Dưới đây là tâm sự của độc giả Nguyen Huu tại Mỹ kể chuyện học Anh văn khi đã vào tuổi 65:
“Tôi qua Mỹ cách nay 20 năm, mới qua lo đi làm để nuôi các con đi học, nên không có thì giờ để vào các lớp ở trường Mỹ nên việc trau dồi Anh văn chưa có dịp. Đến khi nghỉ hưu vào năm 65 tuổi, có thời gian rảnh rỗi cũng chưa có ý định đi học vì nghĩ rằng mình già rồi còn đi học làm gì nữa! Mình nghĩ như vậy là sai vì qua cuộc sống hằng ngày ở xứ người, khi tiếp xúc với người bản xứ hoặc với các cộng đồng khác bằng ngôn ngữ tiếng Anh mình thấy còn rụt rè quá. Lúc nào cũng mang mặc cảm tự ti, vì vốn liếng Anh ngữ chả giống ai. Khi nghe người ta nói một câu dài mình không hiểu hết ý cũng tức lắm còn muốn nói lại cho người ta thì rặn không ra một câu. Quê thật là quê! Thôi điệu này phải đi học tiếng Anh thêm để mà ăn nói với người ta.
Ở Việt Nam mà cắp sách đến trường vào tuổi 70 thì có người dị nghị nhưng ở Mỹ tuổi nào cũng đi học được, với lại mình đã chọn nước Mỹ là quê hương thứ hai của mình thì cũng phải rành tiếng Anh để tiếp xúc với người ta chứ. Thế là mình quyết tâm đi học. Hơn nữa tôi có con cháu nội mới trên mười tuổi, mỗi lần tôi nói tiếng Anh thì nó lại cười và bảo ông nội phải nói như vầy. Nó uốn cong lưỡi và phát âm cái tiếng mà mình muốn nói thì người ta mới hiểu chứ. Mình phát âm như tiếng Pháp hồi xưa mình nói thì người ta không hiểu mình nói gì và người ta hay hỏi lại What? What? làm mình cũng quê. Thôi điệu này đi học ESL.
Nước Mỹ lập quốc trên hai trăm năm những đã đứng đầu thế giới về mọi mặt như kinh tế, quân sự, cũng do nền giáo dục mà ra. Họ có chính sách giáo dục phổ thông. Mọi người sinh ra đều được đến trường và tạo mọi điều kiện cho tất cả những ai muốn vào Đại Học. Anh muốn vào các Đại Học danh tiếng thì phải cố gắng học hành, ngay thời Trung học phải đạt 4 chấm trở lên mới được nhận vào các trường đó và được học bổng toàn phần không phải lo vấn đề tiền bạc còn những anh học không xuất sắc thì sao? Không lẽ "Thôi chia ly từ đây!" Họ vẫn vào đại học được nếu cha mẹ có tiền đóng học phí cho con cái học lên, còn những anh nghèo "rớt mồng tơi" thì được chính phủ cho mượn tiền không phải trả tiền lời trong thời gian theo học khi nào ra trường mới phải trả tiền mượn. Cái hay của nền giáo dục Mỹ là như vậy nên đã đào tạo biết bao nhân tài còn các nước khác gia đình nghèo thì chịu chết không học lên cao được! Nhưng ở tại nước Mỹ này họ còn tạo điều kiện cho mọi người đến trường không phân biệt giới tính, tuổi tác cho nên tôi có tên trong số học trò đó. Ngoài ra họ còn lập ra các trường trung học cộng đồng để mọi sắc dân đều có thể cắp sách đến trường. Ở California có nhiều đại học cộng đồng như Coastline Community College, Orange Community College... còn các bang khác rất ít có đại học cộng đồng, coi vậy mình dân Cali cũng được ưu đãi. Kể cả thiên nhiên cũng được ưu đãi. Thời tiết ít khắc nghiệt nên không lấy làm lạ người Việt tập trung ở Cali hơi nhiều. Mỗi năm có ba mùa: Xuân, Hạ, Thu. Mỗi mùa học 4 tháng, riêng lớp mùa Hạ có tháng rưỡi thôi.
Tôi mới đầu chỉ lại ghi tên học ESL thôi nhưng mấy cô làm văn phòng ESL hỏi sao chú không xin tiền Financial Aid (đa phần là người VN làm trong văn phòng để giúp cho sinh viên VN). - Được hả cô? - Chú bây giờ lãnh tiền già thì đủ điều kiện để xin. - Tôi phải làm sao? - Chú lên phòng Financial Aid trên lầu 4 góc đường Warner và Newhope mà apply. Trên đó cũng có người Việt Nam giúp chú. - Tôi đang lãnh tiền hưu + tiền già có ảnh hưởng gì không? - Không ảnh hưởng gì hết. Người ta còn khuyến khích chú đi học. - Xin cô cho biết mỗi mùa học người ta cho bao nhiêu? - Khoảng 2.800 nếu học đủ 12 units. Tôi khoan khoái nghĩ bụng sao nước Mỹ hào phóng thế. Trong lúc kinh tế đang khủng hoảng mà vẫn dành một ngân khoản cho giáo dục. - Chú sang phòng bên để thi test sắp lớp. Chú phải có trình độ Anh văn từ lớp A1 trở lên người ta mới cho Financial aid.
Trước khi đi ghi danh học ESL, bạn tôi đã mách nước, bài thi test rất dễ đối với trình độ của mình nhưng đừng khoanh trúng hết họ sẽ sắp vào lớp cao mai mốt học mệt lắm. Phải canh làm sao đủ điểm để có financial aid và vào lớp trình độ thấp càng khỏe. Thế là trong lúc thi test tôi đã đánh sai nhiều câu hỏi để được vào lớp thấp đúng như ý muốn của mình. Thế là hằng ngày tôi đã cắp sách đến trường mặc dầu đầu đã hai thứ tóc không mặc cảm vui như thuở xa xưa còn ngồi trên ghế nhà trường ở VN, vì ở đây có nhiều bạn mới, già có trẻ có. Học ở đây tôi thấy tiến bộ nhiều nhất là học lớp B2, lớp conversation của cô giáo Mỹ đen. Cô dạy rất "dur". Mấy bữa sau cô gọi tên lên bảng nói bất cứ chuyện gì trong vòng từ 5 đến 10 phút thì mới xóa được ticket. Coi như cô vừa dạy Anh văn vừa luyện cho mình mạnh dạn ăn nói trước mọi người. Trong lớp học sinh Việt Nam ai cũng bị ticket hết, trong đó có tôi. Lần đầu tiên tôi cũng run lắm. Ở nhà tôi phải nghĩ ra một đề tài viết ra giấy rồi đứng lên nói một mình. Bao giờ thuần thục mới thôi để ngày hôm sau lên nói cho tự nhiên không vấp váp. Mấy người bị ticket thì cạch đến già không dám nói tiếng Việt trong lớp nữa. Riêng tôi có ý đồ riêng, cứ nói tiếng Việt trong lớp để cô cho ticket để có dịp lên nói chuyện. Tôi có tính hay pha trò qua câu chuyện của tôi, mọi người cười ngất. Cô giáo Mỹ đen có phương pháp dạy hay lắm. Cô muốn trong giờ của cô mọi học sinh trong lớp phải đứng lên nói từ 1 đến 3 phút về đề tài mình học. Người nào nói thì được 5 điểm ngày đó, không nói thì zero, thành ra ai cũng giơ tay xin nói mà muốn nói cho trúng đề tài thì ngày hôm trước phải học bài rồi nghĩ ra những câu mình muốn nói. Cuối khóa trong lớp ai cũng thấy tiến bộ mạnh dạn nói tiếng Anh không còn rụt rè như trước nữa.
Lời cuối tôi muốn nói đến mấy ông bạn già của tôi là ở nước người nên đi học tiếng Anh”.
Nguyen Huu