Ở nhà tránh dịch quá lâu, con tôi như "biến" thành người khác

Kiều Phương

(Dân trí) - Dịch Covid-19 khiến kỳ nghỉ hè của trẻ bị giới hạn trong nhà. "Ở nhà tránh dịch" quá lâu, lịch sinh hoạt bị xáo trộn khiến những đứa trẻ dễ cảm thấy bí bách, nảy sinh cảm xúc tiêu cực.

Trẻ chán nản, thay đổi tính cách

Đối với trẻ nhỏ, nghỉ hè được coi là khoảng thời gian đáng mong chờ nhất khi các em có cơ hội được vui chơi, hoạt động ngoài trời, đi nghỉ cùng gia đình hay tham gia các hoạt động trải nghiệm... Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kỳ nghỉ hè của các em đều bị giới hạn trong không gian gia đình.

Lịch sinh hoạt cá nhân bị xáo trộn, mọi kế hoạch đều dở dang khiến những đứa trẻ không tránh khỏi cảm giác tẻ nhạt và bí bách.

Ở nhà tránh dịch quá lâu, con tôi như biến thành người khác - 1
Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các hoạt động ngoại khóa đều tạm ngưng, mọi hoạt động của trẻ chỉ xoay quanh không gian gia đình và tập trung vào các hoạt động tĩnh như xem ti vi, chơi game…

Gác lại kế hoạch tham gia trại hè do ảnh hưởng của dịch bệnh, phụ huynh Nguyễn Bích Ngọc (Hải Phòng) chia sẻ, hơn 2 tháng hè vừa qua, mọi hoạt động của các con đều chỉ quanh quẩn trong không gian nhỏ của gia đình: hết đọc sách, ôn bài rồi lại xem ti vi, nghịch máy tính…

"Năm nay, do dịch bệnh nên các con được nghỉ hè sớm. Ban đầu, con tỏ ra vô cùng vui mừng và phấn khởi. Tuy nhiên, chỉ sau 2 tuần, 2 đứa đã liên tục kêu chán và "cuồng chân" vì cả ngày chỉ quanh quẩn ở nhà với ông bà, không được ra ngoài thoải mái chạy nhảy như trước.

Đặc biệt, cậu con trai chuẩn bị lên lớp 5 còn than phiền nhớ lớp, nhớ bạn bè. Điều đáng nói là cu cậu rất ham chơi. Kêu nhớ trường, nhớ lớp, ắt hẳn cậu ta phải "chán" ở nhà lắm rồi" - chị Ngọc tâm sự.

Giống với chị Ngọc, phụ huynh Lê Thu Hà (Nam Định) cũng trăn trở nỗi lo về việc cô con gái 10 tuổi phải nghỉ hè sớm vì dịch bệnh. Vợ chồng chị Hà đều làm giờ hành chính, ông bà ngoại lại ở xa; do đó, từ khi học sinh được nghỉ hè, chị "cửa đóng then cài" và để con trong phòng từ sáng đến chiều tối.

"Những ngày đầu tiên của kỳ nghỉ, con ở nhà tự chơi, tự ăn trưa theo những món mẹ đã chuẩn bị từ sáng trước khi đi làm. Ban đầu, tôi thấy con vẫn tỏ ra bình thường, ngoan ngoãn. Tuy nhiên, sau hơn nửa tháng bị "nhốt" ở nhà một mình, tôi thấy con như trở thành một người khác, tính cách thay đổi rõ rệt. Con hay cáu giận, bực tức, có lúc còn ném đồ, quấy phá…

Thấy tình trạng này ngày càng xảy ra thường xuyên hơn, tôi có tìm cách tâm sự với con. Thì ra, những cảm xúc tiêu cực kia bắt nguồn từ việc con cảm thấy nhàm chán, bức bối khi phải ở nhà một mình, thiếu không gian và không có người chơi cùng. Tôi thương con lắm, nhưng chưa biết phải tính sao".

Chăm sóc tâm hồn cho trẻ mùa giãn cách

Mùa hè năm 2021 là một mùa hè đặc biệt với nhiều học sinh và phụ huynh. Song song với nỗi lo chăm sóc sức khỏe thể chất cho trẻ, việc làm sao để con có thể trở nên thoải mái, vui tươi trong chính mùa hè giãn cách cũng là "bài toán" mà mọi ông bố, bà mẹ đang phải đối mặt.

Chia sẻ về vấn đề này, cô giáo Trần Thùy Liên (Hà Nội) cho biết, tình hình dịch phức tạp dẫn đến giãn cách xã hội với những quy định nghiêm ngặt khiến không gian sinh hoạt của hầu hết trẻ em bị thu hẹp. Trong khi đó, trẻ em là đối tượng có nhu cầu giải tỏa năng lượng cao nên việc "ở nhà trốn dịch" quá lâu cũng ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.

Theo cô Liên, cha mẹ hay những người trực tiếp chăm sóc trẻ chính là những nhân tố đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng cảm xúc và tâm lý của các em. Điều này đòi hỏi cha mẹ phải dành nhiều thời gian hơn cho con và đồng hành cùng con trong các hoạt động thường ngày.

"Theo tôi, cách đơn giản mà lại hữu hiệu nhất đó chính là cha mẹ hãy trò chuyện cùng con.

Đầu tiên, phụ huynh cần hỏi han, động viên, khuyến khích các con nói ra cảm xúc, mong muốn và rắc rối của các con với mình. Khi trò chuyện, cha mẹ cần làm một người lắng nghe với tinh thần thấu hiểu, đồng cảm, tránh áp đặt ý kiến của mình lên các con. Song song với sự gợi mở, bố mẹ hãy dành cho con những cử chỉ ngọt ngào như ôm con vào lòng, vuốt tóc, vuốt lưng cho con… để con cảm thấy con vẫn được yêu thương, san sẻ.

Trên thực tế, có nhiều em không hề biết vào lúc này đang có hàng triệu người cũng chịu cảnh "ở nhà chán chết" như mình. Bởi vậy, bố mẹ hãy phân tích điều này để trẻ thấy con không đơn độc, khổ sở. Với những trẻ lớn hơn, cha mẹ hãy tương tác và đừng ngại nói ra nỗi lòng của mình với con trẻ. Biết đâu, sau khi nói ra những khó khăn, áp lực mà cha mẹ đang đối diện, con sẽ trở nên ngoan ngoãn, nghe lời và trưởng thành hơn" - cô Liên đề xuất.

Cũng theo cô Liên, nếu nhìn nhận một cách khách quan, những ngày giãn cách chính là cơ hội "vàng" để củng cố và thiết lập mối tương quan, gắn kết giữa cha mẹ và con cái. Để trẻ có tâm lý thoải mái, tùy vào độ tuổi, sở thích và mong muốn của con, cha mẹ có thể lập ra những hoạt động cụ thể để con và bố mẹ có thể cùng vui chơi, giải trí.

Là một người mẹ, đồng thời là một giáo viên mầm non, chị Phạm Thanh Hòa (Thái Bình) cho biết, trước tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện tại, những ngày hè của con chỉ quanh quẩn ở nhà. Với mong muốn con có tâm lý thoải mái, vui vẻ, vị phụ huynh này đã cố gắng biến căn nhà thành một "thế giới thu nhỏ" để con được vui chơi, trải nghiệm và khám phá.

"Ở nhà thì ai cũng chán, bản thân mình người lớn còn buồn huống gì trẻ con. Do đó, tôi đã tự tạo niềm vui cho các con bằng những điều nhỏ nhặt nhất.

Tôi thấy, trong cuộc sống hiện đại, nhiều bé xa lạ với các trò chơi chuyền, ô ăn quan trước đây. Hai đứa nhà tôi cũng vậy. Do đó, tôi đã mua một bộ đồ chơi có đủ các trò chơi dân gian và hướng dẫn, cùng các con chơi. Các con nhanh chóng làm quen với các hoạt động ở nhà và rất thích thú với những bộ đồ chơi mẹ mua. Cách này không chỉ đem lại tiếng cười cho mẹ, cho con, mà còn giúp đôi tay và trí óc của con thêm khéo léo".

Bên cạnh đó, nhận ra con gái có niềm đam mê với vẽ tranh, chị Hòa đã lên mạng và in ra giấy những hình vẽ mà con yêu thích để con có thể tô màu theo.

Ở nhà tránh dịch quá lâu, con tôi như biến thành người khác - 2
Tô màu, vẽ tranh… giúp trẻ rèn luyện sự khéo léo, đồng thời tạo cho các em tinh thần thoải mái trong mùa hè giãn cách.

"Con vui và thích lắm. Ngày nào con cũng chơi ô ăn quan, rồi tô màu, rảnh thì lại giúp mẹ quét nhà… Nhiều khi mẹ bận việc phải ra ngoài, con cũng tự nguyện ở nhà tự chơi, tự học…" - phụ huynh Phạm Thanh Hòa hào hứng chia sẻ.

Còn với học sinh Trần Văn Chương (lớp 5, Hải Phòng), từ đầu hè, Chương cũng chỉ quanh quẩn ở trong nhà chứ không được ra ngoài. Mặc dù rất buồn, song Chương cho hay, bản thân phải tự tìm cách thích nghi với mùa hè đặc biệt này.

"Nhà em có một mảnh vườn nhỏ. Những ngày chủ nhật, được nghỉ, mẹ thường hướng dẫn em cách trồng cây, trồng hoa. Còn em có nhiệm vụ tưới cây, bắt sâu hằng ngày. Em thấy công việc này rất thú vị, không chỉ giúp cảm thấy thoải mái, thư giãn mà còn đem lại cho em nhiều kỹ năng rất hữu ích".

Ở nhà tránh dịch quá lâu, con tôi như biến thành người khác - 3
Chăm sóc cây, kết nối thiên nhiên là cách giúp trẻ bớt căng thẳng, buồn chán trong những ngày "ở nhà trốn dịch".

Chương cho hay, bên cạnh sự kết nối với thiên nhiên, em còn tìm đến niềm vui với trái bóng.

"Mỗi ngày, em dành ra 30 phút để đá bóng. Đá một mình, không có bạn bè cũng hơi buồn, nhưng em nghĩ, đây là phương pháp vừa giúp giải trí, đồng thời rèn luyện sức khỏe một cách tốt nhất giữa thời điểm này".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm