Phó Thủ tướng mong muốn nâng cao hơn nữa chất lượng nhân lực vùng thiểu số
(Dân trí) - Tối 25/11, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp tổ chức lễ tuyên dương 166 học sinh, sinh viên (HSSV) dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc, tiêu biểu năm 2018.
Đây là năm thứ 6, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp cùng Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức lễ tuyên dương học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số xuất sắc.
Năm 2018, có 166 em HSSV được tuyên dương, thuộc 20 dân tộc của 30 tỉnh, thành phố trên cả nước. Mỗi em là một tấm gương về sự vươn lên không mệt mỏi, vượt qua hoàn cảnh khó khăn để học tập có kết quả tốt.
Trong đó, có 17 em đạt giải trong cuộc khi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia 2018; 94 em là học sinh giỏi trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; có 2 em là Phạm Ngọc Hùng dân tộc Mường (Thanh Hóa) và Hoàng Trung Hiếu, dân tộc Tày (Lạng Sơn) trúng tuyển đại học với số điểm 27 trở lên (không tính điểm ưu tiên); 42 em tốt nghiệp đại học, cao đẳng loại xuất sắc.
Phát biểu tại chương trình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh: “Đây là một hoạt động rất có ý nghĩa, tạo sức lan tỏa sâu rộng động viên, khích lệ thế hệ trẻ dân tộc thiểu số và cả nước nỗ lực vươn lên trong học tập, rèn luyện, chuẩn bị những hành trang cần thiết với những chủ nhân tương lai của đất nước”.
Theo Phó Thủ tướng, hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp kém. Vì thế, các bậc thánh minh luôn coi trọng kén chọn kẻ sĩ, bồi dưỡng nhân tài.
Với tinh thần đó, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm lo và nhiều năm qua đã coi phát triển giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Đặc biệt, đối với việc phát triển giáo dục đào tạo vùng dân tộc miền núi, Đảng và Nhà nước coi đây là chính sách quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và là một yêu cầu của phát triển bền vững đất nước.
Phó Thủ tướng cũng nêu 5 nhiệm vụ trong thời gian sắp tới như: Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục đào tạo, về quyền học tập và tiếp cận bình đẳng của trẻ em, đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo.
Tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt các chính sách phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Trong đó thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng cho HSSV nghèo có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho các em được học tập, tích cực tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới và đầu tư phát triển hệ thống trường lớp, cơ sở giáo dục phụ hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho HSSV.
Phát triển và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Đổi mới chương trình SGK, phương pháp giảng dạy, tổ chức tốt việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp chính quyền đoàn thể tiếp tục chăm lo về vật chất, tinh thần, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm chung tay cùng nhà trường hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho các em, cho phát triển giáo dục đào tạo dân tộc thiểu số, miền núi, gắn đào tạo với yêu cầu xã hội, tạo việc làm.
Để làm tốt việc này, Nhà nước và các tổ chức cộng đồng, doanh nghiệp cần phối hợp xây dựng các chương trình huấn luyện, đào tạo hướng nghiệp tạo việc làm, khuyến khích thanh niên dân tộc khởi nghiệp. Trang bị cho các em những kiến thức cần thiết như Tin học, Ngoại ngữ, Kĩ năng sống để thích nghi với cuộc sống hiện đại.
Đình Cường- Hà Mỹ