Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH-CĐ 2013:
Phải báo cáo trước khi đưa tin tiêu cực: Nhà giáo dục băn khoăn
(Dân trí) -Bộ GD-ĐT yêu cầu, Chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan truyền thông trao đổi kỹ với các cơ quan có trách nhiệm trước khi cho đăng tải các thông tin nhạy cảm. Quy định này khiến nhiều nhà giáo dục băn khoăn và cho rằng như vậy chưa hợp lý.
Theo nội dung công văn mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận ký gửi đến chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp chỉ đạo kì thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ 2013, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần thành lập ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, tăng cường chỉ đạo sở GD-ĐT, các ban ngành có liên quan trong việc giám sát các kỳ thi, ngăn chặn các tiêu cực có thể xảy ra.
Công văn này khẳng định rõ chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan truyền thông trao đổi kỹ với cơ quan chức năng trước khi cho đăng tải các thông tin nhạy cảm liên quan đến đề thi như lộ đề, đề thi có sai sót, tiêu cực trong kỳ thi... (nếu có).
Chính khẳng định trên của công văn đã làm nhiều nhà giáo dục băn khoăn và cho rằng như vậy chưa hợp lý.
GS Phạm Tất Dong - phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: “Nếu chỉ đạo như vậy là không đúng. Cơ quan hành chính và cơ quan báo chí có nhiệm vụ và quyền hạn khác nhau, không thể áp đặt. Báo chí có luật của báo chí. Báo chí có quyền thông tin và phải chịu trách nhiệm thông tin của mình trước pháp luật. Các cơ quan chức năng tỉnh, thành không thể cấm nhà báo phản ánh tiêu cực. Tiêu cực thì phải nói ra, nhiều khi báo chí phản ánh lên thì các lãnh đạo mới biết và giải quyết”.
Đồng quan điểm, PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng: “Tôi nghĩ Bộ GD-ĐT chỉ đạo như vậy là tránh tình trạng đưa tin tiêu cực thi cử tràn lan như mấy năm trước nhưng như thế là không nên vì không có báo chí phản ánh thì biết thế nào để giải quyết. Báo chí cung cấp chứng cứ đúng sẽ giúp lãnh đạo ngành giáo dục giải quyết tiêu cực của ngành mình”.
“Báo chí có nguyên tắc của báo chí nên với vấn đề trên chỉ cần nhắc nhở các báo đưa tin chính xác, đúng sự thật tất cả mọi vấn đề, kể cả vấn đề nhạy cảm là được” - PGS Cương cho hay.
Về quy định trên, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội đồng thời là Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) băn khoăn: “Mọi vấn đề xảy ra tiêu cực trong thi cử, Bộ ôm sao xuể. Do vậy, tôi nghĩ, Bộ GD-ĐT chỉ đạo việc này như vậy là không khéo. Báo chí có quyền của báo chí và các UBND tỉnh có quyền của UBND tỉnh. Bộ chưa hình dung ra hết những sai sót trong kỳ thi với thông tin nào cần giải quyết ngay, thông tin nào cần tổng hợp lại để công bố trước dư luận”.
TS Lâm cho rằng: “Tất cả mọi vấn đề cần làm theo Luật. Báo chí có Luật của báo chí. Vấn đề đặt ra ở đây là tính chất an toàn và nghiêm túc cho kỳ thi, lãnh đạo cần xử lý thông tin như thế nào để không gây ra sự bất thường. Khi sự việc nhạy cảm xảy ra, cần bàn bạc kỹ để có hướng xử lý hợp lý. Quan điểm của tôi là ai làm sai người đó phải chịu trách nhiệm. Trước một sự việc, ai cũng muốn có sự an toàn cho mình nhưng tùy từng mức độ để đặt ra. Báo chí cũng vậy”.