Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tự chủ tuyển sinh phải đảm bảo công bằng cho học sinh
(Dân trí) - Tuyển sinh phải trên tinh thần tự chủ đại học, các trường ĐH phải nâng cao quyền tự chủ của mình. Bộ GD&ĐT chỉ đưa ra những quy định tối cần thiết, đảm bảo công bằng cho học sinh, tôn trọng quyền tự chủ của các trường.
Đó là ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị tổng kết năm học 2014 – 2015 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2015 – 2016 khối đại học, cao đẳng do Bộ GD-ĐT tổ chức trực tuyến tại 6 đầu cầu trực tuyến trên cả nước ngày 22/10.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đại biểu đều đồng tình với báo cáo tổng kết của Bộ và tập trung góp ý về các vấn đề như nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường; đổi mới quản trị đại học; xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp với quy định về chuẩn năng lực; tình trạng khó khăn trong tuyển sinh; quy mô đào tạo đại học, cao đẳng… vấn đề được các đại biểu nhắc đến nhiều nhất tại hội nghị là thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH,CĐ trong năm tới.
Đề nghị cải tiến việc xét tuyển ĐH,CĐ
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ đánh giá, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã thành công và thắng lợi nhưng vẫn còn một số áp lực. Ông Khiếm đề nghị, năm 2016 cụm thi do các Sở tổ chức Bộ nên giao hẳn cho tỉnh quyết định, giảm bớt gánh nặng cho Bộ. Việc công bố kết quả thi Bộ cũng nên mạnh dạn giao cho các tỉnh công bố.
Ông Lê Quốc Tiến – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hàng Hải kiến nghị cải tiến việc xét tuyển ĐH, CĐ. Theo đó, nên tăng quyền tự chủ cho các trường, để các trường tự xác định phương án xét tuyển sau khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia, sau đó sẽ trình báo cáo kết quả lên Bộ GD&ĐT.
TS Nguyễn Văn Bao - Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Bắc nhận định, kỳ thi THPT quốc gia 2015 đạt được hiệu quả tốt, các nhà trường đã đề cao cách thức thi. Tuy nhiên, ông Bao đề xuất, Bộ nên cho học sinh đăng ký nguyện vọng 1 trước khi thi tốt nghiệp để nhà trường chủ động hơn; quy định hơn rõ sự phối hợp giữa các đơn vị tổ chức thi…
Đại diện cho các ý kiến phát biểu tại đầu cầu Thái Nguyên GS.TSKH Nguyễn Văn Vui – Giám đốc ĐH Thái Nguyên mong muốn tiếp tục thực hiện kỳ thi THPT quốc gia, khắc phục một số hạn chế trong công tác tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng dành quyền tự chủ cao hơn cho nhà trường, Bộ GD&ĐT kiểm soát chất lượng và quy chế; Tăng cường kiểm soát quy mô đào tạo về tuyển sinh, đặt biệt là một số trường ĐH lớn.
Tại điểm cầu Cần Thơ, PGS.TS Đỗ Văn Xê - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho biết, các đại biểu mong muốn kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 ở khâu đăng ký xét tuyển ĐH cần có sự phối hợp của các Sở GD&ĐT để tránh tình trạng thí sinh, phụ huynh lúng túng khi đăng ký xét tuyển. Việc công bố điểm kỳ thi THPT quốc gia Bộ GD&ĐT nên mạnh dạn giao cho các trường ĐH và các Sở, từ đó chia bớt gánh nặng với Bộ. Cần có hướng dẫn và tạo mối liên hệ tốt giữa các trường ĐH với các Sở GD&ĐT để công tác tổ chức thi thuận lợi hơn.
Ông Xê cho rằng, bộ nên xem xét tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 sớm hơn, khoảng tháng 6 là hợp lý. Về các đợt xét tuyển, đợt 1 nên giữ lại và chỉ cho thí sinh nộp ở 1 trường duy nhất, tránh tình trạng thí sinh ảo. Bộ GD&ĐT xem xét điểm ưu tiên trong tuyển sinh ĐH, hiện nay ưu tiên cách nhau 0,5 điểm là khá cao, cần nghiên cứu rút ngắn lại để đảm bảo công bằng cho thí sinh.
Tại hội nghị, một số đại biểu cho rằng, trong tuyển sinh vừa qua các trường công lập “hút” thí sinh nhiều, làm cho các trường khác mất nguồn tuyển. Theo đó, nhiều ý kiến đề nghị Bộ nên kiểm tra năng lực đào tạo các trường trước khi phân bổ chỉ tiêu để đảm bảo công bằng.
Chưa đưa ra quyết định về phương án tuyển sinh 2016
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ sự phấn khởi trước sự đồng thuận đánh giá năm học vừa qua là năm học cả ngành giáo dục nói chung - đặc biệt là khối ĐH, CĐ - đã thực hiện được nhiều việc theo tinh thần Nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT, có những việc đem lại kết quả rõ rệt. Phó Thủ tướng khẳng định: “Chúng ta đã nỗ lực, đã đi đúng hướng và cần làm mạnh hơn”.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng yêu cầu, trong thời gian tới, cần có những cuộc làm việc nghiêm túc bàn từng vấn đề: Thi cử, tự chủ đại học, phân tầng xếp hạng... với sự tham gia của các bộ, ban, ngành có liên quan, các tổ chức nghề nghiệp như các hiệp hội và những người trực tiếp làm công tác này.
Đối với vấn đề giáo dục đại học mà các đại biểu thảo luận sáng nay, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT khẩn trương làm các thủ tục cần thiết để trình Thủ tướng nội dung về hệ thống giáo dục quốc dân. Sau đó ban hành sớm khung trình độ quốc gia.
Về vấn đề tự chủ đại học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, tự chủ đại học là xu thế chung của thế giới. Vừa qua, qua nhiều tranh luận về tự chủ đại học, Chính phủ đã đồng ý cho thí điểm được 12 trường, tới đây sẽ tiếp tục cho nhiều trường thực hiện tự chủ. Tôi mong rằng các trường nên làm đề án để thực hiện tự chủ vì đây là quyền lợi của các trường.
Phó Thủ tướng khẳng định: “Trong xu thế hội nhập hiện nay, nhất định giáo dục ĐH Việt Nam không đứng ngoài cả về hệ thống, khung chương trình... Đây có câu chuyện phân tầng xếp hạng để định vị mỗi trường đang ở đâu trong hệ thống giáo dục Việt Nam và thế giới. Nhiều ý kiến cho rằng giáo dục ĐH Việt Nam có đặc thù nhưng phải lấy xu thế thế giới là chính.
Ông Đam ví dụ: Cuối năm 2013, đầu năm 2014, khi soạn thảo Nghị quyết cải thiện môi trường kinh doanh, cuối cùng chỉ đổi duy nhất một điểm: Nhất định theo đúng tiêu chí thế giới. Lúc đầu cũng tranh luận, nhưng sau khi đồng thuận quyết tâm làm thì đã tạo được chuyển biến rất tốt. Giáo dục ĐH Việt Nam cũng như vậy. Hãy chọn một trong các "thước đo" giáo dục ĐH trong các tổ chức của thế giới như của ĐH Giao thông Thượng Hải, Webometrics... Tạm thời theo để biết thế giới nhìn giáo dục ĐH như thế nào, ta sẽ làm như thế. Hãy mạnh dạn tiến hành.
Tự hào về Việt Nam, về nền giáo dục và giáo dục ĐH, phấn khởi vì 2014, số lượng bài báo công trình thuộc ISI tăng gấp đôi là 2.300, nhưng so với các nước trong khu vực, con số này không thấm gì. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định giáo dục ĐH Việt Nam cần phân tầng đánh giá xếp hạng, tham gia vào, chấm theo quốc tế. Còn tiêu chí đặc thù của Việt Nam có thể bổ sung, như vậy mới biết mình ở đâu trong khu vực và thế giới.
Về vấn đề thi và tuyển sinh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị có một cuộc riêng, chi tiết, cụ thể.
“Hiện tại chưa đưa ra quyết định cuối cùng nhưng khẳng định với nhân dân: Nhất định kỳ thi năm tới kế thừa những cái được năm nay, khắc phục những cái chưa được để có một kỳ thi công bằng, trung thực, nghiêm túc. Đặc biệt, kỳ thi phải tách rời thi riêng, tuyển sinh riêng. Tuyển sinh ĐH phải trên tinh thần tự chủ ĐH. Các ĐH phải nâng cao quyền tự chủ của mình. Bộ GD&ĐT chỉ đưa ra những quy định tối cần thiết, đảm bảo công bằng cho học sinh, tôn trọng quyền tự chủ của các trường” – Phó Thủ tướng Đam nhấn mạnh.
H.H - SH (ghi)