PGS. Phan Trung Nghĩa: Covid-19 rọi ánh sáng vào "vùng tối kiến thức"
(Dân trí) - Các phát hiện và dự đoán khoa học về Covid-19, mặc dù có thể gây tâm lý bi quan, nhưng chắc chắn đã rọi ánh sáng vào "vùng tối kiến thức" - PGS. Phan Trung Nghĩa trường ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ.
PGS. Phan Trung Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ Cao su, Viện kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, là người đứng đầu nhóm chế tạo những thiết bị y tế giúp cách ly các ca nhiễm hoặc nghi nhiễm bệnh Covid-19.
Ngày đầu năm mới, PGS. Phan Trung Nghĩa dành thời gian trò chuyện về ảnh hưởng của đại dịch đối với việc nghiên cứu khoa học và những bài học rút ra sau năm 2020 đầy biến động.
Suốt hai tiếng phỏng vấn, PGS. Phan Trung Nghĩa để lại ấn tượng là người luôn suy nghĩ thấu đáo trước khi biểu đạt suy nghĩ thành lời nói. Sự cẩn trọng trong giao tiếp này có lẽ là thói quen của một nhà khoa học dành phần lớn thời gian trong yên lặng để suy nghĩ và tìm tòi.
"Covid-19 đã thay đổi góc nhìn của những người làm khoa học", PGS. Phan Trung Nghĩa hồi tưởng về một năm "có một, không hai." Theo phó giáo sư ngành Hóa, sau khủng hoảng dịch bệnh, các nhà khoa học sẽ có cách nhìn mới và cách tiếp cận khác với đề tài nghiên cứu. "Chúng tôi bị buộc phải học bài học về sự tự điều chỉnh để việc nghiên cứu có tính mở hơn, linh động hơn và thích ứng tốt hơn trước những biến động bên ngoài."
Sau một năm hoành hành, virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 hiện đã lây lan đến gần như mọi quốc gia trên thế giới, cướp đi mạng sống của hơn 1,6 triệu người, theo thống kê của WHO.
"Covid-19 khiến những người làm khoa học không thể tiếp cận dữ liệu thực nghiệm. Chúng tôi như bị trói chân trói tay," PGS. Nghĩa kể về khoảng thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, khi phòng thí nghiệm đóng cửa, các nhà khoa học có thời gian để tập trung vào nghiên cứu lý thuyết, xây dựng các giả thuyết. Khi các phòng thí nghiệm hoạt động trở lại, họ sẽ ở trong tâm thế tốt hơn để đẩy nhanh việc nghiên cứu, PGS. Phan Trung Nghĩa rút ra từ kinh nghiệm cá nhân.
"Covid-19 cũng dạy tôi bài học về sự hữu ích của tĩnh lặng." Trong chính 20 ngày giãn cách xã hội "tạm xa những trách nhiệm xã hội, những cuộc hội họp và tiệc tùng", PGS. Nghĩa đã bắt tay vào thiết kế và nhanh chóng chế tạo cáng áp lực âm - sản phẩm đầu tiên trong bộ 4 sản phẩm đặc biệt dành riêng cho đại dịch Covid-19.
Khi nhà khoa học không mong bán sản phẩm ra thị trường
Nguyên tắc hoạt động của cáng áp lực âm là bên trong luôn tồn tại một áp suất âm đủ lớn để hút toàn bộ không khí mà bệnh nhân thở ra và lái luồng không khí đó đi theo một hướng nhất định bằng hệ thống quạt hút. Trước khi được đẩy ra bên ngoài, không khí sẽ đi qua một màng lọc siêu vi, nơi giữ lại toàn bộ virus bám trên các giọt dịch.
PGS. Nghĩa giải thích cáng áp lực âm và xe lăn áp lực âm chuyên dùng để vận chuyển bệnh nhân hoặc các trường hợp nghi nhiễm Covid-19. Trong khi đó, mũ thở khí tươi và buồng áp lực dương dành cho các y bác sĩ cách ly với môi trường nhiễm bệnh.
"Trên thế giới và ở Việt Nam, những sản phẩm có từ trước năm 2019 dùng vào mục đích cách ly bệnh nhân mang bệnh truyền nhiễm đều không thể đối phó với Covid," PGS. Phan Trung Nghĩa khẳng định các sản phẩm vốn có trên thị trường không thể cách ly người bệnh hoàn toàn trong một thời gian dài.
Nhóm nghiên cứu của PGS. Nghĩa đã nâng cấp màng lọc lên loại màng lọc siêu vi giúp loại bỏ virus có kích thước cực nhỏ. Virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 có kích thước đường kính khoảng 120 nanômét, theo Bách khoa toàn thư Britannica, trong khi, vi khuẩn E. coli lớn gấp 16 lần và tế bào hồng cầu trong máu người lớn gấp 64 lần so với SARS-CoV-2.
Ngoài ra, nhóm còn đưa thêm vào các tính năng như khử khuẩn bằng tia cực tím UV, đo nồng độ khí CO2 và O2 cùng thiết bị bơm trực tiếp khí tươi vào cho bệnh nhân. "Khi nồng độ CO2 tăng bất thường, sẽ có âm thanh cảnh báo để y bác sĩ bên ngoài can thiệp kịp thời," phó giáo sư giải thích rằng các triệu chứng của Covid-19 diễn tiến rất nhanh.
Tất cả các nhà khoa học đều mong sản phẩm của mình được thương mại hóa, PGS. Nghĩa chia sẻ những suy nghĩ mâu thuẫn. "Nhưng thành thật, tôi hoàn toàn không muốn một sản phẩm như thế này được sử dụng vì điều đó có nghĩa là môi trường sống của chúng ta không còn an toàn nữa."
Khi các nhà khoa học "chiếm spotlight"
Theo PGS. Phan Trung Nghĩa, trong suốt lịch sử loài người, chúng ta luôn sợ hãi thế giới bên ngoài với những hiểm nguy không thể đoán định. Nỗi sợ này lớn đến mức con người sẵn lòng bám víu vào bất cứ điều gì có khả năng xoa dịu hoặc xua tan nỗi sợ đó, như nhà thiên văn học Carl Sagan viết trong cuốn Thế giới bị Quỷ ám: Khoa học là Ngọn nến trong Bóng tối. "Khoa học là một sự cố gắng, phần nhiều thành công, để con người hiểu thế giới, nắm bắt được những điều hiện hữu, để chúng ta đứng vững và lèo lái đến bến đỗ an toàn."
Những con số thống kê, các phát hiện và dự đoán khoa học về Covid-19, mặc dù có thể gây tâm lý bi quan, nhưng chắc chắn đã rọi ánh sáng vào "vùng tối kiến thức". Trong thời đại mạng xã hội ngập tràn tin giả, ý kiến của các nhà khoa học trở thành nguồn thông tin đáng tin cậy. Bằng cách xuất hiện trên ti vi, trả lời báo chí, giới khoa học đã giúp công chúng khống chế sự sợ hãi dịch Covid-19 bằng hiểu biết.
"Trong bối cảnh dịch bệnh, tất cả chúng ta cùng có chung một mối quan tâm. Thực tế này bỗng đặt các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, đội ngũ y bác sĩ vào trung tâm của sự chú ý," PGS. Phan Trung Nghĩa nói. "Tuy nhiên, sau dịch, góc nhìn của công chúng sẽ chuyển sang hướng khác do cuộc sống luôn vận động và thay đổi không ngừng."
Phó giáo sư chuyên nghiên cứu các vật liệu có khối lượng phân tử lớn cho rằng, sau Covid-19, các nhà khoa học sẽ không thay đổi "cách làm việc lặng lẽ và âm thầm" để dành nhiều thời gian hơn bày tỏ quan điểm trước công chúng.
"Bởi lẽ khi ta mất quá nhiều năng lượng vào việc nói sẽ không có đủ năng lượng để suy nghĩ và hành động," phó giáo sư chuyên nghiên cứu các vật liệu có khối lượng phân tử lớn trở nên trầm ngâm. "Tâm trí con người cũng như dòng sông cần lắng đọng để sinh ra phù sa."