PGS.TS Lê Hoàng Sơn với cách "tạo ra" 70 bài báo quốc tế ISI
(Dân trí) - Hơn 10 năm tham gia nghiên cứu khoa học, PGS.TS Lê Hoàng Sơn đã công bố 125 công trình trong đó có 70 bài đăng trên các tạp chí nước ngoài trong danh mục ISI, 5 sách giáo trình và chuyên khảo các loại, tham gia hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh, học viên cao học và thực hiện nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo và Khai phá tri thức.
PGS. TS Lê Hoàng Sơn - Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN - là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội năm 2017. Anh hiện là Phó Tổng Biên tập của 2 tạp chí quốc tế uy tín trong danh mục ISI và tham gia Ban Biên tập của nhiều tạp chí quốc tế khác.
Khoa học là đam mê lớn nhất
Thời sinh viên anh đã từng “nổi loạn” với ước muốn làm game cho riêng mình và đã làm game snake (bắt rắn) đơn giản bằng ngôn ngữ lập trình Pascal; một số phần mềm tạo Screen Saver bằng Visual Basic 6 cho bạn bè để tỏ tình.
Tốt nghiệp đại học, Lê Hoàng Sơn nhận ra đam mê lớn nhất là nghiên cứu khoa học để đến nay đóng góp nhiều công trình nghiên cứu góp phần tạo ra các sản phẩm mới có ích cho xã hội.
Với anh, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN là một trong những môi trường tốt nhất cả nước về nghiên cứu khoa học cơ bản. Nhiều giảng viên trong trường là chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực, là những người mà anh đã học hỏi rất nhiều cả về chuyên môn, kỹ năng sống, tác phong, ứng xử.
“Tôi cho rằng đào tạo không chỉ là ở chuyên môn mà còn là cách sống và tác phong mẫu mực. Sinh viên sẽ học được nhiều hơn khi ở gần thầy cô”, anh chia sẻ.
Anh cho rằng, khi làm nghiên cứu, điều quan trọng không phải làm ở đâu mà là làm cái gì. Để một nghiên cứu khoa học có cơ hội thành công, cần có sự lựa chọn đề tài tốt, tìm ra được cái mới, cộng với sự góp sức của người thầy và sự cố gắng của bản thân. Nếu không đủ 3 yếu tố trên, bạn làm ở đâu thì cũng sẽ rất khó khăn.
Chính vì thế, trong quá trình làm nghiên cứu sinh trước đây, PGS.TS Lê Hoàng Sơn đã lựa chọn theo chương trình sandwich dưới sự hướng dẫn của PGS Nguyễn Đình Hóa, Viện Công nghệ Thông tin, ĐH Quốc gia Hà Nội và GS Pier Luca Lanzi, giảng viên ĐH Politecnico di Milano, Italy.
Với tư tưởng và định hướng rõ ràng, anh đã kiên định thực hiện nghiên cứu và đã bảo vệ thành công trước hạn. Theo anh, việc đào tạo nước ngoài hay trong nước không ảnh hưởng chất lượng nghiên cứu khoa học.
Hơn 10 năm tham gia nghiên cứu khoa học, PGS.TS Lê Hoàng Sơn đã công bố 125 công trình trong đó có 70 bài đăng trên các tạp chí nước ngoài trong danh mục ISI, 5 sách giáo trình và chuyên khảo các loại, tham gia hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh, học viên cao học và thực hiện nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo và Khai phá tri thức. Anh cũng được vinh dự mời báo cáo tại nhiều hội thảo uy tín quốc tế và trong nước.
Sở hữu thành tích dài về các bài báo khoa học và công trình nghiên cứu, ít ai biết PGS. TS. Lê Hoàng Sơn từng có ước mơ trở thành bác sĩ khám chữa bệnh cho người nghèo. Dù chuyển sang làm trong môi trường giáo dục, gắn bó với công nghệ tin học, nhưng anh vẫn đã có thể "thỏa mãn" ước mơ hồi bé và tạo ra sản phẩm ý nghĩa cho xã hội khi thực hiện nghiên cứu trong lĩnh vực Tin học - Y tế.
Theo PGS. TS. Lê Hoàng Sơn một trong những bước ngoặt có tính quyết định để theo đuổi nghề nghiệp hiện tại là khi tốt nghiệp đại học.
“Khi đó tôi có cơ hội làm trong công ty nước ngoài về phần mềm vì từng có thời gian thực tập tại các công ty trong nước thời gian học Đại học. Cùng thời điểm đó, tôi được chuyển tiếp học Thạc sĩ không qua thi tuyển và được giữ lại ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên”, anh kể.
“Tôi đã tự hỏi bản thân đam mê lớn nhất của mình là gì? Và tôi nhận ra rằng đó chính là nghiên cứu khoa học, tạo ra các sản phẩm mới có ích cho xã hội. Tôi đã ở lại công tác tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên cho đến nay. Thời gian đã chứng minh quyết định của tôi là hoàn toàn đúng đắn”.
PGS. TS Lê Hoàng Sơn trong lễ trao giải 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội
Trải nghiệm để hoàn thiện bản thân
Các đề tài của anh phần lớn được bắt nguồn từ bài toán thực tiễn do nhu cầu của xã hội. Anh luôn tâm niệm một nghiên cứu tốt nên bắt nguồn từ yêu cầu trong thực tiễn, từ đó dẫn đến cải tiến và đột phá về mặt lý thuyết, cuối cùng quay ngược trở lại để phục vụ xã hội.
Phần lớn nghiên cứu do nhóm của anh thực hiện thường có sự phối hợp của nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau như khoa học Trái đất, y tế, môi trường, kinh tế... nhằm tạo ra sản phẩm có ý nghĩa cho cộng đồng. Vai trò kết nối, phân tách các nhiệm vụ chuyên ngành, và phối hợp thực hiện để đạt hiệu quả cao nhất là cái anh luôn quan tâm, đặt lên hàng đầu.
Trước khi về Viện CNTT, PGS. TS. Lê Hoàng Sơn đã công tác ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN hơn 10 năm với vai trò là cán bộ nghiên cứu tại Trung tâm Tính toán Hiệu nâng cao. Được làm việc trong môi trường tính toán liên ngành đã giúp anh có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai các ứng dụng thực tiễn kết nối người làm Tin học, mô hình hóa Toán học, và chuyên ngành.
Anh đã tham gia và triển khai nhiều sản phẩm về Hệ thống thông tin Địa lý, Hệ thống dự báo thời tiết, dự báo trượt lở, chẩn đoán bệnh… là những vấn đề thời sự và đang được quan tâm hiện nay. Anh luôn tâm niệm người làm Tin học là người phục vụ, giúp cho người làm chuyên ngành triển khai các ứng dụng, phục vụ cho đời sống, phục vụ cộng đồng, giảm nhẹ thiên tai, ...
“Trong suốt thời gian công tác tại Trường, điều tôi tâm đắc nhất chính là việc được tham gia trải nghiệm và làm ra các sản phẩm có ý nghĩa. Sự hỗ trợ của nhóm nghiên cứu cũng giúp tôi rất nhiều trong việc hoàn thành các mục tiêu đề ra” , PGS. TS. Lê Hoàng Sơn chia sẻ .
Khi chuyển sang Viện, PGS. TS. Lê Hoàng Sơn có cơ hội được làm việc với các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ thông tin, được tiếp xúc với các bài toán lớn, được học hỏi và cọ xát để tăng cường kinh nghiệm. Viện CNTT cũng là nơi quy tụ các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau như: GS. Đinh Dũng (giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017), GS. Vũ Đức Thi (nguyên Viện trưởng Viện CNTT, Viện HL KHCNVN), PGS. Nguyễn Đình Hóa, và nhiều chuyên gia khác.
“Đối với người trẻ như tôi, điều quan trọng nhất là được trải nghiệm và học hỏi, học hỏi không ngừng; có như vậy sẽ làm cho bản thân ngày càng hoàn thiện. Đó là lý do mà tôi quyết định chuyển về Viện công nghệ thông tin, ĐHQGHN”, anh nói.
Hiện tại Viện CNTT cũng có nhiều nhóm xây dựng các hệ thống thông minh như nhóm của PGS.TS Đỗ Năng Toàn làm về phần mềm chẩn đoán hình ảnh y tế phục vụ hỗ trợ chẩn đoán trong Y tế thông minh, nhóm của TS. Đinh Văn Dũng và TS. Lê Quang Minh nghiên cứu triển khai các hệ thống mạng và hạ tầng cơ sở “Đô thị thông minh”, nhóm của TS. Vũ Việt Vũ làm các hệ thống khai thác cơ sở dữ liệu địa lý, và một số sản phẩm về nhận dạng văn bản, chữ viết tay,…
Theo PGS. TS. Lê Hoàng Sơn, đây là các hệ thống thông minh trong bước tương tác điện tử và nằm trong lộ trình xây dựng “Đô thị thông minh”. Các chuyên gia đã bỏ ra rất nhiều thời gian và tâm huyết để xây dựng các sản phẩm chiến lược vốn đã rất phù hợp trong thời đại CMCN 4.0. Do vậy, anh luôn tin rằng nếu được đầu tư và tập trung triển khai trong một thể thống nhất thì khung “Chính phủ điện tử” và “Đô thị thông minh” (VNU SmartUniversity at Hoa Lac) có thể được hoàn thành sớm hơn dự định.
PGS. TS. Lê Hoàng Sơn: "Chỉ có khả năng tự học và tự rèn luyện mới có thể đem lại lời giải cho bản thân"
Đi đến thành công phải trả giá bằng những thất bại
PGS. TS. Lê Hoàng Sơn cũng cho hay: "Để đi đến thành công người ta phải trả giá bằng những thất bại. Tôi không phải là ngoại lệ. Có những nghiên cứu do làm khảo sát chưa tốt nên đánh giá và ước lượng sai kế hoạch. Khi đó người sử dụng sản phẩm có ý kiến phản hồi, thậm chí có khả năng đổ vỡ sản phẩm. Khi đó, tôi rút ra những bài học quan trọng nhất trong quá trình nghiên cứu và ứng dụng”.
PGS. TS. Lê Hoàng Sơn tâm niệm, làm bất kỳ nghề nào cũng cần sự say mê bởi vì nếu không đam mê thì sẽ không đi đến đâu. Tuy nhiên, đặc thù của nghề nghiên cứu là phải thử thách và dấn thân với những bài toán khó, chưa có lời giải. Để tìm ra chân lý có thể phải làm đi làm lại thí nghiệm nhiều lần, mỗi lần dù thất bại ta cũng sẽ học ra một điều gì đó. Bởi vậy, phẩm chất tiếp theo của nhà nghiên cứu là sự kiên nhẫn: “Cứ đi rồi sẽ thành đường”, “Không có việc gì khó chỉ sợ lòng không bền”.
Tố chất nghiên cứu cũng là một điều tốt, nhưng nó chỉ chiếm 1% thành công thôi. Theo anh, một điều cũng rất quan trọng trong nghiên cứu là biết lắng nghe, nghe từ đồng nghiệp những người đi trước để ta có thể rút kinh nghiệm trong sắp xếp thí nghiệm, làm sao có thể kế thừa được các kết quả đã có một cách hiệu quả.
Phẩm chất cuối cùng khá quan trọng là khả năng tự học, tự nghiên cứu. Nghiên cứu viên khá đơn độc, đôi khi phải quyết các câu hỏi mà chưa có lời giải đáp và ngay cả thầy và đồng nghiệp cũng không giải quyết nổi. Chỉ có khả năng tự học và tự rèn luyện mới có thể đem lại lời giải cho bản thân.
“Một trong những tiêu chí định lượng để đánh giá mức độ thành công của một nhà khoa học là được sự thừa nhận của cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng quốc tế và thành tích khoa học. Lẽ dĩ nhiên để đạt được như vậy phải trải qua một quá trình phấn đấu dài, không ngừng nghỉ”, PGS. TS. Lê Hoàng Sơn cho biết .
Là một người trẻ và đã từng trải qua các giai đoạn phát triển nghiên cứu, anh hiểu mong muốn và những điều mà các cán bộ nghiên cứu trẻ cần để thực hiện nghiên cứu khoa học hiệu quả.
“Bản thân tôi cũng là trưởng một lab nghiên cứu về “Tính toán mở và Khai phá tri thức” tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên bao gồm nhiều thành viên tại các trường ĐH khác nhau trong cả nước đến tham gia nghiên cứu trong suốt hơn 10 năm qua.
Tôi cho rằng các cán bộ trẻ, nếu có điều kiện, nên tham gia nghiên cứu theo các nhóm để có thể tạo ra các sản phẩm khoa học và ứng dụng có ý nghĩa. Khi tham gia nghiên cứu và được thử thách với bài toán thực tiễn thì các kỹ năng, phẩm chất của nhà nghiên cứu sẽ được tôi luyện và hoàn thiện”, anh chia sẻ.
Tuấn Anh - VNU Media