Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Thất nghiệp đừng cho rằng do dư thừa cử nhân
(Dân trí) - “Nếu so sánh số người trong độ tuổi đi học đại học của nước ta so với các nước trong khu vực và trên thế giới thì vẫn còn thấp, và thấp so với ngay chính với kế hoạch của chúng ta. Vậy thì số lượng chúng ta cũng không nên cho rằng đã thừa”.
Đó là quan điểm của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi chia sẻ với các đại biểu tham dự Đại hội thành lập Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2019 diễn ra sáng nay 20/12.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, vấn đề xã hội đang đặt ra là có quá nhiều trường, nhiều sinh viên ra trường không có việc làm. Phải chăng chất lượng kém rồi, nhưng số lượng nhiều quá không? Đây là việc cần phải rất bình tĩnh để suy xét.
“Chúng ta đào tạo ra nhiều nhưng nếu chất lượng tốt thì đấy là điều kiện để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, khuyến khích các nhà đầu tư trong nước phát triển mở rộng sản xuất và từ đó sẽ sử dụng nguồn nhân lực chúng ta đào tạo ra. Chính vì thế, chúng ta hãy đào tạo ra nhiều nguồn nhân lực có thể và chất lượng cao nhất có thể” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Phân tích về yếu tố nguồn nhân lực, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: Về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lương cao chúng ta đều thống nhất với nhau là yếu tố quan trọng có tính quyết định đối với mọi quốc gia, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Rõ ràng sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam so với các nước trong khu vực, so với thế giới là không cao.
Có nhiều báo cáo khác nhau trong đó có những báo cáo đưa ra những đánh giá rất đáng để chúng ta lưu tâm. Khi người ta phân tích ở Việt Nam vì sao năng suất lao động thấp thì có rất nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố nguồn nhân lực. Nhiều tổ chức đã tiến hành khảo sát nguồn nhân lực và phân làm 3 tầng: Một là những người làm quản lý và gián tiếp; hai là những người làm kỹ thuật cao và chuyên môn; ba là lao động bình thường. Có những thống kê chỉ ra rằng, đến 80% nhân lực đào tạo để quản lý và làm gián tiếp ở Việt Nam chưa đủ trình độ; hơn 60% số kỹ sư làm chuyên môn ở trình độ cao cũng không đủ kiến thức. Đáng nói ở chỗ, lao động làm việc giản đơn khoảng 20% nhưng cũng không đủ kỹ năng.
“Tất cả trách nhiệm không phải của ngành Giáo dục hết, nhưng trước hết chúng ta phải nhìn nhận trong đó có một phần trách nhiệm của mình và trên nguyên tắc chúng ta cứ làm thật tốt công việc của mình, còn trách nhiệm của các bộ phận khác thì các bộ phận khác phải làm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh với các đại biểu tham dự đại hội.
Đổi mới nhưng phải theo chuẩn quốc tế
Trăn trở với vấn đề đổi mới giáo dục ĐH, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ: Bây giờ hội nhập thế giới nên tất cả các thứ phải theo thế giới, sự phân công lao động cũng phải theo thế giới. Vì vậy từ câu chuyện có phân biệt đại học với cao đẳng hay không, có phân biệt công lập với dân lập hay không cũng phải theo thế giới. Quan trọng là đào tạo phải theo chuẩn đầu ra của thế giới.
“Muốn gì thì gì chúng ta phải chủ động khuyến khích các trường tham gia vào việc xếp hạng khu vực và thế giới, gắn sao khu vực và thế giới. Chúng ta không tuyệt đối hóa cái này, nhưng chúng ta phải khuyến khích tham gia vào để biết mình ở đâu và như thế nào. Những tiêu chí phân tầng, xếp hạng của các trường trong nước cũng phải căn bản theo thế giới” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, có rất nhiều cách thức xếp hạng nhưng nhìn chung trong các giai đoạn thì đều có tiêu chí giống nhau. Có báo cáo xếp hạng của 10 tổ chức thì tựu chung trong đó có 7 tiêu chí cơ bản cần phải có của một trường ĐH và ở đó 4 tiêu chí có trọng số rất cao đó là đánh giá của nhà khoa học; đánh giá của người tuyển dụng; số công trình khoa học và tỷ lệ trích dẫn; số học sinh, sinh viên trên số giảng viên, đội ngũ khoa học của trường. Chúng ta cũng học theo các tiêu chí này để thực hiện.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc tế. Theo quan điểm của Phó Thủ tướng, chúng ta không sao chép một cách máy móc nhưng có rất nhiều vấn đề từ quản lý, học liệu, nghiên cứu mà rất nhiều nước trên thế giới đã làm và có kinh nghiệm, rất nhiều đối tác sẵn sàng hợp tác với chúng ta để giúp đỡ. Chúng ta cần phải thúc đẩy sự hợp tác này. Bộ Giáo dục phải rà lại tất cả các quy định, hãy mở rộng hợp tác quốc tế.
Minh chứng cho bất cấp trong việc hợp tác quốc tế hiện nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ ra: “Bây giờ liên kết với một trường rất nổi tiếng của thế giới ai cũng biết mà xin thủ tục còn khó khăn thì không được, nhưng ngược lại nếu hợp tác với một trường thậm chí không được nước sở tại không công nhận thì cũng không được”.
Tại đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh, các trường đại học phải tập trung tìm mọi cách để làm nghiên cứu khoa học, dù đây là việc rất khó nhưng cần phải làm, vì đó là uy tín của các trường, gắn liền với việc thu hút các nhà khoa học.
“Điều này rất khó nhưng chúng ta không thể không bắt nhịp. Không chỉ những trường lớn mà ngay cả trường không lớn cũng phải làm, nhưng trước hết chúng ta phải làm từ trường lớn. Trong các chỉ số đánh giá xếp hạng của thế giới thì có chỉ số nghiên cứu khoa học, mà chúng ta không hợp tác với các nhà khoa học thì làm sao đánh giá được. Tôi cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Bộ khoa học rằng chúng ta có ý thức về vấn đề này rồi nhưng cần những bước đi rất cụ thể, quyết liệt để đẩy mạnh hơn” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ quan điểm.
Tăng cường tự chủ, tiến tới xóa bỏ “bao cấp”
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định, để tiến tới hội nhập không có con đường nào khác là phải tự chủ ĐH. Bởi vậy ngoài 4 trường được Chính phủ chỉ định thí điểm cơ chế tự chủ thì hiện nay đã có cơ chế, nếu trường nào có đủ kiều kiện có thể làm đề án trình Chính phủ.
“Hai mươi mấy năm trước chúng ta đổi mới doanh nghiệp cũng tranh luận rất nhiều và kết quả chúng ta chấp nhận nền kinh tế nhiều thành phần, ngày hôm nay chúng ta có trên 400.000 các thành phần, trong đó doanh nghiệp nhà nước chỉ còn dưới 1.000 so với khi mới đổi mới có 11.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, số trường trường học từ khi đổi mới tới giờ, trường công chiếm số lượng quá lớn. Vấn đề là ngân sách nhà nước đã đến lúc không thể cứ tiếp túc lo mãi như vậy được. Nếu cứ lo như vậy thì chất lượng không thể cao được, bởi vì ngân sách nhà nước đầu tư ra chỉ có vậy” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói
Nhấn mạnh vấn đề tự chủ, Phó Thủ tướng bày tỏ: “Nói về tự chủ mọi người hay nghĩ ngay đến tự chủ tài chính. Đúng, tự chủ tài chính là rất quan trọng. Tuy nhiên, không phải tự chủ là thả rộng hết, không có nghĩa là không có chế độ chính sách cho các đối tượng chính sách. Chúng ta sẽ tiến hành theo cơ chế đặt hàng. Nếu là đối tượng chính sách cần phải được hỗ trợ thì nhà nước sẽ có trách nhiệm; nếu ngành nào nhà nước cần đào tạo thì đặt hàng cho các trường, còn lại các trường phải tự chủ về tài chính và hướng tới hoạch toán tự chủ như các trường tư. Tự chủ không chỉ về tài chính và điều quan trọng là tự chủ cả về học thuật, về tổ chức. Bộ GD-ĐT cần phải sớm thức hiện việc này, chúng ta không thể làm thay mãi được”.
Phó Thủ tướng chỉ rõ, đây là vấn đề cần phát động thi đua trong Hiệp hội các trường ĐH, CĐ, không thể cứ lấy hết lý do này, lý do khác để duy trì bao cấp mãi được.
Theo thông tin chính thức từ phía Đại hội, với 100% số phiếu tán thành, GS. Trần Hồng Quân đắc cử Chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam (AVUC). Đại hội cũng đã bầu 148 uỷ viên Ban chấp hành, 62 uỷ viên Thường vụ và 13 Phó Chủ tịch. Bộ GD-ĐT tiến cử Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng tham gia Ban chấp hành và được Đại hội bầu là Phó Chủ tịch. AVUC là tổ chức xã hội nghề nghiệp của các cơ sở giáo dục ĐH, các tổ chức giáo dục Việt Nam các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam ở nước ngoài và các công dân Việt Nam, tự nguyện thành lập, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. GS Trần Hồng Quân chia sẻ: “Hiệp hội sẽ là nơi trao đổi tư duy giáo dục. Hiệp hội là ngôi nhà chung của các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc để hỗ trợ lẫn nhau. Hiệp hội cũng là nơi nghiên cứu tổ chức tham mưu những vấn đề chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các vấn đề phát triển giáo dục đại học, cao đẳng. Hiệp hội hoạt động dựa trên nguyên tắc bất vụ lợi, trên nguyên tắc không dựa vào ngân sách nhà nước, dân chủ, thuyết phục nhau và cùng thỏa thuận”. |
Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn! |