Phản hồi vụ học sinh giỏi quốc gia nhưng trượt ĐH viết tâm thư gửi Bộ trưởng Giáo dục

(Dân trí) - Theo chia sẻ của bà Trần Bích Thúy, Hiệu trưởng Trường PTDTNT cấp 2- cấp 3 Yên Minh (Hà Giang) với PV Dân trí vào ngày 5/11, em Đặng Thị Huyền - nguyên học sinh của trường, mặc dù đoạt giải quốc gia môn Địa lý nhưng trượt ĐH là do một số nguyên nhân, không đơn giản do “mù” thông tin như một số thông tin em trình bày qua báo chí.

Bất ngờ và rất tiếc nuối

Ngày 5/11, thông qua báo chí, em Đặng Thị Huyền đã gửi bức thư đến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về việc vì sao mình đoạt giải quốc gia, kết quả thi THPT quốc gia thừa xét nguyện vọng khác nhưng bất ngời em bị trượt ĐH trong đợt xét tuyển ĐH, CĐ vừa qua.

Trong thư Huyền viết: “Năm học 2015 - 2016, cháu học lớp 12 Trường PTDTNT cấp 2 - cấp 3 Yên Minh (Hà Giang). Cháu thi và đạt giải 3 môn Địa lý trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, cháu đạt: văn 7,5 điểm; sử 7 điểm, địa 9 điểm. Tính thêm điểm cộng cháu được 27,5 điểm. Cháu làm hồ sơ xét tuyển vào học ngành luật của Trường ĐH Luật Hà Nội nhưng do gia đình cháu nằm ở vùng sâu, vùng xa, gia đình cháu rất khó khăn, đi lại vất vả, mạng lưới công nghệ thông tin không phát triển nên cháu không kịp thời cập nhật thông tin để gửi giấy báo điểm cho trường ĐH Luật. Cháu đã làm mất cơ hội học tập duy nhất của bản thân.

Cháu viết thư này mong bác giúp đỡ cháu. Cháu cũng không biết nhờ ai giúp đỡ. Cháu xin cầu cứu bác, mong bác tạo điều kiện cho cháu thêm một cơ hội để cháu tiếp tục được theo học và đây cũng là cơ hội học tập duy nhất của cháu bởi gia đình cháu rất khó khăn. Chắc cháu không có cơ hội để năm sau thi tiếp. Mong bác giúp đỡ cháu”.

Bức thư kêu cứu gửi Bộ Trưởng Nhạ được Huyền gửi đến báo chí (ảnh: Dân Việt)
Bức thư kêu cứu gửi Bộ Trưởng Nhạ được Huyền gửi đến báo chí (ảnh: Dân Việt)

Theo như trình bày của Huyền trong thư, khi nhận được giấy báo điểm, em đã làm 2 bộ hồ sơ gửi xét tuyển vào 2 trường: ĐH Luật Hà Nội (nguyện vọng (NV) 1 vào ngành Luật kinh tế, NV 2 vào ngành Luật) và ĐH Sư phạm I Hà Nội, khoa Việt Nam học.

Đến khi biết điểm chuẩn NV1 trường Luật không đủ (trường lấy 28 điểm) nhưng thừa điểm NV2 (trường lấy 26,25 điểm), thừa cả điểm vào khoa Việt Nam học, Trường ĐH Sư phạm, em cứ đinh ninh là mình đỗ, nhưng chờ mãi không thấy giấy báo.

Khi tất cả các trường đều có giấy gọi nhập học, Huyền xác định là mình trượt.

Nhân dịp được về Hà Nội dự lễ tuyên dương học sinh đạt thành tích xuất sắc trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và kỳ thi THPT quốc gia vào ngày 4/11 vừa qua, Huyền đã trực tiếp gọi điện đến các trường mới biết nguyên nhân mình trượt là do em không nộp giấy báo điểm nên các trường đều cho rằng, đây là thí sinh ảo nên không gọi nhập học.

Số điện thoại của Huyền không liên lạc được

Ban đầu, Huyền lý giải, do gia đình mình thuộc vùng sâu vùng xa, gia đình không có điều kiện tiếp cận Internet nên không biết về việc xét tuyển nên trượt mất cơ hội. Tuy nhiên, khi trao đổi với PV Dân trí, Phó hiệu trưởng Trường PTDTNT cấp 2- cấp 3 Yên Minh (Hà Giang) cho biết, sự việc không đơn thuần như trình bày của em Huyền.

Theo bà Trần Bích Thúy - Hiệu trưởng Trường PTDTNT cấp 2- cấp 3 Yên Minh, trước khi kì thi THPT quốc gia diễn ra, nhà trường đã tổ chức ít nhất 4 buổi tư vấn về kì thi. Trong đó, nhà trường nhắc đi nhắc lại rất kĩ các quy trình thi cử cũng như xét tuyển. Sang học kỳ 2, ít nhất nhà trường tổ chức khoảng 8 buổi tư vấn thi cử nữa, chưa kể một buổi giao lưu trực tuyến với Giám đốc Sở GD&ĐT dành cho học sinh lớp 12 mà bản thân Huyền cũng có mặt. Vậy nên, nếu nói Huyền không nắm kĩ thông tin khi các bạn trong trường đều nắm được là chưa xác đáng.

Thứ hai, theo bà Thúy, ngay sau khi có thông tin điểm thi và việc xét tuyển của các trường, nhà trường liên lạc với Huyền thì số điện thoại em đăng kí với nhà trường không thể gọi được.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang cho hay, qua thông tin báo Dân trí đưa ra, ông đã có kiểm tra với nhà trường. Cơ bản, các em học sinh ở đây đều được tư vấn rất kĩ càng trước khi kì thi diễn ra. Nhà trường cũng tạo điều kiện tối đa để các em tiếp cận Internet nhưng thí sinh Huyền đã không có liên lạc.

“Gần 6 nghìn HS lớp 12 của chúng tôi đều nắm được thông tin, tại sao mỗi em Huyền không biết? Tôi còn đích thân tổ chức Hội nghị trực tuyến về tuyển sinh cho toàn bộ HS lớp 12 để giải đáp toàn bộ thắc mắc. Trong đó, em Huyền cũng thuộc diện tham gia. Do đó, nếu nói em trượt do “mù” thông tin là chưa chính xác”, ông Sử khẳng định.

“Trước khi kì thi diễn ra, chúng tôi đã có thông báo, tất cả học sinh nếu có nhu cầu, nhà trường đều tạo điều kiện tối đa để các em được truy cập Internet miễn phí. Nhiều học sinh đến đây để xin truy cập nhưng riêng Huyền, nhà trường không thấy em có bất cứ liên lạc nào về việc này. Còn thông tin em đăng kí với các trường ĐH, được những trường này gửi về địa chỉ email của riêng em nên nhà trường không thể nắm được”.

Cũng theo bà Thúy, Huyền là một trong những học sinh học tốt nhất khóa. Theo kiểm tra của nhà trường, em cũng đã photo toàn bộ giấy tờ hồ sơ theo quy định để thi tuyển. Các vấn đề trong lớp học, em đều nắm rất nhanh nhưng không hiểu sao trong đợt xét tuyển này, em lại sơ suất để sự việc xảy ra như vậy. “Nhà trường rất bất ngờ và đáng tiếc”, trong câu chuyện với chúng tôi, cô Thúy nhiều lần nhắc đi nhắc lại điều đó.

Huyền thừa nhận có lỗi

Trao đổi với PV Dân trí, Đặng Thị Huyền cho biết, khi đoạt giải quốc gia, theo quy định, em được tuyển thẳng vào ngành Địa lý hoặc Địa lý địa chất. Tuy nhiên, do thích ngành khác hơn nên Huyền đã không sử dụng quyền tuyển thẳng mà tự đăng kí dự thi để vào ngành học mình yêu thích.

Khi được hỏi về việc trong thời gian xét tuyển, số điện thoại em từng đăng kí với nhà trường có dùng được bình thường hay không, Huyền cho biết: “Không hiểu sao, số điện thoại đó của em không dùng được nữa. Đó là do lỗi của em”.

Trả lời câu hỏi liên quan đến việc tại sao em không liên lạc với nhà trường khi gia đình khó khăn tiếp cận thông tin Internet? Tại sao em không chủ động theo dõi thông tin xét tuyển trên các website nhà trường như thông tin tư vấn của ngành giáo dục? Huyền im lặng một lúc và thừa nhận, mình đã có lỗi.

Chia sẻ với chúng tôi sau khi gửi tâm thư, Huyền cho hay, hiện tại các nhà trường vẫn chưa có liên lạc gì với em. Nếu năm nay không đỗ, em đành ôn lại và thi vào năm sau.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)