức rõ hơn năng lực, sở trường của bản thân, từ đó giúp học sinh lựa chọn các môn học ở lớp 11 và lớp 12 một cách phù hợp.

Ở các lớp 11, 12, ngoài một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo), học sinh chỉ cần chọn 3/12 môn còn lại phù hợp với định hướng nghề nghiệp.

GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình cho biết, Chương trình đã xác định 6 phẩm chất chủ yếu và 10 năng lực cốt lõi cần hình thành, phát triển cho học sinh. Đó là mục tiêu cụ thể của chương trình, đồng thời cũng là “chân dung” người học sinh mới. Tuy nhiên, chúng ta cũng hiểu rằng chương trình chỉ là bản thiết kế.

Để hiện thực hóa chương trình, cần quan tâm đến việc biên soạn và lựa chọn SGK, đổi mới đào tạo và bồi dưỡng gíáo viên, bảo đảm cơ sở vật chất trường học, đổi mới phương pháp giáo dục, phối hợp giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và xã hội, đổi mới phương pháp đánh giá kết quả giáo dục, trong đó có việc xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng.

"Có những việc là của ngành Giáo dục, nhưng có những việc cần sự chung tay góp sức của cha mẹ học sinh, người dân và chính quyền các cấp. Tôi chỉ nêu ba ví dụ: Nếu không đổi mới nội dung và hình thức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng thì giáo viên và học sinh sẽ không thay đổi cách dạy, cách học. Nếu không có đủ phòng học bộ môn, sân chơi, chỗ thực hành ngoài trời thì giáo viên khó có thể hướng dẫn học sinh nghiên cứu, thực hành. Nếu mỗi lớp ở đô thị vẫn “nhồi nhét” tới 50 – 60 học sinh thì giáo viên khó có cách gì đổi mới phương pháp giáo dục được. Người dân cần quan tâm đến những vấn đề này và đòi hỏi chính quyền địa phương bảo đảm cho con em người dân được học trong điều kiện không kém hơn các địa phương khác." - GS Thuyết nhấn mạnh.

Hồng Hạnh

Mọi ý kiến đóng góp về Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, bạn đọc gửi về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Báo Dân trí sẽ tổng hợp để gửi tới Ban soạn thảo chương trình và đăng tải ý kiến trên báo. Xin trân trọng cám ơn!