Phân tầng ĐH: Không cẩn thận thí sinh sẽ “lao” vào trường top trên

(Dân trí) - Phân tầng và xếp hạng đại học (ĐH) là cần thiết. Tuy nhiên, làm thế nào để khách quan và chính xác là điều mà nhiều trường ĐH lo lắng.


Phân tầng đại học, thí sinh sẽ biết rõ chất lượng đào tạo của các trường để lựa chọn.

 

Phân tầng đại học, thí sinh sẽ biết rõ chất lượng đào tạo của các trường để lựa chọn.

 

Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục chưa đủ năng lực để đánh giá

Ngày 25/10 tới, Nghị định 73 năm 2015 của Chính phủ về quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học sẽ có hiệu lực.

Theo lãnh đạo các trường đại học, việc phân tầng và xếp hạng đối với các trường đại học ở Việt Nam hiện nay là cần thiết để cơ sở giáo dục đại học định hướng rõ ràng mục tiêu đào tạo, công khai chất lượng và uy tín của các trường để người học, xã hội biết và lựa chọn.

Tuy nhiên, lãnh đạo một số trường cũng còn băn khoăn, vì Nghị định 73 của Chính phủ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện việc phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học, trong khi ở Việt Nam hiện chưa có nhiều tổ chức có thể đảm nhiệm được nhiệm vụ này.

Trao đổi với phóng viên, TS Vũ Viết Bình- ĐHQG Hà Nội cho biết, ở nước ngoài, việc phân tầng và xếp hạng các trường ĐH phải qua một bộ tiêu chuẩn rất lớn, rất chi tiết với rất nhiều tiêu chí quan trọng thông qua việc tự đánh giá và đánh giá ngoài.

Trong bộ tiêu chuẩn đó, có nhiều tiêu chí quan trọng được đưa vào như: Cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, tỉ lệ sinh viên/giáo viên, chương trình đào tạo, hoạt động xã hội của sinh viên, việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội chưa…

Điều này khá quan trọng trong bộ tiêu chuẩn đánh giá ở nước ngoài vì nếu sinh viên không làm đúng ngành nghề đào tạo sau khi tốt nghiệp, chứng tỏ chương trình đào tạo của trường đó chưa chuẩn mực.

Ngoài ra, điểm khác ở Việt Nam là họ không quan tâm đến số lượng tiến sĩ, giáo sư của một trường ĐH. Tiêu chí quan trọng để đánh giá và xếp hạng năng lực của trường là các công trình nghiên cứu khoa học, các giải thưởng mà cơ sở đó đạt được.

Ở Việt Nam, hiện chỉ mới bắt đầu thực hiện việc phân tầng và xếp hạng các trường ĐH. Trước đây, chúng ta từng xây dựng tiêu chí tự đánh giá để kiểm định chất lượng. Việc kiểm định này thông qua các Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ GD-ĐT đặt ở một số cơ sở giáo dục như ĐHQGHN, ĐHQGTP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, theo ông Bình, bộ tiêu chí đó chỉ có thể đánh giá riêng về chất lượng, không thể căn cứ vào đó để phân tầng hoặc xếp hạng các trường ĐH vì không đủ độ bao quát.

“Bản thân các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục này cũng chưa đủ năng lực để đánh giá các trường. Thậm chí, nếu sử dụng bộ tiêu chuẩn đánh giá của tổ chức AUN (Liên hiệp các trường ĐH Đông Nam Á) mà nhiều trường đang sử dụng hiện nay, cũng chỉ đánh giá về chất lượng chứ không bao quát được mọi mặt của một cơ sở giáo dục. Không thể căn cứ vào đây để phân tầng các trường ĐH”, ông Bình nói.

Trước mắt cần phân tầng theo nhóm trường đào tạo

GS.TSKH Đặng Ứng Vận, Hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình chia sẻ, phải khẳng định phân tầng không đơn giản chỉ xếp hạng theo chất lượng. Phân tầng nghĩa là phân theo chức năng. “Tôi nghĩ, khi ta chưa phân tầng và xếp hạng được cùng lúc thì trước mắt, cần phân tầng chức năng cho các trường theo các nhóm trường đào tạo: Nghề nghiệp; Giáo dục chuyên nghiệp; Ứng dụng”.

GS Vận phân tích, nếu không làm được điều này, thí sinh sẽ chỉ lao vào các trường nghiên cứu ở top trên, gây khó khăn cho những trường đào tạo nghề ở top dưới, các ĐH hữu dụng, ĐH thực hành, các trường cao đẳng…

“Tôi đã đọc kĩ Nghị định của Chính phủ về việc phân tầng ĐH thì thấy, khái niệm này chưa được làm rõ nên các trường mới băn khoăn. Vì thế, việc cấp bách hiện nay là phân tầng theo chức năng. Ở mỗi tầng, phải có các thang bậc để đánh giá riêng. Các trường tinh hoa cạnh tranh với thế giới bằng đào tạo sau ĐH. Còn các trường top dưới đi vào đào tạo ngành nghề mới công bằng.

Tôi nghĩ, chúng ta sử dụng chung một hệ thống kiểm định cho tất cả các trường là không được. Trong khi ta chưa ổn định hệ thống kiểm định mà sử dụng nó để xếp hạng các trường ĐH thì chưa giải quyết được vấn đề”, ông Vận khẳng định.

Về điều này, ông Bình nhận định, Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý giáo dục Nhà nước nên trước mắt cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục. Trên cơ sở đó, có thể “áp” cho từng trường xem đã đạt được bao nhiêu phần trăm. Thế nhưng đến điều này, hiện ta vẫn chưa làm được thì không biết bộ căn cứ vào đâu để xếp hạng?

“Nếu chỉ áp dụng một số tiêu chí, chắc chắn sẽ không công bằng với nhiều trường. Chẳng hạn tôi lấy thí dụ Trường ĐH Ngoại Thương, lâu nay trường này được đánh giá là top trên vì sinh viên vào đông, điểm chuẩn cao. Tuy nhiên, nếu xét toàn diện, trường này cũng có nhiều ngành vẫn ít sinh viên, điểm chuẩn thấp và ra trường vẫn không có việc làm. Thậm chí cơ sở vật chất nhiều khi chưa bằng một số trường dân lập khác”, ông Bình phân tích.

Vì vậy, theo ý kiến của ông Vũ Viết Bình, cần phải có trung tâm kiểm định giáo dục nằm độc lập kiểu như Kiểm toán Nhà nước thì việc phân loại mới khách quan. Hiện nay, đội ngũ kiểm định viên của chúng ta còn yếu, các trung tâm của bộ lại đi đánh giá các trường của mình, chưa có bộ tiêu chuẩn đánh giá, thiếu các chuyên gia cự phách thì việc phân tầng và xếp hạng các trường ĐH sẽ khó thực hiện được.

 

Theo Nghị định 73 của Chính phủ, cơ sở giáo dục ĐH được phân thành 3 tầng gồm: cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng và cơ sở giáo dục đại học định hướng thực hành.

Các cơ sở giáo dục đại học trong mỗi tầng được sắp xếp vào 3 hạng của khung xếp hạng theo thứ tự từ cao xuống thấp: hạng 1, hạng 2, hạng 3. Hạng 1 bao gồm 30% các cơ sở giáo dục đại học có điểm cao nhất; hạng 3 bao gồm 30% các cơ sở giáo dục đại học có điểm thấp nhất và hạng 2 bao gồm 40% các cơ sở giáo dục đại học không thuộc hạng 1 và 3.

Phân tầng cơ sở giáo dục ĐH được thực hiện theo chu kỳ 10 năm và xếp hạng cơ sở giáo dục được thực hiện theo chu kỳ 2 năm.

 

 

 

 

 

 

Quốc Huy