PGS Văn Như Cương bàn về kéo dài cấp THCS lên thành 5 năm

Việc kéo dài cấp THCS lên thành 5 năm chưa thể định hướng tốt nghề nghiệp cho học sinh. Điều quan trọng là phải đầu tư bài bản cho hệ thống dạy nghề.

Việc kéo dài cấp THCS lên thành 5 năm đang có nhiều ý kiến khác nhau (ảnh minh họa)
Việc kéo dài cấp THCS lên thành 5 năm đang có nhiều ý kiến khác nhau (ảnh minh họa)
 
Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực vừa tổ chức phiên thảo luận với nhiều nội dung về hệ thống giáo dục quốc dân.

Với dự thảo Tờ trình về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết mới về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được đưa ra tại phiên họp của Hội đồng, có một số nội dung đổi mới chưa thấy trong các thông tin được công bố trước đây.

Theo đó, trong phần nhiệm vụ và giải pháp, Tờ trình đưa ra vấn đề xác định lại số năm học của mỗi cấp học trong hệ thống giáo dục phổ thông. Điều khiến dư luận quan tâm là trong Tờ trình nhắc đến phương án cho Giáo dục cơ bản được thực hiện trong 10 năm học (5 năm học giáo dục Tiểu học và 5 năm học giáo dục Trung học cơ sở -THCS), giáo dục định hướng nghề nghiệp được thực hiện trong 2 năm học Trung học phổ thông (THPT). Như vậy là bậc giáo dục THCS được kéo dài thêm 1 năm học, còn cấp THPT lại bị giảm đi 1 năm.
 
ảnh
Là người có kinh nghiệm nghiên cứu, biên soạn sách giáo khoa và đang góp ý cho Dự án đổi mới chương trình sách giáo khoa của Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, PGS Văn Như Cương (ảnh) cho rằng, hiện nay, các trường THCS là do phòng Giáo dục-Đào tạo của UBND của các quận, huyện quản lý còn các trường THPT lại do Sở GD-ĐT quản lý.

Nếu tăng số năm học THCS lên 5 năm thì trong Tờ trình của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực không đề cập đến sẽ bố trí số lượng giảng viên, lớp học ở cấp học này sẽ tăng lên bao nhiêu, còn số giáo viên và phòng học cấp THPT sẽ dôi dư như thế nào. Điều này sẽ chắc chắn sẽ gây nên sự chồng chéo trong phân cấp, quản lý giáo viên và cơ sở vật chất ở hai cấp học này.

Ngoài ra, PGS Văn Như Cương băn khoăn về việc kéo dài thời gian học THCS sẽ định hướng nghề nghiệp cho học sinh tốt hơn.

Ở nhiều nước có nền giáo dục phát triển như CHLB Đức đã có sự phân luồng nghề nghiệp cho học sinh từ rất sớm. Nước này chỉ cho phép có một số lượng phần trăm học sinh THPT được học tiếp lên ĐH, CĐ còn phần lớn là học sinh vẫn phải vào các trường nghề, phù hợp với sở trường, năng khiếu của các em.

Coi trọng nguồn nhân lực nghề nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao cho xã hội, CHLB Đức đã rất chú trọng đến đầu tư cơ sở dạy nghề nên việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ cấp học dưới được người dân ủng hộ.

Còn ở Việt Nam, học sinh THCS chưa được định hướng nghề nghiệp một cách cụ thể, rõ ràng. Hệ thống giáo dục THPT đang tồn tại chủ yếu 3 loại hình trường: THPT đại trà, THPT chuyên và giáo dục thường xuyên.

Giáo dục nghề nghiệp ở cấp học này chưa được đầu tư và chú trọng nên hầu như tất cả học sinh THPT đều chỉ hướng tới là thi vào ĐH, CĐ chứ không thích học hoặc theo một nghề nào đó phù hợp với bản thân.

Vì vậy, Tờ trình mà Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đề cập đến việc học sinh THCS cần học thêm 1 năm nữa để trang bị thêm kiến thức, kỹ năng có thể định hướng nghề nghiệp tốt hơn; Độ tuổi 16 phù hợp hơn so với độ tuổi 15 trong phân luồng sau giáo dục cơ bản; Giáo dục THPT trong 2 năm học so với 3 năm học sẽ thuận tiện định hướng nghề nghiệp hơn là không có căn cứ và thiếu thuyết phục.

Phân định rõ và cần đầu tư bài bản đối với giáo dục nghề nghiệp

Theo PGS Văn Như Cương, Việt Nam muốn định hướng nghề nghiệp cho học sinh tốt từ khi còn ở cấp học dưới thì trước tiên phải phân định rõ và có sự đầu tư bài bản đối với giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, các địa phương cần đầu tư hơn đối với các trường dạy nghề (có thể gọi là trường Trung học nghề) cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS. Những trường này có thể lấy học sinh tốt nghiệp THCS chứ không phải đặt điều kiện các em bắt buộc phải tốt nghiệp THPT.

Phương thức hoạt động của trường dạy nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS là vừa dạy nghề vừa dạy văn hóa cho học viên. Sau khi được đào tạo từ khoảng 2-3 năm, các học viên có thể đủ kiến thức và kỹ năng lao động ở các doanh nghiệp, cơ quan...
 
Các địa phương cần chú trọng đầu tư hơn cho các trường dạy nghề: (Ảnh minh họa: Hà Nội mới)
Các địa phương cần chú trọng đầu tư hơn cho các trường dạy nghề: (Ảnh minh họa: Hà Nội mới)

Ngoài ra, trong các loại hình giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT nên nghiên cứu xóa bỏ Trung tâm giáo dục thường xuyên. Những học sinh vốn chỉ được học ở Trung tâm thì nay có thể chuyển sang trường Trung học nghề. Như vậy, hệ thống giáo dục THPT sẽ tồn tại 3 loại hình trường: THPT đại trà, THPT chuyên và Trung học nghề.

“Đối với học sinh tốt nghiệp THPT có thể học lên bậc cao hơn hoặc chuyển sang học tiếp Trung cấp và Cao đẳng nghề. Những trường Trung cấp và Cao đẳng nghề sẽ chỉ đào tạo chuyên sâu về một nghề nghiệp nào đó cho học viên, không kèm theo dạy văn hóa. Nếu phân chia được hệ thống trường ở cấp THPT một cách rõ ràng thì việc phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh ở cấp THCS mới có thể tiến triển” - PGS Văn Như Cương nhấn mạnh.

Theo Bích Lan
VOV.VN
 
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm