Ồ ạt đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ
Trước nhu cầu lấy bằng thạc sĩ (ThS), tiến sĩ (TS) ngày càng tăng, thời gian gần đây, số lượng chuyên ngành đào tạo sau đại học (ĐH) tại các trường khu vực ĐBSCL cũng tăng theo. Tuy nhiên, do phát triển “nóng”, chất lượng đào tạo vẫn còn nhiều điều đáng bàn.
Đua nhau giành “miếng bánh béo bở”
Theo thống kê, hiện ĐBSCL có 17 trường ĐH (11 trường công lập, 6 trường ngoài công lập) nằm ở 10 tỉnh và 1 phân hiệu Trường ĐH Bình Dương tại Cà Mau. Trong đó, có đến 7 trường đào tạo sau ĐH như ĐH An Giang, Cần Thơ, Cửu Long, Tây Đô…
Năm 2015, UBND TP Cần Thơ có quyết định thực hiện chính sách thu hút, hỗ trợ khuyến khích nguồn nhân lực thành phố giai đoạn 2015-2020. Cụ thể, đối với người có trình độ GS-TS sẽ được thành phố hỗ trợ 150 triệu đồng/người; PGS-TS là 130 triệu đồng/người; bác sĩ chuyên khoa I hỗ trợ 65 triệu đồng/người; bác sĩ chuyên khoa II là 45 triệu đồng/người.
"Công chức nhà nước chỉ cần bằng ĐH, và hàng năm sẽ tổ chức tập huấn kiến thức nâng cao chuyên môn. Đối với giảng dạy và nghiên cứu khoa học thì cần phải có trình độ ThS, TS trở lên. Bên cạnh đó, cần có quy định về thời gian bao lâu phải có bao nhiêu đề tài nghiên cứu nếu không sẽ hủy bằng TS. Như vậy mới nâng cao được chất lượng ThS, TS và tránh việc đào tạo sau ĐH ồ ạt, theo phong trào như hiện nay”. - Ông Võ Trọng Hữu
Tại Kiên Giang, đầu năm 2015, UBND tỉnh cũng có chính sách ưu đãi cho người có bằng ThS, bác sĩ chuyên khoa II, nếu về Kiên Giang công tác sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng. Nếu là GS - PGS – TS về giảng dạy tại các trường cao đẳng của tỉnh đúng chuyên ngành đang thiếu sẽ được hỗ trợ ban đầu 30 triệu đồng. Thực tế là có không ít sinh viên sau khi ra trường gặp khó khăn trong tìm việc làm nên đã tiếp tục học cao học để tránh lãng phí thời gian và dễ xin việc hơn. Chị Trần Thị Cẩm Tú (ngụ xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, Hậu Giang) quyết định học ThS với mong muốn tốt nghiệp ra trường sẽ dễ xin việc hơn. “Trước sau cũng phải học ThS, TS mới đáp ứng được nhu cầu xã hội nên tôi nghĩ học luôn ngay sau khi tốt nghiệp ĐH là cần thiết”.
Chất lượng đào tạo còn hạn chế
Ông Võ Trọng Hữu – Ủy viên chuyên trách kiêm Vụ Trưởng vụ Văn hóa - Xã hội, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết: Theo quy định của Bộ GDĐT, một trong những điều kiện để các trường được xem xét cấp phép đào tạo các ngành hoặc chuyên ngành trình độ ThS là đã đào tạo trình độ ĐH chính quy ngành tương ứng với ngành hoặc chuyên ngành đề nghị cho phép đào tạo ThS, có ít nhất 2 khóa sinh viên đã tốt nghiệp. Đồng thời, có đội ngũ cán bộ làm khoa học vững mạnh có học vị TS, TS khoa học hoặc chức danh PGS, GS; có khả năng xây dựng chương trình và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo… “Tuy nhiên, hiện do nhiều người đi học ThS nên dù một số trường chưa đủ điều kiện cũng liên thông với trường khác để được đào tạo ThS, TS” – ông Hữu thông tin.
PGS-TS Mai Văn Nam - Trưởng khoa sau ĐH (ĐH Cần Thơ) cho biết: “Ở các nước, ThS được đào tạo theo nguyên tắc học và tự nghiên cứu, phần tự nghiên cứu phải nặng hơn. Thời gian đào tạo ThS cũng ngắn hơn, số tín chỉ bắt buộc ít hơn nhưng chất lượng đào tạo lại cao. Trong khi đó ở nước ta, một chương trình đào tạo ThS có quá nhiều tín chỉ nhưng chất lượng lại thấp”.
Về vấn đề này, PGS-TS Đỗ Văn Xê - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho rằng: “Chúng ta vẫn đang dạy và học theo quán tính, thầy dạy sao trò nghe vậy. Để thay đổi tình trạng này, chúng ta phải thay đổi, nâng chất nhiều yếu tố mà trong đó phải có sự liên thông giữa các bậc học. Phải siết chặt hơn nữa việc xin mở đào tạo sau ĐH của một số trường, nếu không đủ điều kiện kiên quyết không để đào tạo, tránh ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học”. Một số chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, cần siết chặt hơn nữa việc đào tạo TS thông qua việc sàng lọc, thanh tra các cơ sở đào tạo hàng năm. Đặc biệt phải kiểm tra số lượng giảng viên cơ hữu có trình độ TS, chức danh GS, PGS, giảng viên dạy ổn định trong biên chế của trường để giao chỉ tiêu tuyển sinh.
Theo Chúc Ly
Dân Việt