“Phi thuyền” không gian của 8X Việt - Sánh ngang các nước phát triển?

(Dân trí) - Trở về từ nước ngoài sau cuộc thử nghiệm đưa chuột bạch vào không gian bằng “phi thuyền” thành công, chàng giám đốc 8X tài năng Phạm Gia Vinh đã dành thời gian chia sẻ với PV Dân trí về sản phẩm bay đột phá do anh và cộng sự chế tạo.

Trần bay đạt ngưỡng 30-50 km

 

“Phi thuyền” không người lái thử nghiệm thành công vào không gian do Phạm Gia Vinh - Giám đốc Công ty CP Nghiên cứu & Phát triển Đông Giang Việt Nam và nhóm kỹ sư hàng không Việt Nam chế tạo, vượt trội với khả năng bay được ở trần cao gấp 3-5 lần máy bay thông thường.

 

Ngày 15/3 vừa qua, chiếc “phi thuyền” có trọng lượng 600kg này đã được thử nghiệm lần thứ 2 thành công ở độ cao 29,5km tại thành phố Hyderabad (Ấn Độ).

 

“Đây là lần thử bay thực tế đầu tiên trên không trung chứ không phải mô phỏng (đưa vào buồng chân không làm lạnh, mô tả môi trường giống độ cao trên 30 km) như lần thử nghiệm đầu tiên tại Singapore”, Phạm Gia Vinh chia sẻ.

 

Anh cho hay, sau gần 2 giờ đồng hồ bay ở vùng cận vũ trụ với độ cao này, “phi thuyền” mang theo 3 con chuột bạch đã trở về trái đất an toàn. “Cả 3 con đều còn sống, khỏe mạnh và tỏ ra… phấn khích; nhóm nghiên cứu, chế tạo chúng tôi vô cùng vui sướng, xúc động”.

 
“Phi thuyền” không gian của 8X Việt - Sánh ngang các nước phát triển?
Sản phẩm của Phạm Gia Vinh trưng bày tại Singapore, được chuyên gia đánh giá có thể sánh ngang với sản phẩm của các nước phát triển công nghệ trên thế giới.
 

Đài truyền hình tin tức về châu Á Chanel News Asia cũng đã tường thuật chi tiết về sự kiện. Kênh này dẫn lời ông Lim Seng, nhà sáng lập kiêm Giám đốc quản lý của tập đoàn InGenius (Singapore) rằng, 3 con chuột vẫn an toàn trở về sau chuyến đi qua cả giới hạn Armstrong (độ cao mà áp suất không khí cực thấp) bằng cách sử dụng khinh khí cầu tầng bình lưu. Chuyến bay kéo dài 110 phút và đạt tới độ cao 29,5 km. “Đây quả là một kết quả đáng nể”, ông Lim nói.

 

Phạm Gia Vinh cho biết, thiết bị đạt độ cao 29,5km, duy trì trong thời gian 110 phút và có thể lên cao hơn. Tuy nhiên, kiểm soát không lưu yêu cầu hạ độ cao do thời gian đăng ký bay đã hết.

 

Trước đó, chuyến bay thử nghiệm đầu tiên tại Singapore vào đầu năm cũng đã thành công, sản phẩm đạt 80% yêu cầu và được các đối tác và khách hàng đánh giá rất cao. Trong đó, trần bay của “phi thuyền” đạt mức 23 km với bán kính bay là 150 km trong 7 tiếng đồng hồ.

 

Dự kiến vào  ngày 12/5 tới, “phi thuyền” của nhóm sẽ tiến hành đưa người lên không gian từ thị trấn Alice Springs, Australia.

 

Từ trước đến nay, Việt Nam chưa từng có một khí cụ bay dân sự nào có thể đạt đến trần bay 30km. Chiếc “phi thuyền” của nhóm Phạm Gia Vinh đã vượt xa tầm hoạt động của các máy bay dân dụng, sánh ngang với một số ít quốc gia phát triển sở hữu công nghệ chế tạo khí cụ bay có trần bay trên 30 km như Mỹ, Pháp, Nhật, Tây Ban Nha, Ấn Độ…

 
Phạm Gia Vinh (bìa phải) bên cạnh chiếc “phi thuyền” không gian.
Phạm Gia Vinh (bìa phải) bên cạnh chiếc “phi thuyền” không gian.
 

Những ưu việt của “phi thuyền không gian made in Việt Nam”

 

Dù biết rằng thế giới đã có thiết bị tương tự được sử dụng nhiều trong lĩnh vực thử nghiệm, thực nghiệm các thiết bị hàng không và hàng không vũ trụ, Phạm Gia Vinh vẫn quyết tâm nghiên cứu để cho ra đời thiết bị bay tự động không người lái “made in Vietnam” có những điểm khác biệt nổi trội.

 

Ưu điểm lớn nhất của sản phẩm là việc kiểm soát được vị trí hạ cánh của khoang đổ bộ. Trong khi sản phẩm cùng loại của một số công ty khác trên thế giới chỉ có thể thu hồi bằng cách sử dụng dù hỗ trợ, thì “phi thuyền” của Vinh có thể thu hồi khoang đổ bộ một cách tương đối chính xác.

 

“Đối tác đặt yêu cầu là phải đưa thiết bị này về có kiểm soát, trước đây họ thu hồi không kiểm soát, sau khi thiết bị về họ mới đi tìm nên thiết bị có thể rơi ngoài biển, mắc trên cây hoặc ở những vị trí khó thu hồi khác.

 

Chúng tôi có thể điều khiển thiết bị hạ cánh trong phạm vi 50 – 80km với sai số dưới 50m”, anh chia sẻ. Chính điều này đã giúp cho công ty của anh giành chiến thắng trong các dự án đấu thầu quốc tế.

 

“Nếu so sánh với việc phải phóng một tàu vũ trụ, đưa vệ tinh lên thử nghiệm trong các nghiên cứu về khoa học vũ trụ thì chi phí của “phi thuyền” không gian này thấp hơn tính bằng nghìn lần. Do đó, rất phù hợp với điều kiện kinh tế trong nước”, Phạm Gia Vinh nói.

 
Phạm Gia Vinh (bìa phải) bên cạnh chiếc “phi thuyền” không gian.
Chiếc “phi thuyền” không gian nổi bật với khả năng thu hồi chính xác thiết bị sau khi hoàn thành thử nghiệm.
 

Về mặt kinh tế, nếu sản xuất được trong nước, sản phẩm chắc chắn sẽ có giá thành thấp hơn so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại.Việt Nam nếu sở hữu được công trình này sẽ cạnh tranh được với nhiều nước có nền công nghệ hàng đầu thế giới.

 

Ngoài trần bay vượt trội và công nghệ khoang đổ bộ tiên tiến đặc biệt, chiếc “phi thuyền” không gian còn có thể mang tới hàng trăm kg vật dụng nhiều loại. Khả năng mang tải lớn như vậy sẽ cho phép thử nghiệm được các thiết bị cỡ lớn, ví dụ như các vệ tinh ở môi trường cận vũ trụ.

 

Theo Phạm Gia Vinh, khí cụ bay này cũng có thể mang các thiết bị quan sát, nghiên cứu tia vũ trụ và mang các thiết bị nghiên cứu ở môi trường cận vũ trụ với khả năng bay liên tục tương đối lâu từ 1-3 ngày.

 

Bước tiến vượt bậc trong nghiên cứu công nghệ vũ trụ

 

Các chuyên gia đầu ngành tại Việt Nam khẳng định, chiếc “phi thuyền” không gian của Phạm Gia Vinh và nhóm kỹ sư hàng không Việt sở hữu những tính năng vượt trội, là cánh cửa mở ra cơ hội to lớn trong nghiên cứu công nghệ vũ trụ.

 
Toàn cảnh buổi thử nghiệm lần thứ 2 tại thành phố Hyderabad (Ấn Độ).

Toàn cảnh buổi thử nghiệm lần thứ 2 tại thành phố Hyderabad (Ấn Độ).
 
Với trần bay cao từ 30-50km, thiết bị cho phép thực hiện các thí nghiệm y học, môi trường, nghiên cứu khí quyển cao của trái đất, gửi dữ liệu, ảnh đa phổ trực tiếp về hiện trường.
 
Đồng thời, thiết bị này sẽ giúp các nhà khoa học dễ dàng quan sát, nghiên cứu sự hình thành, đường đi của các cơn bão ở độ cao này. Ưu điểm của thiết bị là có thể chuyển dữ liệu về nhanh hơn vệ tinh bằng cách gửi trực tiếp hình ảnh thu thập được về trái đất.

 

Trong lĩnh vực an ninh thông tin, khi vệ tinh hỏng có thể sử dụng khí cụ bay như một trạm thu, phát sóng trong thời gian một tuần để phục vụ sửa chữa. Bên cạnh đó, nó có thể được dùng làm các hệ thống radar phục vụ cho quốc phòng và nghiên cứu khoa học.

 

“Tôi mong muốn và sẵn sàng hợp tác với các cơ quan chức năng, các tập đoàn công nghệ ở Việt Nam để phát triển các sản phẩm bay phục vụ cho quân sự và dân sinh”, Phạm Gia Vinh bày tỏ.

 

Lệ Thu

(Ảnh: NVCC)