Phó giáo sư bị tố "bán" nghiên cứu: Ai phân định liêm chính học thuật?

Hoài Nam

(Dân trí) - Sự việc PGS.TS Đinh Công Hướng bị tố "bán" các bài nghiên cứu, theo GS Trương Nguyện Thành, vi phạm liêm chính học thuật hay không quyền phân định là của đại học cơ hữu nơi người đó làm việc.

PGS.TS Đinh Công Hướng - giảng viên Trường Đại học Công nghiệp TPHCM - xin rút khỏi danh sách Hội đồng ngành toán Quỹ Nafosted (Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia) sau khi có phản ánh ông vi phạm liêm chính khoa học

Phó giáo sư bị tố bán nghiên cứu: Ai phân định liêm chính học thuật? - 1

PGS.TS Đinh Công Hướng (Ảnh: Hoài Nam).

Theo tố cáo "vi phạm liêm chính khoa học" này, PGS.TS Đinh Công Hướng có những công trình, bài báo tại địa chỉ Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Thủ Dầu Một ở thời điểm ông đang làm việc tại Trường Đại học Quy Nhơn. 

Liêm chính hay không, ai được quyền phân định?

Quanh sự việc gây xôn xao, GS Trương Nguyện Thành - người đã làm việc giảng dạy và nghiên cứu toàn thời gian tại một đại học ở Mỹ 30 năm - đặt câu hỏi: "Có thật sự vi phạm liêm chính học thuật?".

Theo ông Trương Nguyện Thành vi phạm liêm chính học thuật hay không, quyền phân định nằm ở đại học cơ hữu nơi người đó làm việc.

Ông Thành dẫn giải, một nhân viên có hợp đồng làm việc toàn thời gian (40h/tuần) cho một công ty, cuối tuần người ấy có quyền đi làm thêm và tạo dựng tài sản cho một công ty khác và có thêm thu nhập hay không? Việc này vi phạm hay không thì công ty nơi bạn ấy làm việc toàn thời gian có quy chế rõ ràng về việc này. 

Ông Thành cho biết, ở các trường đại học Mỹ, ngày đầu tiên khi đến làm việc, các giáo sư phải ký một bản thỏa thuận trong thời gian làm việc toàn thời gian ở đại học ấy thì tất cả kết quả nghiên cứu hay bài viết là tài sản trí tuệ của trường. 

Tuy nhiên, trường đại học ở Mỹ chỉ trả lương có 9 tháng/năm cho việc giảng dạy. Bởi vậy, trường cho phép các giáo sư  đi tư vấn cho các công ty, cộng tác với doanh nghiệp hay các đơn vị nghiên cứu khoa học hay tập trung nghiên cứu với kinh phí từ các quỹ nghiên cứu khoa học... để kiếm thêm thu nhập nhưng tổng thời gian không được quá ba tháng tính theo giờ làm việc. 

Tùy cơ chế của quỹ nghiên cứu mà giáo sư có thể rút tiền ngân sách đề tài để trả lương cho mình. Đa số các quỹ có ngân sách từ thuế không cho phép rút quá 3 tháng lương không cần biết là kinh phí cho tất cả các đề tài đó lớn bao nhiêu. 

Do đó, khi giáo sư đi nghiên cứu hợp tác với đơn vị khác thì phải để địa chỉ trường của mình trước cùng địa chỉ của trường hay đơn vị mình cộng tác trên các bài báo nghiên cứu khoa học xuất bản trên các tạp chí khoa học. 

Quy chế đã có, làm sai là vi phạm và có thể sẽ bị hủy hợp đồng lao động.

Phó giáo sư bị tố bán nghiên cứu: Ai phân định liêm chính học thuật? - 2

Giờ nghiên cứu tại trường đại học (Ảnh: Phương Nguyễn).

GS Trương Nguyện Thành nhấn mạnh: "Đối với đơn vị cơ hữu không có quy chế nào để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình thì việc nhân sự điền tên một đơn vị khác trên bài báo khoa học (đơn vị có chủ quyền tài sản trí tuệ của bài báo đó) thì không có cơ sở pháp lý để nói người đó vi phạm". 

Hay nếu người đó ký hợp đồng với trường này chỉ để giảng dạy và không có điều khoản về nghiên cứu khoa học và về tài sản nghiên cứu khoa học thì người đó hoàn toàn có quyền "đi làm thêm" ngoài trách nhiệm với trường.

Khi không có căn cứ, tránh phán xét hạ bệ người khác

Nói về sự việc gây tranh cãi này, một nhà nghiên cứu thuộc một viện nghiên cứu quốc gia tại Mỹ nhấn mạnh tất cả phải dựa theo hợp đồng để làm việc, tránh phán xét hạ bệ uy tín người khác khi chưa có căn cứ cụ thể.

Một người ký hợp đồng cơ hữu với một trường, thì phải căn cứ theo hợp đồng đó để làm việc. Khi ký hợp đồng nghiên cứu với một trường khác (nếu không vi phạm hợp đồng cơ hữu đã ký ban đầu) thì căn cứ theo hợp đồng này làm những việc khác. Nếu hai hợp đồng này không có mâu thuẫn lợi ích thì người đó mặc nhiên là có hai affiliations (được hiểu là chính thức tham gia hoặc liên kết làm việc tại đơn vị) song song và độc lập. 

Trường hợp hai đơn vị thống nhất với nhau để có một hợp đồng chung thì người đó có hai affiliations liên kết.

Việc công bố kết quả nghiên cứu phải ghi tên đơn vị nào thì dựa theo đạo đức công bố. Trong quy định về đạo đức của The American Society of Mechanical Engineers (Hiệp hội Kỹ sư cơ khí Hoa Kỳ), affiliation là nơi nghiên cứu đó được tiến hành, chứ không phải là nơi nhà nghiên cứu đó cơ hữu.

Nhà xuất bản đại học Cambridge cũng có điều khoản tương tự cho Journal of Child Language (Tạp chí Ngôn ngữ trẻ em), bất kỳ bài viết nào phải đại diện cho tổ chức mà tác giả đang liên kết. 

Theo nhà nghiên cứu ở Mỹ nói trên, việc một khoa học gia tiến hành nghiên cứu sử dụng nguồn lực của đơn vị này mà ghi tên đơn vị khác là vi phạm hợp đồng và vi phạm cả đạo đức nghiên cứu của cả hai bên. 

Còn việc sử dụng nguồn lực của trường cho công việc khác ngoài hợp đồng thì ngay cả không ký hợp đồng với trường khác cũng đã vi phạm.

Trước lo ngại phát sinh về luật sở hữu trí tuệ (tình huống sử dụng tài nguyên, hỗ trợ tài chính, nhân lực của đơn vị cơ hữu đi phục vụ cho đơn vị khác), nhà nghiên cứu này cho rằng, hợp đồng cơ hữu và hợp đồng nghiên cứu khoa học sẽ có quy định về quyền sở hữu trí tuệ nếu có phát sinh trong quá trình nghiên cứu. 

Nếu phát hiện thấy có vi phạm về hợp đồng hay vi phạm mâu thuẫn lợi ích thì thanh tra của đơn vị sẽ vào cuộc làm rõ, nếu vi phạm thì phải chịu trách nhiệm.

Trong sự việc nói trên, theo ông: "Nghiên cứu và nhà nghiên cứu không sai. Mục đích của trường mua danh tiếng từ bài báo không liên quan đến nhà nghiên cứu hay nghiên cứu đó". 

Phía Trường Đại học Quy Nhơn, nơi PGS.TS Đinh Công Hướng làm việc khi công bố khoa học để tên trường khác, PGS.TS Nguyễn Đình Hiền - Phó hiệu trưởng nhà trường - cho biết trường chỉ quản lý theo Luật viên chức. Còn về liêm chính học thuật hay việc công tác ở trường này nhưng hợp tác với trường khác trường không có văn bản, quy định quản lý cụ thể nào. 

Luật Viên chức cho phép viên chức được ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác mà pháp luật không cấm nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và phải báo cáo, được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

Bởi thế, vấn đề liêm chính học thuật, trường không có ý kiến về việc PGS.TS Đinh Công Hướng ghi tên trường khác trong các công bố khoa học thời điểm làm việc ở trường là đúng hay sai.

Lãnh đạo Trường Đại học Quy Nhơn xác nhận PGS.TS Hướng luôn hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu trong thời gian công tác. Đồng thời, trường này đánh giá cao năng lực nghiên cứu của ông Hướng.

Trong sự việc, PGS.TS Đinh Công Hướng không báo cáo với người đứng đầu nhà trường khi hợp tác với đơn vị khác.

PGS.TS Nguyễn Đình Hiền trải lòng, dư luận cần nhìn sự việc theo hướng tích cực để tạo điều kiện cho trí thức, nhà khoa học có cơ hội phát triển cũng như để nhìn lại về mặt quản lý khoa học hiệu quả hơn.

"Ai sai thì sửa, PGS.TS Đinh Công Hướng cũng đã nhận thấy sai sót của mình khi viết đơn ra khỏi Hội đồng ngành toán, Quỹ Nafosted", ông Hiền nói.