Nữ Thủ khoa Văn học: Đứng dậy từ "cú ngã" và bài học về sự tự cao

Tuệ Nhi

(Dân trí) - Nguyễn Đức Lam Thảo cho rằng, thông qua văn chương, người ta có thể bộc bạch nỗi lòng, giải tỏa tâm sự. Cô từng trải qua những "cú ngã" để trưởng thành và dần hoàn thiện bản thân.

Nguyễn Đức Lam Thảo (sinh năm 2002, TPHCM) khiến nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ bởi không chỉ sở hữu ngoại hình ưa nhìn mà còn có thành tích học tập tốt. Cô từng giành giải Khuyến khích kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia môn Ngữ văn và giải Nhất kỳ thi Học sinh giỏi môn Ngữ văn cấp Thành phố khi học cấp 3.

Bên cạnh đó, cô cũng xuất sắc đoạt Huy chương Vàng (năm 2018) và Huy chương Bạc (năm 2019) cuộc thi Olympic 30/4.

Nữ Thủ khoa Văn học: Đứng dậy từ cú ngã và bài học về sự tự cao - 1
Thủ khoa khoa Văn học Nguyễn Đức Lam Thảo.

Lam Thảo cũng được nhiều người biết đến khi trở thành thủ khoa đầu vào khoa Văn học với phương thức Ưu tiên xét tuyển của trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) năm 2020.

Lam Thảo chia sẻ rằng cô thích đọc sách từ nhỏ và thói quen này được hình thành, duy trì nhờ mẹ rèn cho. Nhưng để nói nghiêm túc xác định theo đuổi lĩnh vực Văn học thì đến năm lớp 9 Thảo mới quyết tâm cao.

Cô kể: "Người truyền cảm hứng cho em là cô giáo luyện thi Văn cho em trong kì thi Tuyển sinh lớp 10. Cô cũng là "thần tượng" duy nhất của em. Vì là một cựu sinh viên Khoa Văn và hiện đang giảng dạy tại trường nên với em, cô vừa là một người định hướng cho em trong việc theo đuổi đam mê, vừa là một tiền bối thân thiết mà em chia sẻ được tất cả những vấn đề trong cuộc sống".

Nữ Thủ khoa Văn học: Đứng dậy từ cú ngã và bài học về sự tự cao - 2
Một số thành tích Lam Thảo từng đạt được.

Trong quan điểm của thiếu nữ Sài thành, để học tốt bất kỳ môn học nào, người học cũng cần có sự chú tâm và tinh thần cởi mở, chịu khó. Chú tâm để nắm bắt những trọng điểm trong môn học, cởi mở để đón nhận tất cả những kiến thức thay vì có sự bài xích hay định kiến với bài học và chịu khó để kiên nhẫn vượt qua những khó khăn gặp phải.

Trong suốt hành trình theo đuổi "thế giới ngôn ngữ', có câu chuyện năm học lớp 9 khiến Lam Thảo nhớ mãi không quên. Nữ sinh kể lại: "Vì đọc sách từ nhỏ nên em đã từng rất tự tin với vốn từ ngữ, khả năng diễn đạt của mình, suốt thời gian đi học em cũng được các thầy cô dạy Ngữ văn đánh giá cao. Thế nên, em đã quyết tâm thi vào đội tuyển học sinh giỏi năm lớp 9 nhưng em thi rớt ngay từ vòng đội tuyển trường.

Tuy nhiên, em xem kỳ thi đó như một lần "học tài thi phận", "xui rủi nhất thời" và rất bình thản tiếp nhận nó. Em đặt mục tiêu tiếp theo là thi đậu lớp Văn trường Phổ thông Năng khiếu - ĐH Quốc gia. Và em tiếp tục rớt.

Trong kỳ thi tuyển sinh năm đó, thành tích môn Văn của em ở tất cả các bài thi đều rất tệ, may mắn duy nhất là em nằm ở top cuối những bạn đậu vào Chuyên Văn trường Trung học Thực Hành - ĐH Sư phạm TPHCM.

Lúc biết mình không đậu vào ngôi trường mơ ước em đã khóc rất nhiều, em nhận ra bản thân đã quá tự cao trong quá trình ôn tập, em không rèn luyện nhiều, không tập trung; sát ngày thi vẫn đọc tiểu thuyết thay vì ôn tập. Kết quả đó khiến em hiểu rằng mình không có thiên phú cao như mình tưởng, chỉ có chăm chỉ và quyết tâm mới có thể thành công".

Nữ Thủ khoa Văn học: Đứng dậy từ cú ngã và bài học về sự tự cao - 3

Học Văn để thấu hiểu và yêu thương chính mình.

Từ câu chuyện trên, Lam Thảo rút ra được nhiều bài học cho mình, có thêm phương pháp học tập hiệu quả hơn. Cô bắt đầu đọc nhiều sách văn học kinh điển, tự nghiên cứu lý thuyết văn học và tập trung thời gian để viết nhiều hơn. Thảo thay đổi "chiến thuật" học tập với phương châm "cần cù bù thông minh", chăm chỉ và tin tưởng vào năng lực của bản thân.

Trong cách nhìn nhận của nữ sinh, những cô gái học Văn như Thảo thường có điều kiện hơn trong việc bày tỏ cảm xúc. Nhưng cô không đồng tình với ý kiến: "Con gái học Văn sẽ sến sẩm, yếu đuối", bởi: "Dù hiển nhiên ai cũng có đôi lúc yếu lòng, nhưng giàu tình cảm không có nghĩa là yếu đuối, nhút nhát. Với em, con gái học Văn giỏi dùng từ ngữ để thể hiện cảm xúc, nhưng đó không chỉ là cảm xúc mơ hồ hay những nỗi buồn vẩn vơ mà còn bày tỏ được sự quyết liệt, mạnh mẽ khi cần thiết".

Thảo cũng hãnh diện lý giải ý nghĩa tên của mình: "Mọi người thường nghĩ tên em là Cỏ Xanh nhưng mà nó thực chất là Cỏ Lam chiều, không phải màu xanh mát rượi mà là màu xanh ngả thành xám tro vì cỏ bị đốt cháy trong khói lam chiều. Em nghĩ mẹ đặt tên này với hy vọng em sẽ là một ngọn cỏ dù có bị vùi trong đám cháy thì vẫn sẽ mạnh mẽ để đợi ngày hồi sinh. Thay vì hy vọng em một đời suôn sẻ, bình yên thì mẹ muốn em dù có không vui vẻ, không như ý cả đời thì vẫn vững vàng để vượt qua tất cả".

Nữ Thủ khoa Văn học: Đứng dậy từ cú ngã và bài học về sự tự cao - 4
Nụ cười lạc quan xua tan mệt mỏi.

Lam Thảo mến mộ nhà văn Nguyễn Tuân: "Nguyễn Tuân là một người theo đuổi sự độc đáo, em cũng vậy, em muốn mình là một người thật đặc biệt. Em cho phép mình thỏa sức phá vỡ những giới hạn, đó cũng là mục tiêu của em khi theo đuổi văn chương - không bao giờ dừng lại và không bao giờ trói buộc mình trong những giới hạn".

"Hành trình theo đuổi đam mê có thể là hành trình khó khăn nhất nhưng cũng là hành trình đẹp đẽ nhất và dù bạn là ai đi nữa, bạn đều có bên trong mình một sức mạnh không tưởng để hiện thực hóa những ước mơ", Lam Thảo nhắn gửi.

Nữ Thủ khoa Văn học: Đứng dậy từ cú ngã và bài học về sự tự cao - 5
Lam Thảo cũng lập cho mình một trang blog cá nhân để đăng tải các bài viết về những cuốn sách cô đã đọc.
Nữ Thủ khoa Văn học: Đứng dậy từ cú ngã và bài học về sự tự cao - 6
Cô từng tổ chức 1 sự kiện quyên góp sách trên trang blog cá nhân, kết quả thu về gần 1000 đầu sách các loại, được chuyển đến Quảng Ngãi cho các trường học địa phương.
Nữ Thủ khoa Văn học: Đứng dậy từ cú ngã và bài học về sự tự cao - 7
Thảo tự cổ vũ bản thân bằng câu nói: "Chỉ cần vượt qua chuyện này thì mình sẽ là một phiên bản tốt hơn". Cô cũng cố gắng củng cố niềm tin vào bản thân bằng cách rèn luyện, trau dồi mỗi ngày, chinh phục nhiều mục tiêu để mài giũa khả năng.
Nữ Thủ khoa Văn học: Đứng dậy từ cú ngã và bài học về sự tự cao - 8
Thảo xem "áp lực tạo thành động lực" để chinh phục những thử thách khó khăn.
Nữ Thủ khoa Văn học: Đứng dậy từ cú ngã và bài học về sự tự cao - 9
Ngoài thời gian dành cho việc học ở trường, Thảo làm thêm công việc gia sư và biên tập sách.
Nữ Thủ khoa Văn học: Đứng dậy từ cú ngã và bài học về sự tự cao - 10
Thời gian ở nhà vì dịch bệnh, Thảo đọc sách, viết nội dung blog và tiếp tục các công việc làm thêm của mình.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm