NXB Giáo dục Việt Nam lý giải việc phát hành cuốn “Những điều cần biết”
(Dân trí)-“NXB Giáo dục Việt Nam có nhiệm vụ phục vụ nhu cầu sách-thiết bị của ngành GD nên đơn vị có trách nhiệm phải xuất bản tài liệu phục vụ kỳ thi tuyển sinh quan trọng với xã hội, với ngành và với thí sinh. Việc chọn tài liệu này hay không là quyền của thí sinh”.
Đó là khẳng định của ông Ngô Trần Ái - Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam với phóng viên Dân trí trước những luồng thông tin trái chiều của dư luận xã hội xoay quanh việc ra đời cuốn sách “Những điều cần biết về tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2014”.
Thưa ông, hiện có ý kiến cho rằng, việc in cuốn “Những điều cần biết…” là lãng phí, bởi thí sinh có thể tìm hiểu thông tin trên website của Bộ GD-ĐT và các trường. Ông nghĩ như thế nào về nhận định này?
Ông Ngô Trần Ái: Trước hết tôi phải khẳng định đây là tài liệu không có chỉ đạo bắt buộc học sinh phải mua, cuốn “Những điều cần biết…” (NĐCB) là một tài liệu tham khảo, phục vụ cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hàng năm và tài liệu này đã được in, phát hành nhiều năm nay. Gần đây, NXB Giáo dục Việt Nam được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ tổ chức biên soạn và phát hành tài liệu này nhằm cung cấp những thông tin quan trọng về kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ để dựa vào đó, thí sinh lựa chọn trường, khối thi và ngành dự thi phù hợp với nguyện vọng và năng lực học tập của mình. Đây thực sự là “cẩm nang”, đáp ứng nhu cầu thiết thực của đông đảo thí sinh dự thi ĐH-CĐ. Việc có trong tay cuốn NĐCB sẽ giúp thí sinh có đầy đủ thông tin tổng hợp để so sánh, lựa chọn trường phù hợp với khả năng, điều kiện của mình.
Hiện tại có nhiều kênh để thí sinh có thể tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ. Sau khi bản in cuốn NĐCB được phát hành thì bản mềm cũng đã được Bộ GD-ĐT cập nhật trên website của Bộ. Tuy nhiên, với nhiệm vụ được giao thì NXB vẫn phải thực hiện khâu phát hành cuốn sách này.
Mỗi thí sinh có khi chỉ cần tham khảo vài trang trong NĐCB nhưng phải bỏ ra gần 40.000 đồng. Theo ông có thật là cần thiết hay không?
Ông Ngô Trần Ái: Tài liệu tham khảo này phục vụ cho những ai có nhu cầu, không phải là tài liệu bắt buộc đối với thí sinh. Tôi cho rằng việc bỏ số tiền 38.000 đồng ra mua cuốn sách không thể nói là lãng phí. Bởi sách tập hợp thông tin về tất cả các trường ĐH, CĐ trong cả nước. Thí sinh dự định thi khối nào, ngành nào, trường nào thì tìm thông tin theo nhu cầu của mình.
Mặt khác, với sự phát triển của mang internet, thí sinh có thể tra cứu thông tin trên mạng. Như tôi nói ở trên, sau khi bản in cuốn NĐCB được phát hành thì bản mềm cũng đã được Bộ GD-ĐT cập nhật trên website của Bộ. Thí sinh có thể sử dụng hoàn toàn miễn phí bản mềm này. Và chúng tôi cũng khuyến khích học sinh tra cứu trên website của Bộ để khỏi tốn kém cho việc mua sách.
Trên thực tế có nhiều thí sinh không cần sử dụng tài liệu này. Bằng chứng là, mỗi năm có hơn 1 triệu thí sinh dự thi, song số lượng in ban đầu chỉ có 50.000 bản. Con số phát hành cũng cho thấy, 70% số lượng tài liệu được phát hành tại các đô thi lớn, nơi có điều kiện kinh tế xã hội phát triển, thí sinh có nhu cầu và điều kiện để mua tài liệu. Với những nơi khó khăn, các nhà trường cũng đã có nhiều phương thức giúp thí sinh có được thông tin cần thiết như thông qua các hoạt động tư vấn... Với những vùng không có internet thi cuốn NĐCB rất có giá trị với thí sinh và ở những nơi này, thí sinh có thể dùng chung.
Có ý kiến cho rằng, việc in và phát hành NĐCB mang lại cho NXB một nguồn thu không nhỏ cho nên dù thí sinh có thể tải bản mềm miễn phí nhưng NXB vẫn in bản giấy?
Ông Ngô Trần Ái: NXB Giáo dục Việt Nam có nhiệm vụ phục vụ nhu cầu sách - thiết bị của ngành giáo dục nên chúng tôi có trách nhiệm phải xuất bản tài liệu phục vụ kỳ thi tuyển sinh quan trọng đối với xã hội, với ngành và với mỗi thí sinh này. Khi biên soạn, chúng tôi cũng rất phải cân nhắc để tài liệu thực sự hữu ích nhưng giá cũng phải phù hợp. Cũng có nhiều ý kiến đề xuất đưa điểm thi đầu vào của các trường trong năm trước đó hoặc dự báo nguồn nhân lực, định hướng về sự phát triển của ngành nào đó trong những năm tới… nhưng việc này sẽ làm số trang sách dày lên rất nhiều và cũng sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề khác.
Chúng tôi cũng chỉ in số lượng phù hợp với nhu cầu thực tế, bởi nếu thừa ra, chúng tôi sẽ phải chịu lỗ vì sách này sang năm không thể dùng được.
Vậy còn những sai sót trong nội dung cuốn sách mà các trường đã thông tin tới Bộ GD-ĐT cùng các cơ quan báo chí ? Ông giải thích như thế nào về việc này?
Ông Ngô Trần Ái: Như chúng tôi đã thông tin trong Lời nói đầu của cuốn sách, các thông tin đưa vào sách được cập nhật đến ngày 6/3/2014 do các đại học, học viện, các trường ĐH-CĐ cung cấp và chịu trách nhiệm. Có nhiều thông tin các trường phản ánh là sai (ví dụ như thông tin các trường đăng ký tuyển sinh theo đề án tuyển sinh riêng) thì do tại thời điểm hoàn thiện bản thảo (6/3/2014) thì Bộ chưa cấp phép cho tất cả các trường đăng ký tuyển sinh riêng được thực hiện việc tuyển sinh riêng. Bởi vậy trong bản mềm của cuốn cẩm nang, Bộ GD-ĐT đã cập nhật thông tin này.
Một vài sai sót khác cũng đã được kịp thời cập nhật trên website của Bộ. Ngoài ra, với những thông tin cụ thể hơn (ví dụ chỉ tiêu tuyển sinh của từng ngành, điều kiện dự thi hay đào tạo liên thông…) thì TS cần tham khảo tại địa chỉ website của từng trường để đảm bảo cập nhật.
Nguyễn Hùng (thực hiện)