Phân tầng đại học: Tiêu chí chưa chuẩn xác
(Dân trí) - Sau khi Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo Nghị định về phân tầng, xếp hạng đại học, nhiều ý kiến chuyên gia giáo dục cho rằng tiêu chí đưa ra chưa chuẩn xác, dường như có sự lẫn lộn giữa phân tầng và phân loại đại học.<br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/gs-nguyen-van-tuan-viet-nam-chua-san-sang-de-thuc-hien-xep-hang-dai-hoc-951912.htm'><b> >> GS Nguyễn Văn Tuấn: “Việt Nam chưa sẵn sàng để thực hiện xếp hạng đại học”</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/phan-tang-dai-hoc-se-rat-nguy-hiem-cho-su-phat-trien-cua-cac-truong-951534.htm'><b> >> Phân tầng đại học: Sẽ rất "nguy hiểm" cho sự phát triển của các trường!</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/dai-hoc-viet-nam-se-duoc-phan-thanh-5-hang-950945.htm'><b> >> Đại học Việt Nam sẽ được phân thành 5 hạng</b></a>
Các tiêu chí xếp hạng phải cẩn trọng
Theo dự thảo về phân tầng và xếp hạng các trường ĐH, CĐ, các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) sẽ được phân tầng (sắp xếp theo nhóm) và xếp hạng (sắp xếp theo thứ tự cao, thấp về chất lượng được tính bằng điểm theo khung xếp hạng trong mỗi tầng.)
Mục đích của Dự thảo quy định này nhằm phân tầng các cơ sở GDĐH, xếp hạng và khung xếp hạng các cơ sở GDĐH; quy trình, thủ tục phân tầng và xếp hạng cơ sở GDĐH. Theo dự thảo, các cơ sở đào tạo giáo dục Việt Nam sẽ có các "tầng": định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng và định hướng thực hành.
Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho hay, những tiêu chí mà dự thảo của Bộ GD-ĐT đưa ra chưa thực sự chuẩn xác. Các tiêu chí xếp hạng phải được thảo luận một cách cẩn trọng giữa các nhà khoa học, hiệu trưởng đại diện cho các nhóm trường chứ không thể là ý kiến chủ quan của một nhóm người.
Ông Hóa kiến nghị, Bộ GD-ĐT nên tìm hiểu nền giáo dục của các nước phát triển trong khu vực để tham khảo và học tập các tiêu chí đánh giá của họ. Sau khi họp bàn, lấy ý kiến rộng rãi, phải thống nhất bao nhiêu tiêu chí định lượng, bao nhiêu tiêu chí định tính và sau đó phải có một sự kiểm tra thực sự.
Đồng quan điểm, về tiêu chí xếp hạng, TS Lê Viết Khuyến, nguyên phó Vụ trưởng Vụ GDĐH cho rằng: “Dự thảo đưa ra các hạng được tính theo phần trăm (%) số các trường trong từng tầng, được chia theo nhóm từ cao xuống thấp, được làm tròn số, đây là một quan điểm duy ý chí. Giống như trước đây cứ cho rằng mỗi lớp học phải có bao nhiêu học sinh giỏi, bao nhiêu học sinh trung bình. Tại sao phải có 10%, 20%, 40%? Nếu như 100% các trường đều đạt tiêu chí hạng nhất thì càng tốt chứ, sao lại phải ép vảo cả loại 3, loại 4? Và nếu như đa số chỉ đạt mức trung bình, thì vẫn phải cố nhóm ra 10% cao nhất?”
TS Lê Viết Khuyến nhận định: “Dự thảo Nghị định dường như đang có sự lẫn lộn giữa phân tầng và phân loại. Việc phân tầng Nhà nước nên làm, nhưng chỉ đối với các trường công lập. Còn đối với các trường ngoài công lập, khi Nhà nước không cấp kinh phí, thì không có quyền can thiệp vào sứ mệnh của các trường”.
Chia sẻ về vấn đề phân tầng GDĐH, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho biết một kinh nghiệm phân tầng GDÐH tốt mà thế giới thường nhắc đến là phân tầng GDÐH của bang California (Mỹ), được đề xuất cách đây nửa thế kỷ mà cho đến nay vẫn còn tác dụng đó là GDÐH công lập ở California chia ba tầng. Tầng trên cùng gồm 10 trường ÐH đẳng cấp cao nhất, nặng về nghiên cứu và đào tạo tiến sĩ, tuyển tốp 1/8 (12,5%) SV giỏi nhất của số học sinh tốt nghiệp THPT. Tầng giữa gồm 23 trường ÐH tầm trung, chỉ có quyền đào tạo đến bằng thạc sĩ, tuyển nhóm 1/3 (33,3%) số học sinh tốt nghiệp THPT kế tiếp.Tầng dưới bao gồm khoảng 110 trường cao đẳng cộng đồng nhận bất cứ học sinh nào muốn được học ÐH và học nghề. Hiện nay hệ thống phân tầng này mở rộng ra cả các trường tư và các trường đào tạo nghề, là một hệ thống phân tầng khá hiệu quả mà cả thế giới học tập.Sắp xếp lại hệ thống các trường phải trên cơ sở sứ mạng
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Phân tầng đại học nhằm công khai chất lượng các trường và để xác định rõ mục tiêu và sứ mạng cho các trường. để định hướng cho các trường phát triển đúng hướng. Nếu không làm, các trường không rõ định hướng phát triển".
Về ý kiến nên tham khảo tiêu chí xếp hạng của nước ngoài, Thứ trưởng Ga cho rằng: "Việc thực hiện phân tầng đại học khi có kết quả sẽ công khai chất lượng cho xã hội biết. Vì vậy phải thực hiện trong điều kiện của mình, không thể áp dụng ngay chuẩn quốc tế”.
Theo Thứ trưởng Ga, sau khi phân tầng sẽ xếp hạng theo từng tầng chứ không xếp tầng nọ với tầng kia. Nếu nước ta thực hiện xếp hạng trước và phân tầng sau thì sẽ gây ra tình trạng lộn xộn. Điều quan trọng là nếu không có phân tầng thì không định hình được hệ thống. Khi các trường có định hướng rõ ràng thì mới phát triển và hội nhập được, nếu không cứ làng nhàng trường nào cũng nhận là nghiên cứu mà không có trường nào đạt được cả.
Về vấn đề sắp xếp lại hệ thống các trường ĐH-CĐ, GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng: “Việc sắp xếp lại hệ thống các trường ĐH, CĐ cả nước không thể không làm, trước hết là phải trên cơ sở sứ mạng, đồng thời phải làm rõ vấn đề tài chính của từng loại trường này, theo tinh thần là cái gì mà xã hội không làm được thì nhà nước mới làm. Trong trường hợp như vậy gánh nặng trên vai ngân sách nhà nước sẽ giảm đi”.
GS Quân đưa ra sơ bộ hệ thống các trường được phân loại như sau: Các trường cho công ích, công quyền (là các trường Công an, Quân đội, các trường của Đảng, của các bộ, của đoàn thể chính trị - xã hội tổng cộng khoảng hơn 80 trường). Các trường trọng điểm quốc gia chỉ nên gom lại để dành khoảng 20 trường thôi để đầu tư cho thỏa đáng. Còn lại các trường công khác chuyển thành các trường tự quản nghĩa là lấy thu bù chi; nhà nước cho phép sử dụng trường sở, cơ sở vật chất đã có chứ không bao cấp chi phí thường xuyên nữa. Cần phải biến một số trường công trở thành trường có sở hữu đan xen để thu hút đầu tư thêm, cải thiện điều kiện đào tạo. Ngoài ra, đương nhiên còn có các trường ngoài công lập.
Theo GS Quân, khi xây dựng hệ thống như vậy và chấp nhận một cơ chế dịch vụ đào tạo có trả tiền thì vấn đề xã hội được đặt ra là những người nghèo làm thế nào để học được, dù có hỗ trợ của nhà nước một phần kinh phí nhưng không thể đủ. Dân ta còn nghèo, nhiều nơi, nhất là ở vùng nông thôn khó có đủ điều kiện để trả chi phí ấy, cho nên nhà nước phải cho vay. Lâu nay Nhà nước đã mở rộng cho vay nhưng số lượng vay mỗi lần phải được tăng lên để đủ sức đảm bảo chi phí cho người học. Ta vẫn còn có khả năng huy động nhiều nguồn lực khác ngoài ngân sách nhà nước.
Thủ tướng công nhận xếp hạng đối với các trường đại học Luật Giáo dục đại học quy định: Chính phủ quy định tiêu chuẩn phân tầng cơ sở giáo dục đại học; ban hành khung xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học theo mỗi tầng và tiêu chuẩn của từng hạng trong khung phục vụ công tác quản lý nhà nước và ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học. Thủ tướng Chính phủ công nhận xếp hạng đối với đại học, trường đại học; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận xếp hạng đối với trường cao đẳng; căn cứ kết quả xếp hạng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định kế hoạch ưu tiên đầu tư, giao nhiệm vụ và cơ chế quản lý đặc thù đối với các cơ sở giáo dục đại học phù hợp với nhu cầu nhân lực và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong từng giai đoạn. Căn cứ kết quả xếp hạng, Bộ GD-ĐT phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi cơ sở giáo dục đại học đặt trụ sở hoặc có tổ chức hoạt động đào tạo để hỗ trợ cơ sở giáo dục đại học tư thục về đất đai, tín dụng và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. |
Hồng Hạnh