Phát động cuộc thi “thiết kế hồ sơ bài giảng điện tử E-learning”

(Dân trí) - Chiều ngày 18/12, Bộ GD-ĐT đã chính thức phát động cuộc thi “ thiết kế hồ sơ bài giảng điện tử E-Learning”. Mục đích chính của cuộc thi nhằm đẩy mạnh phong trào ứng dụng CNTT trong đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy một cách sáng tạo, hiện đại.

Bên cạnh đó cuộc thi cũng định hướng tiếp cận thẳng vào công nghệ dạy học hiện đại là E-Learning, tiến tới M-Learning. Tạo nguồn tài nguyên giáo dục mở, chia sẻ kinh nghiệm và công tác trong cộng đồng giáo dục để tiến tới mô hình trường học điện tử. Ngoài ra cuộc thi cùng nhằm tôn vinh trí tuệ, công sức của giáo viên.
 
Phát động cuộc thi “thiết kế hồ sơ bài giảng điện tử E-learning”  - 1

Thứ trưởng Trần Quang Quý, T.S Quách Tuấn Ngọc và đại diện nhà
tài trợ bấm nút khai trương website của cuộc thi

Theo ông Phan Chánh Dưỡng, Giám đốc Quỹ cộng đồng Lawrence S.Ting, đơn vị đồng tổ chức và là nhà tài trợ chính cuộc thi thì “Thiết kế hồ sơ bài giảng điện tử E-Learing” là nội dung giai đoạn 3 trong chương trình “Tiến bước cùng IT”.

Các bài soạn nếu có giá trị sử dụng tốt cho công tác giảng dạy sẽ có những phần thưởng xứng đáng của Quỹ và các tác phẩm đó sẽ được Bộ GD-ĐT đưa vào kho học liệu trên mạng để mọi người tham khảo sử dụng.

Cuộc thi “Thiết kế hồ sơ bài giảng điện tử E-Learing” dành cho 6 môn học gồm Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tiếng Anh và Tin học. Bên cạnh đó, cuộc thi còn có nội dung thi chung gồm: website E-Learning theo các chủ đề môn học; sách giáo khoa điện tử; các thí nghiệm ảo; các bài trình chiếu hỗ trợ giảng dạy cho 6 môn học trên.

Đối tượng tham dự cuộc thi chủ yếu là các thầy cô (nhóm hoặc cá nhân) thuộc các trường THPT, Giáo dục thường xuyên cả nước.

Tại buổi lễ phát động, T.S Quách Tuấn Ngọc - Cục trưởng Cục công nghệ thông tin thuộc Bộ GD-ĐT, trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết: “ Hiện nay đa số giáo viên đang ứng dụng PowerPoint vào công tác giảng dạy. Phương pháp này lấy người thầy làm trung tâm nên gặp nhiều hạn chế. Đối với phương pháp E-learning thì người học có thể học ở mọi lúc mọi nơi. Hiện nay Việt Nam đang cung cấp dịch vụ 3G nên phương pháp này càng tiện ích hơn và chúng ta hoàn toàn có thể tiến tới M-Learning (học qua mạng điện thoại di động)”

T.S Ngọc cũng cho biết thêm, mục đích chính của e-Learning là giúp người học tự học là chính, có thể học ở mọi nơi (any where), mọi lúc (any time)… Bài giảng có thể chứa bài trình chiếu, tuy nhiên còn tích hợp đa phương tiện như âm thanh, tiếng nói giảng bài, video, hình ảnh, thí nghiệm ảo, phần mềm mô phỏng, bảng trắng …

Hoạt động giảng dạy có cả phần thuyết trình bài giảng, phần kiểm tra đánh giá trắc nghiệm (với nhiều kiểu trắc nghiệm khác nhau như chọn một ô đúng multi choice, điền khuyết, ghép đôi, đúng sai, nghe hiểu…), phần hỏi đáp giữa học viên và người hướng dẫn, giáo viên.

“Chúng tôi đang xem xét bàn bạc để mở rộng đối tượng tham gia vì vừa qua có một số đề nghị cho phép sinh viên học hệ sư phạm của các trường ĐH, những giáo viên của tương lai tham dự. Đề nghị này chúng tôi thấy cũng khá hợp lý”, T.S Ngọc tiết lộ.

Được biết, tổng cơ cấu giải thưởng cho cuộc thi là 5 tỷ đồng. Trong đó có một giải đặc biệt trị giá 50 triệu đồng. Để biết thêm về phương thức dự thi, cách tạo bài giảng E-learning cùng với các quy định khác của cuộc thi có thể tham khảo tại địa chỉ website http://thi-baigiang.edu.net.vn/

Nguyễn Hùng