Phó giáo sư và giảng viên hoa hậu bày cách giúp phụ huynh dạy con hạnh phúc

Đinh Phương Nhung

(Dân trí) - PGS.TS Trần Thành Nam và giảng viên - Hoa hậu Lương Thùy Linh cho rằng phụ huynh cần thay đổi góc tiếp cận về việc học của con khi đồng hành cùng con.

PGS.TS Trần Thành Nam (Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) và Hoa hậu Lương Thùy Linh (giảng viên trợ giảng khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Đại Nam) tham gia buổi trò chuyện với chủ đề "Trường học hạnh phúc", nằm trong chuỗi hoạt động của chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô".

Trong buổi chia sẻ, hai vị khách mời đã đưa ra những ý kiến, phân tích trước thực trạng phụ huynh cảm thấy không hạnh phúc khi đưa con đến trường, áp lực khi dạy con học ở nhà, những cơn nóng giận gây ảnh hưởng tới tâm trạng của bố mẹ và con cái.

Phó giáo sư và giảng viên hoa hậu bày cách giúp phụ huynh dạy con hạnh phúc - 1
Buổi chia sẻ diễn ra trên nền tảng TikTok với sự tham gia của hai vị khách mời PGS.TS Trần Thành Nam, Hoa hậu Lương Thùy Linh và MC Ngô Mai Phương (Ảnh: Chụp màn hình).

Đứng trước câu hỏi này, Hoa hậu Lương Thùy Linh nhớ về khoảng thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường của mình khi có được sự đồng hành của bố mẹ. Cô cho hay, trong suốt khoảng thời gian còn đi học, cô cảm nhận được sự hạnh phúc của bố mẹ trong quá trình giúp cô liên kết những gì mình đã học vào thực tiễn cuộc sống.

Mặc dù bố mẹ cô cũng kỳ vọng vào điểm số và thành tích nhưng không hề cứng nhắc trong việc yêu cầu nàng hậu phải đọc lại "vanh vách" mỗi kiến thức đã học được.

"Tôi thấy được bố mẹ đã rất tận hưởng những phút giây đồng hành với con. Đó là lý do tôi cho rằng cách khiến bố mẹ hạnh phúc hơn khi dạy dỗ con cái là luôn sẵn sàng giúp con trong việc ứng dụng kiến thức vào cuộc sống hàng ngày", Lương Thùy Linh chia sẻ.

Phó giáo sư và giảng viên hoa hậu bày cách giúp phụ huynh dạy con hạnh phúc - 2

Hoa hậu Lương Thùy Linh trong buổi gặp gỡ với sinh viên Trường Đại học Đại Nam trên cương vị giảng viên trợ giảng khoa Quản trị Kinh doanh (Ảnh: FBNV).

Phân tích kỹ hơn dưới góc độ chuyên gia của mình, PGS.TS Trần Thành Nam khẳng định:

"Hạnh phúc là cảm giác nội tại từ bên trong. Nếu phụ huynh muốn hạnh phúc thì không nên thay đổi con cái hay thay đổi thầy cô mà nên thay đổi cách thức nhìn nhận vấn đề".

Theo ông Nam, việc thay đổi quan niệm về sự thành công của con cái cũng đã giúp bố mẹ và đứa trẻ trở nên hạnh phúc hơn. Nếu nghĩ rằng thành công là sự hài lòng của con về điều con đã chọn và việc con được làm những điều mình thích dù nó rất khó khăn và gian khổ thì những áp lực cũng được giảm đi rất nhiều.

Bên cạnh thay đổi quan niệm về phía phụ huynh, ông Nam cũng cho rằng bản thân giáo viên cũng cần có sự thay đổi để phụ huynh, học sinh có thể bớt áp lực hơn.

"Càng lên cấp cao, các thầy cô càng không có đủ thời gian để chia sẻ với phụ huynh và bản thân thầy cô cũng gặp áp lực về thành tích.

Áp lực từ thầy cô trên lớp đôi lúc truyền sang bố mẹ, áp lực từ bố mẹ truyền tiếp sang trẻ. Đứa trẻ sẽ là tầng cuối cùng gánh chịu những lo lắng và những cảm xúc không tích cực của người lớn", PGS.TS Trần Thành Nam phân tích.

Do đó, việc chuyển hóa ý thức của phụ huynh và thầy cô là điều cần thiết vì họ đều là những người thầy quan trọng với đứa trẻ.

Cụ thể, theo ông Nam, ba người thầy trong cuộc đời một đứa trẻ bao gồm: Bố mẹ, thầy cô và môi trường giáo dục xung quanh. Tuy nhiên, cả ba người thầy đang gặp nhiều căng thẳng khi cha mẹ ngày càng ít thời gian dành cho con vì áp lực công việc, thầy cô cũng gặp những áp lực trong cuộc sống còn người thầy thứ ba thì tốt xấu đan xen.

Do đó, muốn tạo nên sự hạnh phúc, cả ba người thầy cần hợp tác, hiểu nhau và hỗ trợ lẫn nhau để giúp con trẻ đạt được mục tiêu cuộc đời một cách hạnh phúc.

Phó giáo sư và giảng viên hoa hậu bày cách giúp phụ huynh dạy con hạnh phúc - 3
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội (Ảnh: Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Bên cạnh những giải pháp để phụ huynh giảm thiểu những căng thẳng, buổi trò chuyện cũng làm rõ những yếu tố khiến trường học trở nên không hạnh phúc đối với người đi học.

Theo ông Nam, việc sự sáng tạo bị hạn chế và làm mọi việc theo hướng tiếp cận nội dung sẽ khiến gia tăng áp lực, đồng thời giết chết cảm xúc và hạnh phúc của học sinh.

Bên cạnh đó, việc học sinh bị định hướng về mặt thành tích, không phải định hướng về khát vọng đóng góp, cống hiến khiến người học bị hạn chế về ước mơ cũng như tư duy phản biện, phải chạy theo những tiêu chuẩn và quên đi mục tiêu thật sự của mình.

"Giáo dục đang hướng tới sự cá nhân hóa. Nếu bạn là con cá, bạn sẽ hạnh phúc khi mình được bơi. Nếu bạn là con cá mà bị yêu cầu phải biết chạy, phải biết leo cây, thì bạn không thể hạnh phúc", ông Nam chia sẻ.

Ông Nam cho rằng, môi trường học tập nên thúc đẩy những tiềm năng khác nhau của người học, cho phép học sinh thể hiện cá tính riêng của mình. Nếu ngôi trường không giúp học sinh có khát vọng đóng góp điều gì đó thì học sinh sẽ đến trường với tâm thế "bắt buộc phải" và không yêu việc học của mình.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm