Phát âm tiếng Anh: Thế nào là “chuẩn”?

(Dân trí) - Chủ đề phát âm tiếng Anh “chuẩn” đang thu hút sự chú ý lớn của dư luận, nhất là sau phát biểu gần đây của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận về chuyện ở Việt Nam “trò phát âm chuẩn, cô chê” hay clip mới nhất của cựu đại sứ du lịch Việt Nam Lý Nhã Kỳ khi trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh trên một kênh truyền hình Nam Phi.

Là một người có kinh nghiệm đứng lớp nhiều năm giảng dạy bộ môn tiếng Anh, ông Doãn Minh Mão - Phó Giám đốc đào tạo Học viện Anh ngữ EQuest Academy - có chia sẻ về chủ đề này.   

Khi chuẩn không chỉ là bản ngữ 

Chuẩn từ xưa tới nay, đối với người học, được ngầm mặc định rằng phát âm “như Tây” (người bản ngữ) là chuẩn. Định kiến cao cấp hơn chút là phải phát âm theo giọng Anh hoặc giọng Mỹ mới là chuẩn.

Một em học sinh có tiếng Anh căn bản từng than phiền với tôi rằng: “Em muốn học người bản ngữ để học phát âm chuẩn, nhưng cô giáo mới của em lại là người Canada, nên cô phát âm không chuẩn như cô giáo cũ”. Tuy nhiên, sau khi nghe tôi phân tích tiếng Anh chính là ngôn ngữ mẹ đẻ của cô ấy vì ở Canada 75-80% dân số nói tiếng Anh, và tiếng Anh Canada cùng tiếng Anh Mỹ được xếp chung vào nhóm North American English thì cô trò nhỏ của tôi lập tức thay đổi suy nghĩ. Em bỗng thấy cô giáo người Canada của mình trở nên chuẩn và… bản ngữ hơn bao giờ hết. Điều này cho thấy sự chuẩn hóa đôi khi được quyết định một cách đơn giản bởi niềm tin đó là người bản ngữ!

Sự khác biệt vùng miền trong tiếng Anh là rất lớn, bởi khoảng cách địa lý lớn giữa các vùng miền của Anh, Mỹ, và Australia. Người Liverpool phát âm rất khác những người ở London nói tiếng Anh Cockney, lại càng khác  tiếng Anh Yorkshire, và cũng rất khác cách phát âm không mang đặc điểm vùng, như RP English, của GS. David Crystal, Thủ tướng Anh David Cameron, v.v…. Trong khi đó, quan điểm dạy ngữ âm trong tiếng Anh tùy thuộc vào phương pháp ở từng giai đoạn. Cụ thể, hướng dạy tiếng Anh giao tiếp có sức ảnh hưởng lớn từ cuối thế kỷ 20 đến nay (Communicative Language Teaching) nhấn mạnh vào khả năng phát âm “hiểu được” (intelligibility) của người nói, chứ không phải phát âm “như người bản ngữ”. Các sách dạy phát âm phổ biến phục vụ cho mục đích này bằng cách chọn các mẫu tiếng Anh được hiểu rộng rãi nhất làm chuẩn. Hai mẫu phổ biến là RP English (BBC English), tiếng Anh có đặc trưng ở nước Anh, và General American English, tiếng Anh có đặc trưng ở Bắc Mỹ. Đây có thể được coi là ngữ âm “chuẩn”.

BBC English hay General American English được nhiều người biết bởi sự phổ biến trên truyền thông, tuyệt đối không phải vì chúng được nhiều người nói. Trên thực tế rất ít người sử dụng chúng, hầu như chỉ các học giả hoặc phóng viên truyền hình. Khi nghe thứ tiếng Anh này, người nghe không thể biết người nói có xuất thân từ vùng miền nào của Anh hay Mỹ, bởi chúng được “chỉnh sửa” để tạo thành hình mẫu (RP English).

 “Chuẩn” đến mức nào là đủ?

Các bậc phụ huynh hay cho con em của mình học tiếng Anh với mong muốn chủ yếu là để thành đạt, bởi tiếng Anh có sức ảnh hưởng vô cùng lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa. Vậy, trả lời được cho câu hỏi phát âm chuẩn đến mức nào là đủ để thành đạt xem ra là vô cùng quan trọng.

Vậy hãy nghe cách phát âm tiếng Anh của những người thành đạt như GS. Toán học Ngô Bảo Châu, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh, hay Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon. Các nhân vật này có ba điểm chung: 1) Không ai sử dụng BBC English hay General American English, 2) Tiếng Anh của họ có đặc trưng rõ ràng của tiếng mẹ đẻ, nhưng không có gì khó khăn để hiểu họ nói gì, và 3) về sự nghiệp họ đều có thể được cho là rất thành đạt.

Trong trường hợp của Lý Nhã Kỳ, về ngữ âm, có thể nhận thấy cách phát âm của cô ấy mặc dù có sự ảnh hưởng rất rõ của tiếng mẹ đẻ, nhưng nhìn chung không gây khó khăn cho người nghe, ngoại trừ những khi chị nói nhanh quá nên bị nhịu, một số âm như phụ âm đầu “trong that” được phát âm như phụ âm đầu “trong đát” tiếng Việt.. Tuy nhiên, điểm cộng cho Lý Nhã Kỳ là cô nói khá lưu loát, tự nhiên và hiện số các nghệ sĩ tự tin nói được tiếng Anh như cô không phải là nhiều.

Thực tế cho thấy, trong khoảng 1,5 tỉ người nói tiếng Anh thường xuyên trên khắp thế giới, số người phát âm tiếng Anh chuẩn (RP hay General American) là vô cùng nhỏ. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc ta có thể học ngữ âm một cách tùy tiện, học với bất kỳ giọng nào, mức độ địa phương nặng đến bất kỳ mức nào. Những nhân vật thành công như GS Toán học Ngô Bảo Châu, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh, hay Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, dù nói tiếng Anh có màu sắc tiếng Anh vùng miền của họ song không gây vấn đề làm cho người nghe khó hiểu. Tương tự, những người dân Singapore, Ấn Độ, v.v. đặc biệt là những người thành đạt, cần nói cho nhiều người nghe, cũng không phải ngoại lệ. Một độc giả bình luận cho một bài báo trên Vnexpress gần đây cho rằng học phát âm từ welcome (chào mừng) thành ven-căm cũng được. Tôi kịch liệt phản đối quan điểm này.

Mức độ “địa phương” đến đâu thì chấp nhận được?

David Crystal  - nhà nghiên cứu tiếng Anh hàng đầu thế giới hiện tại - trả lời trong một phỏng vấn của Macmillan Education rằng ngay cả khi thế giới có hàng trăm giọng nói tiếng Anh như hiện nay thì với dạy ngữ âm cũng sẽ không có gì thay đổi. Cần chọn một mẫu tiếng Anh phổ biến trên truyền thông, như BBC English hay General American English, hoặc cũng có thể là một mẫu tiếng Anh Ấn Độ dễ hiểu, làm mẫu để dạy và học.

Trong quá trình dạy hay luyện tập, không bắt buộc người học phải đạt đến mức độ của cách phát âm mẫu, có thể chấp nhận chất giọng Việt Nam. Nhưng làm sao để biết mức độ nào thì chấp nhận được, tất cả phụ thuộc vào trình độ của giáo viên. Người dạy cần có đủ trình độ đánh giá phát âm của học sinh của mình có gây khó khăn đáng kể cho người nghe ở môi trường quốc tế hay không, chủ yếu dựa trên hiểu biết về khả năng một âm nào đó khi bị phát âm lệch so với âm mẫu thì có khả năng gây nhầm lẫn cao với một âm khác hay không (chức năng khu biệt). 

Lý do cần chấp nhận chất giọng địa phương (tiếng Việt) khi nói tiếng Anh là bởi: 1) để thành đạt, không cần phát âm như tiếng Anh mẫu, và 2) nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ khi còn rất nhỏ, người học mới dễ dàng bắt chước được theo một mẫu ngữ âm tương đối hoàn chỉnh, còn khi đã qua giai đoạn này việc cố gắng phát âm giống hệt theo mẫu là vô cùng khó khăn, tốn kém rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc, một cách không cần thiết. Nhà đầu tư có thể dành thời gian này nghiên cứu thị trường tài chính, học sinh học toán có thể dành thời gian này để nghiên cứu về toán, nhà chính trị có thể dành thời gian này để nghiên cứu tình hình chính trị trong nước và thế giới, v.v.

Còn về chuyện tìm thầy bản ngữ chỉ đề học phát âm là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm, bởi rất ít thầy bản ngữ phát âm “chuẩn”! Người bản ngữ phát âm “chuẩn” nhất là người phát âm giống như trong băng đĩa của các sách dạy ngữ âm phổ biến như English Pronunciation In Use, Ship or Sheep, American Accent Training!

Tóm lại, bạn chỉ cần lựa chọn một mẫu ngữ âm chuẩn, luyện tập thật nhiều để hướng tới việc phát âm khiến người nghe dễ dàng hiểu được mà không gặp khó khăn. Bạn hoàn toàn có thể giữ lại nhiều nét đặc trưng vùng miền trong giọng nói.     

Tài liệu tham khảo:

(1) Crystal, David (January 2000). “Emerging Englishes”. University of Cambridge. Retrieved July 2014.
(2). Trudgill, Peter (8 December 2000). "Sociolinguistics of Modern RP". University College London. Retrieved 3 October 2012. 
 
Doãn Minh Mão 
Học viện Anh ngữ EQuest Academy