GS Nguyễn Văn Tuấn: “Việt Nam chưa sẵn sàng để thực hiện xếp hạng đại học”

(Dân trí) - Việc phân hạng các trường đại học tại Việt Nam dù mới là dự thảo nhưng thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả, tri thức. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Trường ĐH New South Wales, Úc) đã có những chia sẻ về vấn đề này.<br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/dai-hoc-viet-nam-se-duoc-phan-thanh-5-hang-950945.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Đại học Việt Nam sẽ được phân thành 5 hạng</b></a>

Theo dự thảo này, Bộ GD-ĐT lựa chọn, ủy nhiệm cho một tổ chức thực hiện xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH). Có ý kiến cho rằng, việc xếp hạng đại học nên để tổ chức độc lập tiến hành xếp hạng để đảm bảo công bằng. Giáo sư nghĩ sao?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Tôi cũng nghĩ việc xếp hạng đại học nên để cho một hay vài nhóm độc lập thực hiện để đảm bảo tính khách quan. Bộ GD-ĐT không nên đứng ra làm và hình như trong dự thảo mới, Bộ cũng không có ý định làm. Ở nước ngoài, các bảng xếp hạng đại học hàng đầu trên thế giới là do các nhóm tư nhân (như nhóm QS - Quacquarelli Symonds, nhóm Times Higher Education của tạp chí Times nhưng nay là của Thomson Reuters), hay do các nhóm nghiên cứu của một đại học (như AWRU của Đại học Giao thông Thượng Hải, CWTS Leiden xuất phát từ Đại học Leiden bên Hà Lan).

Hiện ở Việt Nam, theo Giáo sư liệu đã có đơn vị nào chuyên nghiên cứu về xếp hạng đại học chưa?

Xếp hạng đại học là một lĩnh vực trong bộ môn khoa học mới có tên là scientometrics (tức đánh giá khoa học). Ở Việt Nam, theo tôi biết có một vài nhóm nghiên cứu về chất lượng giáo dục, còn nhóm chuyên nghiên cứu về đánh giá khoa học chỉ mới có Trung tâm CHEER của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành mới được thành lập. Nói chung, Việt Nam chưa có kinh nghiệm về xếp hạng đại học.

GS Nguyễn Văn Tuấn: “Việt Nam chưa sẵn sàng để thực hiện xếp hạng đại học”
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn hiện là giáo sư Trường ĐH New South Wales, là chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan (Australia).

Bộ đề ra các tiêu chí định hướng nghiên cứu khoa học. Giáo sư có thể nhận xét về các tiêu chí này?

Tôi đếm được tất cả 15 tiêu chí để xếp hạng đại học định hướng nghiên cứu. Nói chung các tiêu chí này đặt nặng phần lượng mà thiếu tập trung vào phần phẩm của đại học. Thật ra, 13/15 tiêu chí đều là lượng, từ số giảng viên có bằng tiến sĩ, số chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, quĩ thời gian dành cho nghiên cứu, đến số bài báo khoa học công bố, tất cả đều được gắn liền với một con số!

Vấn đề là không ai biết cơ sở khoa học của những con số này là gì. Chẳng hạn như chúng ta không biết được tại sao có tiêu chí đào tạo 50 tiến sĩ mỗi năm. Thật ra, tiêu chí này cũng khó khách quan vì còn tuỳ thuộc vào qui mô đào tạo của trường. Ngay cả các đại học lớn nhất nước mỗi năm cũng chỉ có thể đào tạo 30-50 tiến sĩ. Do đó, người ta có lí do để nghi ngờ rằng tiêu chí này được soạn cho một đại học nào đó.

Có một vài tiêu chí tôi cho là quá cao và rất khó có đại học nào đạt được. Ví dụ như tiêu chí “ít nhất 40% tổng số giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu của trường có trình độ tiến sĩ” là rất cao. Chúng ta biết rằng tính chung, trong số hơn 60 ngàn giảng viên đại học, chỉ có khoảng 15% có bằng tiến sĩ. Ngay cả hai đại học quốc gia, số giảng viên và nhà nghiên cứu có bằng tiến sĩ cũng chỉ đạt con số 25%. Do đó, tôi cho rằng tiêu chí này thiếu tính thực tế. 

Tương tự, tiêu chí  “Ít nhất 25% tổng số giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu của trường có chức danh Giáo sư, Phó giáo sư” cũng thiếu tính thực tế. Hiện nay, số GS/PGS trong các đại học Việt Nam chỉ chiếm <5% trên tổng số giảng viên. Ngay cả đại học quốc gia, cũng chỉ có 6-7% giảng viên có chức danh GS/PGS. Do đó, tôi nghĩ với tiêu chí này, chẳng có đại học nào ở Việt Nam đáp ứng được.

Còn một số tiêu chí khác thì hoặc là trùng hợp, hoặc chưa được định nghĩa rõ ràng. Chẳng hạn như định nghĩa thế nào là một cơ sở “nghiên cứu cơ bản” là một vấn đề còn tranh cãi và không dễ có đồng thuận.

Có người cho rằng, cần phải thêm chỉ tiêu số sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành nghề là bao nhiêu, tiêu chí chất lượng sinh viên ra trường, tỷ lệ sinh viên ra trường có công việc ổn định?

Tôi nghĩ các tiêu chí như số sinh viên ra trường có việc và làm đúng ngành nghề đào tạo là đầu ra của đào tạo, nhưng đó không hẳn là tiêu chí để xếp hạng đại học nghiên cứu. Bảng xếp hạng của Đại học Giao thông Thượng Hải có tiêu chí cựu sinh viên đoạt các giải thưởng quan trọng như Nobel và Fields, chứ không có bảng xếp hạng nào dùng tiêu chuẩn “thấp” như số sinh viên tốt nghiệp có việc làm.

Xét riêng về tiêu chí cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu, Giáo sư thấy các tiêu chí đã đủ chưa? Giáo sư có góp ý gì?

Tôi nghĩ các tiêu chí mà Bộ GD-ĐT đề xuất vừa phức tạp, vừa đơn giản và vừa thiếu. Tôi có thể lấy vài ví dụ tiêu biểu như sau:

Phức tạp vì những tiêu chí như qui mô đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, quĩ thời gian dành cho nghiên cứu, đào tạo theo định hướng nghiên cứu chiếm hơn 60% tổng số các chương trình đào tạo của trường... sẽ rất khó hiểu hay khó định nghĩa.

Nhiều tiêu chí bị đơn giản hoá một cách không hợp lí. Ví dụ như số giảng viên có bằng tiến sĩ hay có chức danh GS/PGS là một biến số liên tục từ 0 đến 100%, nhưng bị “nhị phân hoá” dựa vào một ngưỡng như trên/dưới 40%, hay trên/dưới 25%! Sự nhị phân hoá là một cách làm rất phi khoa học. Một trường có tỉ lệ 24% sẽ rất khác với 26% vì tiêu chí này, nhưng trong thực tế thì sự khác biệt chẳng có ý nghĩa học thuật.

Thiếu vì chưa quan tâm đến chất lượng nghiên cứu khoa học. Chẳng hạn như tiêu chuẩn công bố tối thiểu 50 bài báo khoa học là thuần tuý lượng. Vấn đề quan trọng hơn là công bố ở đâu, tập san loại gì và tầm ảnh hưởng ra sao. Một bài báo trên tập san có hệ số ảnh hưởng cao (như trên 10) có giá trị cao hơn nhiều so với 10 bài báo trên tập san có hệ số ảnh hưởng bằng 1. Do đó, nếu chỉ quan tâm đến lượng mà bỏ qua khía cạnh phẩm là một sai lầm nghiêm trọng và có thể dẫn đến sai sót hoặc thiếu khách quan trong xếp hạng.

Tôi có nhiều đề nghị, nhưng tôi sẽ ưu tiên cho 2 đề nghị liên quan đến đơn giản hoá tiêu chí và nghiên cứu.

Thứ nhất là cần phải đơn giản hoá và giảm số tiêu chí xếp hạng. Tôi cho rằng 15 tiêu chí được đề ra nhưng chưa có cơ sở khoa học vững vàng và thành thật mà nói, cũng chẳng giống ai trên thế giới. Nếu mục tiêu xếp hạng đại học tạo sự cạnh tranh và làm thước đo về phát triển nghiên cứu khoa học, tôi đề nghị phải bỏ những tiêu chí mang tính đầu vào (input) và tập trung vào các tiêu chí đầu ra (output). Hiện nay, hầu hết các tiêu chí liên quan đến đầu vào. Tôi đề nghị thêm các tiêu chí liên quan đến giảng dạy (như số sinh viên trung bình tính trên giảng viên, trình độ giảng viên và danh tiếng trong giảng dạy). 

Riêng các tiêu chí liên quan đến nghiên cứu khoa học, cần phải thêm các tiêu chí liên quan đến tầm ảnh hưởng và chất lượng nghiên cứu (như tần số trích dẫn, chỉ số tác động). Trong thời đại toàn cầu hoá, đại học ngày nay là một trung tâm xuyên quốc gia, do đó cần phải có tiêu chí phản ảnh số giảng viên, giáo sư, nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ (postdoc) và sinh viên từ nước ngoài. 

Thứ hai là nghiên cứu tìm trọng số thích hợp. Thật ra, vấn đề không phải là bao nhiêu tiêu chí, nhưng trọng số gắn liền với mỗi tiêu chí. Chẳng hạn như các tiêu chí liên quan đến nghiên cứu khoa học phải có trọng số cao hơn các tiêu chí liên quan đến quốc tế hoá hay giảng dạy. Nhưng cao như thế nào là một vấn đề khoa học. Do đó, trước khi đề ra tiêu chí, tôi đề nghị phải có nhiều (nhấn mạnh: NHIỀU) nghiên cứu về tính thích hợp và độ tin cậy của các tiêu chí. Qua những nghiên cứu như thế mới có thể tìm ra những trọng số cần thiết. Những nghiên cứu này không phải chỉ đơn giản phân tích dữ liệu của Bộ GD-ĐT sẵn có hay do trường đại học cung cấp, mà phải là những điều tra qui mô trong cộng đồng và giới kĩ nghệ.

Theo Giáo sư, đã đến lúc Việt Nam đề ra việc xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học hay chưa?

Tôi nghĩ Việt Nam chưa sẵn sàng để thực hiện việc xếp hạng đại học. Lí do là hiện nay, Việt Nam chưa có những trung tâm chuyên nghiên cứu về xếp hạng đại học, còn thiếu những nghiên cứu khoa học cần thiết cho việc xếp hạng. Bất cứ bảng xếp hạng nào, bất cứ tiêu chí nào đề ra phải dựa vào chứng cứ khoa học, mà chứng cứ khoa học chỉ có thể đúc kết từ nghiên cứu chứ không thể từ ý kiến cá nhân, càng không thể tuỳ tiện. Nhưng các tiêu chí được đề ra trong dự thảo có vẻ thiếu cơ sở khoa học và như tôi chỉ ra ở trên, còn thiếu tính thực tế. Do đó, cần phải nghiên cứu trước khi áp dụng vào việc xếp hạng đại học.

Việt Nam nên xây dựng bộ tiêu chí xếp hạng của riêng mình, hay học hỏi từ nước ngoài, thưa Giáo sư?

 
Tôi nghĩ câu trả lời tuỳ vào mục tiêu của việc xếp hạng. Nếu mục tiêu là muốn khuyến khích các đại học vươn đến tầm cao của thế giới, thì chúng ta nên dựa vào các tiêu chuẩn ở nước ngoài với vài thay đổi cho phù hợp với tình hình trong nước. Bảng xếp hạng của Đại học Giao thông Thượng Hải nhắm vào việc đánh động sự yếu kém của các đại học Trung Quốc nên họ đặt tiêu chuẩn rất cao. Nếu bảng xếp hạng phục vụ cho mục tiêu mang tính nội địa, thì tôi nghĩ chúng ta không nhất thiết phải dựa vào nhưng vẫn phải tham khảo các tiêu chuẩn của các bảng xếp hạng quốc tế. Dĩ nhiên, một số tiêu chí phải được chỉnh sửa sao cho phù hợp với bối cảnh địa phương. Chẳng hạn như không cần phải đề ra tiêu chuẩn giải Nobel, nhưng có thể là những giải thưởng quan trọng trong chuyên ngành nghiên cứu.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Công Quang - Nguyên Chi (thực hiện)

 

Dòng sự kiện: Xếp hạng đại học