Phá rối lớp học trực tuyến có thể bị phạt tù

Lê Phương

(Dân trí) - Việc đột nhập gây rối, cản trở đến các lớp học online dù cố ý phá hoại hay chỉ là sự nghịch ngợm thì trách nhiệm pháp lý của những hành động đó cũng rất nặng nề.

Phá rối lớp học trực tuyến có thể bị phạt tù - 1

Một lớp học trực tuyến tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng bị người lạ quấy phá (ảnh: P.L)

Như Dân trí đã phản ánh, gần đây nhiều lớp học online ở các trường đại học bị người lạ vào phá rối, vẽ bậy, chèn clip hoặc nhạc chế làm ảnh hưởng đến quá trình học khiến sinh viên bức xúc. Đáng chú ý, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều fanpage hoặc nhóm mới lập để mục đích phá rối các lớp học trực tuyến với số lượng người tham gia lên đến hàng nghìn thành viên.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thành Công - Công ty Đông Phương Luật, Đoàn Luật sư TPHCM đã chia sẻ vấn đề trách nhiệm pháp lý của một số đối tượng xâm nhập bất hợp pháp vào các lớp học online nhằm gây mất trật tự, cản trở, phá rối…

Theo luật sư Thành Công, đây là hành động rất đáng chê trách, phê phán thậm chí lên án của các đối tượng liên quan. Thế giới mạng là ảo nhưng các hoạt động là thật, người gây ra việc mất trật tự, cản trở, phá rối các lớp họp online này là có thật và thiệt hại là hoàn toàn thực tế, có thể tính toán được bằng chi phí vật chất.

Phá rối lớp học trực tuyến có thể bị phạt tù - 2

Luật sư Nguyễn Thành Công - Đoàn Luật sư TPHCM cho biết quy định pháp luật rất đầy đủ, nghiêm khắc đối với hành vi phá rối lớp học trực tuyến

Ông Công cho biết, "Ở góc độ cá nhân, tôi nghĩ nhiều đối tượng thực hiện hành vi có trọng tâm, mục đích phá hoại nhưng cũng có các đối tượng chỉ là sự nghịch ngợm học trò hay muốn thể hiện làm nổi, thể hiện khả năng vượt trội về CNTT mà gây ra từ chính các em học sinh.

Tất nhiên, dù là ai thì các em đã không ý thức được hết trách nhiệm trong hành động đó. Vì trách nhiệm pháp lý gây ra từ các hành động sai trái này là vô cùng nặng nề, thậm chí ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của những bạn non trẻ, bồng bột ấy khi bị phạt tiền trong trách nhiệm hành chính hay xử phạt tù trong trách nhiệm hình sự".

Xử phạt hành chính từ 10- 50 triệu đồng

Trước tiên là trách nhiệm hành chính, các đối tượng tham gia vào lớp học để gây rối bằng cách xâm nhập vào lớp học trái phép làm cản trở hoạt động giảng dạy của trường học hay các tổ chức.

Trường hợp cá nhân xâm nhập vào lớp học gây rối bằng cách tung hình ảnh, âm thanh hay làm gián đoạn lớp học là vi phạm Luật An ninh mạng tại điểm e, khoản 1, Điều 18 đối với các "hành vi khác sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội".

Trường hợp một hay nhiều cá nhân cung cấp thông tin lớp học, tài khoản để lôi kéo người lạ vào phá rối lớp học thì cá nhân đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính vì hành vi "xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội" quy định tại điểm e, khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng.

Chế tài cho hành vi vi phạm này được quy định tại Điều 80 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 19/02/2020 ở mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng, nếu các đối tượng tự tìm cách xâm nhập vào lớp học bằng các hành vi bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng tên đăng nhập, mật khẩu và thông tin của tổ chức, cá nhân khác.

Ở mức độ cao hơn, tại khoản 2 Điều 80 quy định các hành vi như "truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị số của người khác để chiếm quyền điều khiển thiết bị số hoặc thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị số hoặc thay đổi tham số cài đặt thiết bị số hoặc thu thập thông tin của người khác"… thì có thể bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng.

Nghiêm trọng có thể xử lý hình sự

Cũng theo luật sư Thành Công, ở mức độ nghiêm trọng hơn các hành vi trên tùy theo mức độ có thể xử lý hình sự  đối với các đối tượng vi phạm đến 5 năm tù và tăng nặng có thể đến 7 năm tù.

Cụ thể, khoản 1 Điều 289. Bộ luật Hình sự quy định: "Người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm", khoản 2 với quy định tái phạm nguy hiểm hoặc gây thiệt hại từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng thì bị phạt đến 7 năm tù.

Ngoài ra, nếu hoạt động xâm nhập, phá rối kia lại có dấu hiệu được xác định là hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy qua tranh, ảnh, phim nhạc phổ biến cho từ 10 người đến 20 người thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 326 BLHS 2015.

Cũng hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy nêu trên nhưng nếu các cá nhân truyền bá trong lớp học của người dưới 18 tuổi thì trách nhiệm phải chịu thể là phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

"Rõ ràng, các quy định pháp luật để truy cứu trách nhiệm pháp lý là rất đầy đủ, rất nghiêm khắc nên các em học sinh hay các đối tượng có cố ý phá hoại cần ý thức và cân nhắc trước hành vi của mình để đừng vì bốc đồng hay thú vui thoáng chốc mà gánh hệ lụy cuộc đời", luật sư Thành Công nhấn mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm