Nữ tiến sĩ Việt tuổi 32 “chinh phục” ngành Lý Sinh trên đất Mỹ
(Dân trí) - Ở tuổi 32, cô gái Ngô Thị Minh Thùy khiến nhiều đấng mày râu phải nể phục khi giành học bổng Thạc sĩ 42.000 euro tại Hà Lan rồi học bổng tại ĐH tổng hợp Illinois (Mỹ) hàng đầu thế giới về nghiên cứu Lý Sinh trước khi trở thành nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại ĐH Stanford (Mỹ) danh tiếng.
Thông tin cá nhân
Họ và tên: Ngô Thị Minh Thùy
Ngày sinh: 23/12/1984
Hiện đang là nghiên cứu viên sau Tiến sĩ tại ĐH Stanford (Mỹ). Trước đó cô là thủ khoa đầu ra ĐH Bách Khoa Hà Nội, thạc sĩ loại giỏi ngành Vật Lý tại ĐH Amsterdam, tiến sĩ ngành Lý Sinh tại ĐH tổng hợp Illinois tại Urbana-Champaign.
Thành tích nổi bật:
Ba lần đạt giải Best Poster và Best Talk trong những hội nghị chuyên ngành (Hội nghị Lý Sinh và Sinh Học Tính Toán năm 2014 tại đại học Illinois, Hội nghị Trung Mỹ về Chromatin và Epigenetics tại Winsconsin năm 2014, Hội nghị về Phát Triển Quang Học Hiện Đại tại Hà Lan năm 2009)
Học bổng Gregorio Weber cho nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành Lý Sinh (ĐH Illinois, Mỹ năm 2009)
Học bổng Huygens cho nghiên cứu sinh Thạc sĩ tại Hà Lan (năm 2007-2009)
Học bổng FYT (2004-2006), giải thưởng Honda YES năm 2006.
Thủ khoa ĐH Bách Khoa Hà Nội (năm 2007), Giải Nhì SV nghiên cứu khoa học (năm 2007), top 10 SV nữ xuất sắc nhất (năm 2006), học bổng Odon Vallet, học bổng Đồng hành (2004), Thành viên đội Robocon giành giải nhất Robocon khu vực phía Bắc (2006).
Giải nhì cuộc thi Toán học Olympic toàn quốc dành cho sinh viên (2003), Giải Nhất cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia vòng thi tuần Tháng 12/2000.
Từ vùng đất Thái Nguyên tới ĐH Stanford danh tiếng
Học cấp 3 tại trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Phổ Yên, Thái Nguyên), cô gái Ngô Thị Minh Thùy (sinh năm 1984) tự nhận mình không quá nổi bật so với bạn đồng trang lứa về học tập hay hoạt động ngoại khóa. “Điểm sáng” duy nhất cô thừa nhận là giành thành tích Nhất tuần và Nhì tháng cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia vào năm 2000.
Tuy nhiên, một cách “tình cờ và may mắn”, Minh Thùy đã đỗ vào lớp kỹ sư tài năng ĐH Bách khoa Hà Nội. Cũng từ đây, cô gái của vùng đất trung du phía Bắc bắt đầu bứt tốc với hàng loạt giải thưởng và suất học bổng (giải Honda YES Award, giải nhì Olympic toán SV toàn quốc…). Kết quả của sự rèn luyện bền bỉ chính là ngôi vị Thủ khoa đầu ra khối kỹ sư tài năng K47 ĐH Bách khoa Hà Nội.
Với điểm số đáng ghen tị 8,94/10, Minh Thùy có nhiều lựa chọn để đi tiếp con đường nghiên cứu sau đại học như học bổng tại Singapore hoặc trợ lí nghiên cứu tại Mỹ. Nhưng cô quyết định lựa chọn xứ sở hoa Tulip với học bổng Huygens toàn phần trị giá 42.000 euro.
Tại đây cô tham gia nghiên cứu tại viện nghiên cứu về vật lý nguyên tử và phân tử quốc gia của Hà Lan. Bằng việc làm chủ được hệ thí nghiệm quang học phi tuyến tính hàng đầu thế giới (non-linear optics), cô đã là người đầu tiên phát hiện ra sự thay đổi trạng thái phân tử của nước và lipid trên bề mặt khi tương tác với ADN.
Minh Thùy đang làm nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ tại ĐH Stanford (Mỹ).
Kết thúc chương trình thạc sĩ tại Hà Lan, Minh Thùy tiếp tục tiếp tục theo đuổi chuyên ngành Lý Sinh tại ĐH tổng hợp Illinois ở Urbana-Champaign (UIUC) cấp.
Một lần nữa, cô trở thành người đầu tiên phát triển được phương pháp để đồng thời quan sát và điều khiển một hệ đơn phân tử phức tạp là nucleosome. Đồng thời Thùy cũng là người đầu tiên phát hiện và chứng minh bằng thực nghiệm được quy luật vật lý để điều khiển được độ bền cơ học và chiều đóng mở của đơn vị cấu trúc cơ bản của DNA là nucleosome.
Sau khi hoàn tất luận án Tiến sĩ, Minh Thùy “thừa thắng xông lên” giành được suất làm nghiên cứu sau Tiến sĩ tại ĐH Stanford. Công việc nghiên cứu hiện tại của cô là phát triển một phương pháp sinh học phân tử mới để theo dõi sự phát triển của thai nhi, và sự thay đổi của cơ thể mẹ trong quá trình mang thai.
Cho tới thời điểm hiện tại, tiến sĩ Ngô Thị Minh Thùy đã có 5 bài báo quốc tế. Điều đáng chú ý đây đều là những công trình được đăng trên những tạp chí đầu ngành.
Nổi bật nhất bài báo đăng trên tạp chí Cell năm 2015 (impact factor 35.532, xếp loại nhất trong số 1.878 tạp chí thế giới chuyên ngành Lý Sinh) và một số bài đăng trên Nature Communications (impact factor 11.47), Journal of American Chemical Society (impact factor 12.113),...
Khi người mẹ mang thai, một phần nhỏ vật chất di truyền (ADN và ARN) của bé sẽ đi vào máu của mẹ. Đồng thời ADN và ARN ở trong máu của mẹ cũng có thể có chút thay đổi. Nhưng sự thay đổi về ADN và ARN trong máu của người mẹ rất nhỏ, có thể chỉ là một vài phân tử trong một cc máu.
Cô dự định sẽ phát triển phương pháp xét nghiệm máu mới có độ nhạy cao để có thể đo và theo dõi được sự thay đổi rất nhỏ này. Nếu phương pháp này thành công, nó có thể ứng dụng để phát hiện bệnh ung thư sớm và theo dõi, điều chỉnh quá trình điều trị ung thư vì tế bào ung thư cũng tiết ra ADN và ARN vào trong máu.
Nền tảng hậu thuẫn gia đình vững chắc
Để đạt được những kết quả khả quan tại Hà Lan rồi tại Mỹ, Minh Thùy chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất nhưng cũng chính là sức mạnh lớn nhất đối với mình là bền bỉ theo đuổi công trình nghiên cứu ròng rã trong vòng 5 năm.
Điều này rất khó bởi vì trong 5 năm ấy, triền miên những hy vọng rồi thất vọng vì thí nghiệm rất khó thực hiện và phải thử nghiệm rất nhiều giả thuyết cũng như phải làm khối lượng thí nghiệm khổng lồ để kiểm chứng những giả thuyết rồi lại tự mình phủ định giả thuyết của mình sai.
Triền miên như thế cho đến khi tự mình thuyết phục được mình (còn khó hơn rất nhiều so với thuyết phục hội đồng phản biện) rằng mình đã đầy đủ bằng chứng khoa học thực nghiệm để chứng minh cho giả thuyết đúng của mình”.
Với Minh Thùy, thành công có được trong nghiên cứu khoa học có sự hỗ trợ đắc lực của "hậu phương" chồng, con và gia đình.
Và để có thể vượt qua được những khó khăn và chuyên tâm theo đuổi công việc nghiên cứu như hiện nay, bên cạnh nỗ lực, kiên trì cá nhân, cô rất tự hào khi nhắc đến hậu phương vững chắc là chồng, con và gia đình.
“Mình có may mắn là chồng cũng làm nghiên cứu sinh tiến sĩ cùng trường Illinois với mình, nên hai vợ chồng hiểu và giúp đỡ lẫn nhau trong công việc cũng như việc gia đình. Chồng mình thường xuyên nhắc mình đi làm thí nghiệm không để quá thời gian sẽ bị hỏng mẫu chứ không khi nào cằn nhằn cả.
Ngoài ra cả hai lần sinh bé mình đều có mẹ sang chăm sóc. Hai vợ chồng mình vẫn nói đùa nhau là hai đứa nhỏ là “con của bà” chứ không phải con của mình. May nhờ có bà có kinh nghiệm làm y tá chăm sóc mà hai đứa nhỏ nhà mình đều cứ “ăn rồi lớn” chứ không ốm đau gì”, Minh Thùy bộc bạch.
Với Thùy, không gì tuyệt vời hơn khi sau hàng giờ triền miên trong phòng thí nghiệm được trở về nhà được vui đùa với 2 con nhỏ.
“Đi làm về có con gái hát líu lo yêu mẹ là mình quên hết nỗi buồn thí nghiệm hỏng. Rồi con nhỏ cũng là một người “giáo viên” xuất sắc cho mình đam mê nghề nghiệp một cách tự nhiên từ chính sự tò mò của con. Nó nhiều khi hay hỏi những câu hỏi tưởng như hiển nhiên mà còn khó hơn cả đề tài mình nữa”, nữ tiến sĩ trẻ trên đất Mỹ - Ngô Thị Minh Thùy tươi cười chia sẻ.
Lê Trường
(Ảnh nhân vật cung cấp)