Nữ tiến sĩ từng từ chối 2 học bổng quốc tế để dạy văn quê nhà
(Dân trí) - Du học bậc tiến sĩ ở Anh Quốc, TS. Đinh Minh Hằng hiện thực ấp ủ quảng bá thơ Việt Nam hiện đại trên tạp chí Văn học quốc tế. Chân dung nữ giảng viên Việt xuất sắc, giàu đam mê được đăng tải trên tờ báo Đại học Bolton (Anh).
Từ bỏ 2 học bổng danh giá, ở nhà làm cô giáo
Đứng trên bục giảng truyền lửa cho học trò là niềm say mê, mong muốn thường trực của tiến sĩ Đinh Minh Hằng (Giảng viên Khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Đó là lí do cô từng sẵn sàng bỏ 2 suất học bổng Anh và Singapore bậc đại học, ở lại quê nhà theo đuổi ước mơ làm cô giáo dạy Văn. Tháng 6/2017, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Vương Quốc Anh, cô đã trở về Việt Nam tiếp tục giảng dạy và nghiên cứu.
Vốn là học sinh chuyên Lý (Trường THPT Việt Đức - Hà Nội) nhưng tình yêu văn chương và nghề giáo đã thôi thúc cô học trò Đinh Minh Hằng thi khối D. Năm lớp 11 và 12, với những thành tích học tập ấn tượng, Hằng được trao 2 suất học bổng du học Anh và Singapore, cô không do dự đưa ra lời từ chối - ở lại Việt Nam học đại học để trở thành cô giáo. Hằng tốt nghiệp thủ khoa Đại học Sư phạm Hà Nội với điểm trung bình toàn khóa 9,04 được giữ lại trường làm giảng viên.
Trao đổi với PV Dân trí, cô Hằng xúc động khi nói về tình yêu lớn với nghề "gõ đầu trẻ", xuất phát từ lòng yêu quý và kính trọng những thầy cô đã dạy dỗ mình thời phổ thông.
“Tôi vẫn nhớ mãi thầy tôi, vì muốn bớt tiền học cho một người bạn còn khó khăn trong lớp, đã bớt cả tiền học cho tôi để bạn không chạnh lòng. Sự tinh tế và nhân văn của người làm thày đã ảnh hưởng đến cách sống, cách cư xử và cả việc tôi theo nghề dạy học", TS. Hằng kể lại.
Khi giảng dạy tại khoa Ngữ văn, cô Hằng tìm kiếm những bài báo khoa học về văn học Việt Nam đăng trên các tạp chí chuyên ngành nước ngoài và nhận thấy phần lớn những tác phẩm văn học Việt Nam, đặc biệt là thơ hiện đại đều chưa được khai thác, giới thiệu một cách rộng rãi đến với bạn đọc.
Học xong thạc sĩ tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nữ giảng viên xuất sắc nhận Học bổng Nhà nước cho nghiên cứu sinh tại nước ngoài. Hằng chủ động trao đổi với GS. Jon Glover (tại ĐH Leeds và ĐH Bolton) và được giới thiệu tới GS. Michael Schmidt (tại ĐH Glasgow) - những người vừa là nhà nghiên cứu hàng đầu, chủ biên của những tuyển tập thơ thế kỷ XX, được sử dụng như là học liệu cơ bản cho các ngành văn học trên thế giới, vừa đồng thời là những nhà thơ nổi tiếng để chọn trường phù hợp với nguyện vọng nghiên cứu.
Hành trình đến hơn 50 thư viện ở các thành phố của xứ sở sương mù
Đề tài luận án của Hằng là “Nghiên cứu so sánh thơ Việt Nam hiện đại và thơ Phương Tây hiện đại”.
“Để làm được điều đó, tôi muốn trực tiếp thâm nhập vào đời sống học thuật cũng như sáng tác ở các nước Phương Tây và đặc biệt là ở Vương quốc Anh, nơi mà những hiểu biết về Văn học Việt Nam và Thơ Việt Nam đến người nghiên cứu Phương Tây mới chỉ qua một số tác phẩm được dịch trong một vài tổng tập thơ lớn”, nữ giảng viên chia sẻ về lí do muốn quảng bá thơ Việt Nam trên tạp chí văn học Anh.
Ở xứ sở sương mù, nghiên cứu sinh người Việt chăm chỉ đi khám phá gần như hầu hết thư viện của các trường đại học và các thư viện công của mọi thành phố.
Với Hằng, mỗi thư viện là một viện bảo tàng nhỏ với vô vàn đầu sách và những câu chuyện mang tính lịch sử của thành phố hay trường đại học. Cô luôn nghĩ đến quá trình học của mình như một “hành trình các thư viện” khởi nguồn từ Bolton, Manchester đến nhiều miền nước Anh.
Tại đây, cô gái Việt cùng với một vài giảng viên, nghiên cứu sinh khác như TS. Pye, TS. Isherwood và TS. Lowery hợp thành một nhóm sáng tác và trao đổi học thuật về thơ trong suốt hơn 4 năm.
Sau nhiều tâm huyết, miệt mài nghiên cứu, Đinh Minh Hằng đã hiện thực dự định giới thiệu thơ Việt Nam hiện đại trên tạp chí Stand - tạp chí văn học của Anh, và thông qua các hội thảo khoa học ở các trường Đại học. Tờ báo của Đại học Bolton đã đăng tải chân dung TS. Đinh Minh Hằng như một nghiên cứu sinh quốc tế xuất sắc và giàu đam mê tại trường.
Nhận xét về cô gái Việt, GS. Glover – người hướng dẫn của Hằng nhấn mạnh: “Thành quả này là sự ghi nhận xứng đáng tri thức và quá trình làm việc chăm chỉ của bạn Tiến sĩ Đinh Minh Hằng”.
“Nghiên cứu sinh Đinh Minh Hằng đã rất xuất sắc ở buổi bảo vệ Tiến sĩ và xứng đáng với kết quả tốt đẹp này”, GS. Schmidt đánh giá.
“Cánh cửa không bao giờ đóng”
Trở về Việt Nam sau những năm tháng nghiên cứu luận án tiến sĩ ở nước ngoài, cảm xúc của nữ giảng viên trẻ vẫn vẹn nguyên những thân quen và yêu mến như trước ngày đi du học.
Cô Hằng tâm sự: “Sinh viên lớp tôi, cũng là khóa đầu tôi chủ nhiệm, giờ nhiều bạn đã tiếp tục học thạc sĩ và có gia đình. Tôi tin 4 năm không phải là một khoảng thời gian quá dài, nhưng đối với người làm nghề dạy học như chúng tôi, mỗi khóa sinh viên tốt nghiệp, mỗi học phần qua đi đều để lại nhiều dư âm. Tôi thấy mình thật hạnh phúc vì được đứng trên bục giảng, được trao và nhận những niềm vui như thế”.
TS. Đinh Minh Hằng từng có 4 năm liền đạt giải Nhất Hội thi Nghiệp vụ sư phạm, đại diện sinh viên Việt dự hội nghị lãnh đạo sinh viên ASEAN lần thứ II tổ chức ở Philippines, nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, 2 lần nhận bằng khen của TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Hiện nay, ngoài giảng dạy, cô Hằng kiêm thêm vị trí Phó Bí thư đoàn ở trường. Là người làm công tác Đoàn từ thời sinh viên, nữ tiến sĩ luôn mong muốn mang hoạt động Đoàn đến gần hơn với sinh viên để hỗ trợ sinh viên học tập, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cũng như phát triển các kỹ năng khác cần có trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Với những tri thức học thuật, kỹ năng tích lũy được ở nước ngoài, TS. Hằng hứa hẹn sẽ có những đóng góp về nghiên cứu văn học, phương pháp giảng dạy và chương trình học mới tại trường đại học và khối phổ thông. Trong thời gian sắp tới, cô dự định cộng tác với tạp chí Stand để dịch và quảng bá nhiều hơn những sáng tác thơ Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Dịp 20/11, nghĩ về nghề giáo, TS. Đinh Minh Hằng mỉm cười kể cho chúng tôi về một người thầy của cô ở Anh Quốc. Giáo sư David Rudd (Đại học Roehampton, Vương quốc Anh - Giám đốc trung tâm quốc gia nghiên cứu về văn học trẻ em) là một trong những người thầy đầu tiên quan tâm, ủng hộ và ghi nhận luận án của Hằng.
“Ông được trường chúng tôi gọi là "Cánh cửa không bao giờ đóng", vì bất cứ khi nào có mặt tại trường, ông cũng mở rộng cửa phòng làm việc để chào đón bất cứ ai, đồng nghiệp, nghiên cứu sinh, sinh viên đến để trao đổi học thuật cũng như sáng tác. Một tinh thần dạy học tích cực như vậy luôn luôn truyền cảm hứng và nỗ lực nghiên cứu cho tất cả mọi người.
Tới lượt mình, tôi cũng muốn nhân lên những cánh cửa không bao giờ đóng như thế!”, nữ giảng viên trẻ bày tỏ.
Lệ Thu (thực hiện)
Đồ họa: Lê Trường