Câu chuyện giáo dục:
Phía sau bức tranh vẽ cảnh “sum họp” gia đình
(Dân trí) - Bức tranh cậu bé vẽ cảnh gia đình mình trong chuyên đi du lịch biển. Ngồi trên bãi biển, ông bố chăm chú với chiếc điện thoại, còn người mẹ đang cúi đầu xuống Ipad…
Câu chuyện về bức tranh vẽ chủ đề gia đình của cậu bé học tiểu học được một nhà tâm lý chia sẻ tại buổi chuyên đề về mối quan hệ gia mẹ và con cái ngày nay. Cậu bé vẽ cảnh sinh hoạt của gia đình khi đi du lịch, cả nhà đang ngồi ở bãi biển.
Trong bức tranh có đầy đủ các thành viên, ở đó ông bố chăm chú với chiếc điện thoại, người mẹ còn đang cúi đầu xuống Ipad… Còn cậu bé cầm quả bóng bay trên tay với sự lơ đãng, vô hồn. Có lẽ nếu như không có quả bóng, lúc này cậu sẽ chẳng biết phải làm.
Gia đình cùng nhau đi du lịch nhưng dường như ai cũng lẻ loi, cô độc - ngay bên cạnh những người thân của mình.
Nhắc đến bức tranh của cậu bé, chuyên gia tâm lý e ngại về mối quan hệ gia đình ngày nay: Đi du lịch là lúc sum vầy, các thành viên dành thời gian, sự quan tâm cho nhau. Khoảnh khắc đó nhiều phụ huynh còn không tận hưởng, không thật sự dành thời gian cho con thì trong sinh hoạt ngày thường với bao nhiêu bận rộn sẽ đáng sợ đến mức nào?
Bức tranh còn là lời cảnh báo về những bất ổn, rối nhiễu tâm lý mà cậu bé đang và sẽ phải dối diện xuất phát từ lý do lỗi kết nối, tương tác trong mối quan hệ gia đình.
PGS.TS. Huỳnh Văn Sơn (Trường ĐH Sư phạm TPHCM) cho hay so với nhiều nước trên thế giới có thể nói bố mẹ Việt rất thương con, thậm chí là hy sinh, chiều chuộng con hết sức. Và họ cũng dành rất nhiều thời gian cho con. Nhưng vấn đề cần quan tâm một cách nghiêm túc là thời gian có chất lượng hay không.
Điều đáng ngại nhất là nhiều người nghĩ rằng chỉ cần hiện diện trong gia đình là đủ. Vì vậy không ít cảnh gia đình bên nhau nhưng mỗi người một việc riêng, hay bữa cơm gia đình cũng chỉ là ăn cho có lệ, rồi sau đó việc ai nấy làm. Các thành viên ngày càng xa cách sẽ là hệ quả tất yếu. Nhất là trong điều kiện chúng ta đang bị tác động, chi phối rất nhiều bởi tác động công nghệ.
“Không phải ăn cơm cùng trẻ, ngủ cùng, đi chơi cùng là quan trọng mà vấn đề ở chỗ bố mẹ quan tâm, chia sẻ, lắng nghe, thấu cảm con trẻ… như thế nào. Mà vấn đề này, theo tôi, cha mẹ Việt còn phải nỗ lực rất nhiều”, TS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh.
Trong mối quan hệ với con, ông Sơn nhắn nhủ với phụ huynh đừng mang mãi đôi giày của mình, hãy thử một lần đặt chân vào đôi giày của con trẻ. Bố mẹ sẽ nhận ra rất nhiều điều mà mình chưa bao giờ nghĩ đến: thì ra có thể trong đôi giày của con có những hạt cát; thì ra đôi giày của con còn lớn hơn cả bàn chân mình… để hiểu và chia sẻ được với trẻ.
Đổ vỡ trong kết nối gia đình sẽ kéo theo những hệ quả khủng khiếp mà không một nền giáo dục hiện đại nào, không một trường học tiên tiến nào có thể “bù đắp” được cho con trẻ.
Hoài Nam