NXB Giáo dục chưa chỉnh sửa SGK: Học sinh vẫn phải học sách có "sạn"?
(Dân trí) - NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, sẽ chỉnh sửa lỗi ở cả 4 bộ SGK mới. Một số chuyên gia cho rằng, cần chỉnh sửa sớm "sạn" trong những SGK này thay vì thực hiện cho kỳ tái bản phục vụ năm học tới.
Phải học sách lỗi trong khi chờ tái bản?
Chiều 23/12, trao đổi nhanh với PV Dân trí, đại diện truyền thông của NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, đơn vị này đã báo cáo Bộ GD&ĐT về phương án chỉnh sửa 4 bộ SGK của đơn vị này và vẫn đang trong thời gian chờ đợi hướng dẫn từ Bộ GD&ĐT.
Được biết trước đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) đã có văn bản báo cáo Bộ GD&ĐT những điểm xin được chỉnh sửa trong 4 bộ SGK lớp 1 do đơn vị này phát hành.
Tại công văn này, NXB Giáo dục Việt Nam cho biết sẽ chỉnh sửa cả 4 bộ SGK trong lần tái bản các bản mẫu SGK sắp tới để phục vụ năm học 2021- 2022, thay vì in tài liệu gửi về địa phương như bộ SGK Cánh diều.
Một số chuyên gia cho rằng, thời điểm này gần kết thúc học kì I nhưng học sinh và giáo viên vẫn phải dùng sách có "sạn" vì các đơn vị này chưa công bố công khai kết quả thẩm định, phê duyệt nội dung chỉnh sửa SGK mới để xin ý kiến đóng góp của dư luận như bộ Cánh Diều đã làm.
PGS. TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông, người từng chỉ ra một loạt "sạn" trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 cho rằng, 4 bộ SGK của NXB Giáo dục Việt Nam đều có lỗi.
Lỗi ở đây không riêng vấn đề vi phạm bản quyền mà còn kém chất lượng về chuyên môn, sai trong phương pháp biên soạn, xử lý ngữ liệu; trong nội dung giáo dục và xử lý ngôn ngữ…
"Đây là những lỗi nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến truyền thụ kiến thức và tiếp nhận kiến thức ở nhà trường, cần giải quyết ngay, không thể chậm trễ", PGS Nguyễn Hữu Đạt nói.
Cũng theo chuyên gia này, NXB và các tác giả cần công khai tiến độ chỉnh sửa ở 4 bộ sách đã nêu thực hiện đến đâu, cách chỉnh sửa như thế nào.
Nhất là cần sớm công khai những điểm cần chỉnh sửa giống như sách "Cánh Diều" đã thực hiện. Đồng thời không nên để đến khi tái bản SGK mới chỉnh sửa, bởi như vậy không ít học sinh lớp 1 sẽ phải đụng những hạt "sạn" trong năm học này.
Không hoàn chỉnh nhưng không được phép sai về khoa học
Trao đổi với PV Dân trí, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, một nguyên tắc cơ bản, SGK phải được thẩm định chặt chẽ, không có lỗi rồi mới công bố để người dùng lựa chọn.
Nhưng nếu đã để xảy ra lỗi và phát hiện ra sau khi sử dụng, phải chỉnh sửa và thẩm định lại ngay lập tức, nếu không sẽ rất thiệt thòi cho học sinh.
"Nhiều người đưa ra luận điểm, SGK không phải là pháp lệnh, không có bộ SGK nào hoàn chỉnh. Tôi cho rằng, có thể SGK không hoàn chỉnh về mặt khoa học nhưng không có nghĩa được phép sai về mặt khoa học", GS Phạm Tất Dong nói.
GS Phạm Tất Dong cũng đưa ra câu chuyện thời bao cấp, mỗi người được mua một chiếc lốp xe đạp.
Đen đủi cho khách hàng nào mua phải lốp lỗi thì không thể đổi lại bởi cái lí của họ đưa ra thời bấy giờ: "Tôi chỉ có vậy"!
"Thế nhưng thời kinh tế thị trường hiện nay, theo GS Phạm Tất Dong, việc bán hàng phải khác.
Chẳng hạn ở Nhật hoặc ở Mỹ, nếu phát hiện gói hàng có lỗi, nhà sản xuất sẽ đổi mới ngay lập tức, không thể lấp liếm.
Nên sửa ngay không chờ tái bản
Được biết trong bảng tổng hợp rà soát SGK gửi lên Bộ GD&ĐT của NXB Giáo dục Việt Nam, đối với bộ SGK lớp 1 Chân trời sáng tạo phải sửa lỗi ở 7 trang SGK môn tiếng Việt 1 (tập 1) và môn tiếng Anh.
Trong đó SGK tiếng Việt 1 (tập 1) sửa lỗi ở năm trang. SGK tiếng Anh 1 Family and Friends (Nationnal Edition)-Student Book sửa trang 47 và 53 một số câu, hình vẽ.
Đối với bộ sách lớp 1 Cùng học để phát triển năng lực sửa lỗi trong khoảng hơn 24 trang.
Trong đó, SGK tiếng Việt 1 (tập 1 và tập 2) sửa lại ở khoảng 9 trang, tiếng Anh 1 sửa lại ở khoảng 8 trang và Giáo dục thể chất 1 sửa lại ở khoảng 7 trang.
Đối với bộ sách lớp 1 Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục sửa lỗi ở một trang trong SGK tiếng Việt 1 (tập 1) phải điều chỉnh nội dung văn bản do ngữ liệu không đúng trong thực tế…
Hiện tại, học sinh đã học gần hết học kì I. Thầy Nguyễn Quốc Bình, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hà Nội cho rằng, để có "sạn" trong SGK, NXB Giáo dục Việt Nam và các tác giả phải chịu trách nhiệm.
Đồng thời, cần có văn bản hướng dẫn những điểm chưa chuẩn xác, thay bằng ngữ liệu hoặc nội dung nào…, chuyển về ngay các cơ sở giáo dục đang sử dụng sách.
"Việc này cần làm càng sớm càng tốt, bởi hiện đã sắp hết thời gian của học kì 1.
Nếu chậm trễ không công bằng với học sinh, nhất là học sinh lớp 1- nhóm tuổi đang cần được thụ hưởng những gì tốt nhất trong chăm sóc và giáo dục", thầy Bình khẳng định.