Nữ sinh Việt nói chuyện chống lũ trước nội các Nhật
Nữ sinh viên Trần Thị Thục Huyền (SN 1993, sinh viên năm cuối ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM) vừa có cơ hội vinh dự báo cáo dự án chống lũ cho người dân miền Trung trước nội các Nhật Bản.
Ra đời từ chương trình học bổng Sáng kiến lãnh đạo trẻ Đông Nam Á năm 2015, dự án Phao trong lũ (Float in flood) do Trần Thị Thục Huyền và 3 bạn khác thực hiện đã giúp người dân vùng lũ miền Trung nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó trong mùa mưa. Dự án này được Huyền báo cáo trước nội các Nhật Bản trong chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản (SSEAYP) lần thứ 42.
Việc làm ý nghĩa
Nhờ những thành quả học tập xuất sắc, Thục Huyền trở thành một trong bốn bạn trẻ Việt Nam nhận được học bổng từ chương trình Sáng kiến lãnh đạo trẻ Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Suốt thời gian học tập, trải nghiệm cùng 16 bạn trẻ khác đến từ Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Lào, dự án Phao trong lũ được bốn bạn trẻ Việt Nam đề xuất và hoàn thiện dần dưới sự tư vấn, giúp đỡ của các chuyên gia tại Đại học Montana (Mỹ).
Ngay sau khi trở về Việt Nam, nhóm bạn trẻ bắt tay vào triển khai dự án ý nghĩa này tại xã ven biển Bình Nam (huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Từ giữa tháng 8 đến cuối tháng 9 vừa qua, Huyền cùng ba người bạn của mình vừa lo gây quỹ cho dự án, vừa tiến hành khảo sát thực địa, lên kế hoạch tập huấn; đến làm việc với lãnh đạo địa phương.
Đến cuối tháng 9, dự án trao tặng hơn 50 cặp phao cứu sinh cho học sinh, tiến hành tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu dưới sự huấn luyện của các bác sĩ Bệnh viện Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Chợ Rẫy. Nhóm cũng xây dựng vườn nổi tại nhà dân bằng cách làm rau mầm trên giá xốp, khi nước lũ dâng thì “vườn” dâng theo, đảm bảo người dân vẫn có rau để ăn trong những ngày lũ lụt.
Chia sẻ về thành quả đạt được, Huyền cho biết “ Người dân đã quan tâm hơn, có nhiều kiến thức, kỹ năng để có thể chống chọi trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Ông Trần Văn Tốt, Chủ tịch UBND xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, đánh giá: “Từ khi dự án đến với địa phương, hầu hết các hộ dân ở vùng bãi ngang ven biển chúng tôi đều ý thức rất cao với công tác phòng chống thiên tai. Người dân và học sinh được nâng cao mức độ an toàn trước những nguy cơ biến đổi khí hậu”.
Trưởng thành sau những chuyến đi
Am tường trong nhiều lĩnh vực, Trần Thị Thục Huyền thể hiện được tố chất năng động, đóng vai trò thủ lĩnh trẻ khi tham gia nhiều những hoạt động mang tầm quốc gia và khu vực.
Khi còn là sinh viên của khoa Quan hệ quốc tế, Huyền đã nắm giữ một số thành tích đáng nể, như: giải nhất cuộc thi Hùng biện tiếng Anh do Đại sứ quán Anh tổ chức vào năm 2013; giải thưởng Tài năng trẻ (trong lĩnh vực toán học) của Thành Đoàn TPHCM; tham gia kỳ thực tập dài ngày tại Phòng văn hóa – thông tin (Trung tâm Hoa Kỳ) của Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ và nhận nhiều giải thưởng khác trong học thuật, nghiên cứu khoa học.
“Em thấy mình trưởng thành hơn, học hỏi được nhiều điều qua SSEAYP. Điều lớn nhất là biết tôn trọng người khác, tiết chế bản thân hơn. SSEAYP còn giúp quảng bá hình ảnh, văn hóa truyền thống của nước ta đến với bạn bè thế giới và giúp em trải nghiệm nhiều điểm đến thú vị, gặp gỡ những người bạn mới”, Huyền bày tỏ.
Theo Ngô Tùng
Tiền phong