Ông bố viết đơn lên Chính phủ kiến nghị giải tán Hội Phụ huynh

(Dân trí) - Đáp trả “Không đồng ý” khi Hội Phụ huynh lớp đề xuất đóng tiền lót sàn, anh Võ Quốc Bình, phụ huynh ở TPHCM còn gửi đơn lên Văn phòng Chính phủ kiến nghị giải tán Hội Phụ huynh.

Anh Võ Quốc Bình, phụ huynh lớp 3/2, Trường tiểu học Hòa Bình (quận 1, TPHCM), người dũng cảm phản pháo “Hội phụ huynh học sinh chứ không phải hội phụ thu học sinh hay hội họa sỹ” khi Ban đại diện cha mẹ học sinh đề xuất phụ huynh đóng tiền lót sàn gỗ cho lớp đầu năm học này.

Ngoài ra, anh Bình cho biết, từ những bất cập trong các khoản ở trường không thể chấp nhận, anh đã gửi đơn lên Văn phòng Chính phủ kiến nghị loại bỏ cái gọi là “Hội phụ huynh học sinh”. Bởi theo anh, gọi là Hội phụ huynh nhưng thực tế biến tướng hoạt động với mục tiêu “Hội phụ thu học sinh” để thực hiện “BOT học đường”.

Anh Võ Quốc Bình, ông bố ở TPHCM đã thẳng thắn từ chối khi Hội phụ huynh lớp đề xuất đóng tiền lót sàn gỗ
Anh Võ Quốc Bình, ông bố ở TPHCM đã thẳng thắn từ chối khi Hội phụ huynh lớp đề xuất đóng tiền lót sàn gỗ

Trao đổi với PV Dân trí, anh Bình cho biết thêm, anh cũng nhắn tin về vấn đề này gửi Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

Anh Bình chia sẻ quan điểm, hàng năm, ngân sách cho giáo dục là rất đáng kể rồi, vào nhất nhì trong các ngành, giáo viên có lương, nhà trường có ngân sách... Vậy không hà cớ gì động đến đâu cũng kêu gọi phụ huynh đóng góp như kiểu từ thiện. Đây không khác nào là một hình thức "móc túi" người dân.

Khi có phản ánh, nhà trường lại bám vào điệp khúc "Phụ huynh tự nguyện" để đá bóng trách nhiệm.

Theo anh Bình, cái gọi là “tự nguyện” này hài hước ở chỗ mang tính hô hào, răn đe, chèn ép... nắm được tâm lý của đại đa số phụ huynh vì sĩ diện mà “bấm bụng”, sợ con thiệt thòi, sợ bạn bè phân biệt... nên làm theo đám đông cho xong chuyện.

"Đừng quên BOT trong giáo dục"

Là một người quan tâm đến vấn đề xã hội, anh Võ Quốc Bình nói thời gian qua các công trình BOT giao thông bị dư luận phản ứng rất dữ dội.

“Nhưng chúng ta cũng đừng quên, trong sự nghiệp trồng người cũng có sự biến tướng theo kiểu BOT như vậy, nó làm ảnh hưởng đến công cuộc phát triển và cải cách của nền Giáo dục nước nhà. Đó là muôn kiểu tận thu của nhà trường đối với học sinh và phụ huynh”, anh Bình thẳng thắn.


Theo anh Bình, các khoản tự nguyện trong trường học thông qua Hội phụ huynh đang làm nhếch nhác môi trường học đường.

Theo anh Bình, các khoản "tự nguyện" trong trường học thông qua Hội phụ huynh đang làm nhếch nhác môi trường học đường.

Cũng như bao phụ huynh khác, anh Bình thấy rõ đầu năm học, các trường rộ lên các khoản thu, nhiều khoản phải gọi là tận thu diễn ra như một điều hiển nhiên, như là một luật bất thành văn dù nhiều khoản rất vô lý...

Và điều này vẫn tồn tại mà ít gặp sự phản ứng mạnh mẽ nào. Việc lạm thu diễn ra trong trường học núp bóng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để “lách” quy định đẹp đẽ của ngành là nhà trường không được thu các khoản ngoài quy định.

Trong khi anh Võ Quốc Bình biết, nhiệm vụ của Hội phụ huynh là quan tâm, chăm lo cho các em vấn đề của học sinh, kết nối với nhau để phối hợp với nhà trường quản lý, giáo dục con em chứ không phải là hội vận động đóng tiền bạc.

Thậm chí, nếu phát hiện sai phạm của nhà trường, Hội phụ huynh nên đại diện cho toàn thể phụ huynh lên tiếng để góp phần chấn chỉnh chứ không phải lại đại diện cho nhà trường như hiện nay.

“Vậy mà tại sao chức năng duy nhất hiện tại của nhiều Hội phụ huynh lại là quyên góp?”, ông bố đặt câu hỏi.

Trước đó, khi Ban đại diện phụ huynh lớp 3/2, Trường tiểu học Hòa Bình, Q.1, TPHCM đề xuất lót sàn gỗ lớp cho các bé ngủ trưa, anh Bình đã viết rõ “KHÔNG ĐỒNG Ý” vào đơn thư.

Phía lãnh đạo nhà Trường tiểu học Hòa Bình cho rằng đây là khoản đóng góp tự nguyện của phụ huynh nên anh Bình có quyền từ chối.

Tôi tin không ai “phân biệt” con tôi vì tiếng nói của mình

Phóng viên: Mới đây, anh công khai từ chối việc đóng tiền làm lót sàn gỗ theo đề xuất của Hội phụ huynh lớp. Anh có ngần ngại con mình bị thiệt thòi, phân biệt như tâm lý của nhiều phụ huynh không?

Anh Võ Quốc Bình: Không, tôi không ngại điều này. Trường học không phải là nơi của các thói hư thật xấu, không phải là nơi của các tệ nạn. Tôi tin không ai “phân biệt” con tôi vì tiếng nói của mình.

Tôi tin vào các thầy cô đứng trên bục giảng đang mang trọng trách trồng người.

Ngay buổi họp phụ huynh đầu năm tôi đã nói rõ, tôi không công nhận bất cứ cái hội nào gọi là Hội phụ huynh học sinh đứng ra để quyên góp hết. Nếu nhà trường trực tiếp vận vận động, có văn bản, tôi sẽ xem xét đóng góp theo khả năng. Và các khoản thu được sử dụng như thế nào cần công khai một cách rõ ràng, minh bạch.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)