Phí bảo trì tivi và đủ khoản thu "lạnh lùng" ở trường học
(Dân trí) - Một trường học ở Đồng Nai dừng thu 100.000 đồng tiền phí… bảo trì tivi sau phản ứng của phụ huynh. Những khoản thu lạ lùng và lạnh lùng như vậy vốn không lạ trong trường học.
Cụm từ "bảo trì tivi" trở nên viral (được phổ biến, lan truyền) trong những ngày qua xuất phát từ sự việc một trường liên cấp ở Đồng Nai có khoản thu "bảo trì tivi".
Sau buổi họp đầu năm, nhiều phụ huynh bức xúc trước khoản thu bảo trì tivi 100.000 đồng/học sinh của trường bên cạnh các khoản như: Tiền học tiếng Anh tăng cường, học bạ điện tử, bảo hiểm y tế...
Trước phản ánh của phụ huynh, Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai chỉ đạo trường ngưng thu khoản này, đồng thời nhắc nhở các trường học trên địa bàn thu phí, vận động quỹ phụ huynh đúng quy định, tránh lạm thu.
Tivi vừa mua mới, có bảo hành nhưng trường đã nóng vội "đẻ" ra phí bảo trì tivi để thu tiền của phụ huynh một cách lạ lùng. Nhưng thật ra trong trường học, mỗi nơi một kiểu, những khoản thu lạ như vậy không hề lạ, không hề hiếm.
Năm học vừa rồi, tại Trường tiểu học CN2, TP Cam Ranh, Khánh Hòa còn có khoản thu "cải tạo khuôn viên". Sau khi phụ huynh lên tiếng phản ảnh, Phòng GD&ĐT đã yêu cầu hiệu trưởng nhà trường trả lại khoản thu "cải tạo khuôn viên" 300.000 đồng/người.
Cách đây không lâu, cô giáo lớp 1 tại một trường tiểu học ở quận 7, TPHCM gửi đến phụ huynh danh sách liệt kê ra hàng loạt hạng mục cần sắm sửa.
Bản liệt kê này hơn 20 hạng mục như máy lạnh, loa, micro, amply, rèm, ổ điện, nẹp - keo - dây, tivi, khung, cáp HDMI, sửa điện máy lạnh, rửa quạt, sơn tường nứt, kệ thư viện lớp, kệ dép, decal tên, tiền công và dây đồng cho máy lạnh....
Tổng số tiền gần 80 triệu đồng, cô yêu cầu mỗi phụ huynh đóng 2 triệu đồng.
Khi nhà trường nắm thông tin thì.. sự đã rồi, tiền đã đóng, nhiều khoản đã chi. Cuối cùng sự việc được giải quyết theo hướng xem như phụ huynh cho trường mượn những tài sản nói trên.
Sự việc quỹ lớp thu 310 triệu đồng (mỗi phụ huynh đóng 10 triệu đồng) tại lớp 1/2 Trường tiểu học Hồng Hà, Bình Thạnh, TPHCM năm 2023 cũng gây chấn động dư luận cũng có loạt khoản thu chi lạ đời.
Nào là tiền sửa sang phòng học hơn 220 triệu đồng, thêm "combo" sơn bàn ghế, lót gạch 5,5 triệu đồng, micro 1,5 triệu, Internet 1,6 triệu…
Chưa nói đến tiền ăn uống, tập văn nghệ kèm gấu bông hơn 5 triệu đồng, chi phí văn nghệ khai giảng 4 triệu đồng, tiền cho hoạt động trung thu hơn 4 triệu đồng…
Sau khi sự việc được phản ánh, Phòng GD&ĐT quận Bình Thạnh đã chỉ ra chỉ có 2 trong 17 khoản chi trong danh mục của lớp này với tiền hơn 12,7 triệu đồng là hợp lý. Còn tất cả những khoản còn lại đều là thu chi sai quy định.
Cách xử lý cái sai thời điểm đó là trường tổ chức trả lại tiền cho… phụ huynh.
Tại Hội nghị hướng dẫn triển khai thực hiện thu, sử dụng học phí, các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục năm học 2024-2025 của Sở GD&ĐT TPHCM, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc sở nhấn mạnh ngành giáo dục thành phố sẽ quyết liệt nói "không" với lạm thu, giảm thiểu tối đa các trường hợp hiệu trưởng làm sai do chưa nắm rõ quy định.
Không chỉ riêng TPHCM, đầu năm học, cũng như mọi năm hàng loạt địa phương cũng đưa ra những chỉ đạo, quy định "mạnh tay" nhằm dẹp nạn lạm thu.
Những nỗi lo bên trên quy định, chỉ đạo một đằng, dưới thực hiện một nẻo không phải là không có cơ sở. Cứ mỗi đầu năm học, dư luận lại vỡ òa, sửng sốt về những khoản thu lạ kỳ trong trường học.
Bởi quy định không phải đến bây giờ mới có, mới nhắc. Theo luật giáo dục hiện hành, học sinh tiểu học tại các cơ sở giáo dục công lập được miễn học phí.
Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT xuất hiện từ 13 năm nay quy định nhiều khoản ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu, trong đó không được thu tiền bảo vệ cơ sở vật chất; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường…
Vậy nhưng không khó để thấy tại không ít trường học, thứ gì cũng đụng đến... túi tiền phụ huynh, từ sửa cổng trường, nhà vệ sinh, lát viên gạch cho đến cái micro, mạng Internet, các thiết bị dạy học của giáo viên…
Không ít khoản thu được phụ huynh gọi là "lạ lùng" bởi nó không chỉ "lạ" mà còn có cả sự lạnh lùng trong đó.
Sự lạnh lùng trước quyền đi học của học sinh, lạnh lùng với đường tới trường của nhiều đứa trẻ nặng trĩu vai mẹ cha bởi những khoản thu "trời ơi đất hỡi" được sản sinh trong trường học.
Mỗi khoản thu "lạ" như vậy trong trường học không chỉ làm cho bước chân đến trường của học trò nặng hơn mà còn có thể phá hủy niềm tin vào trường học, vào giáo dục.