Nữ sinh Việt tại Canada thạo 5 loại nhạc cụ và đam mê từ thiện
(Dân trí) - Ngô Thanh Tú có 7 năm chơi đàn Tranh, chơi đàn T’rưng như một nghệ sĩ thực thụ và thông thạo các loại nhạc cụ phổ biến như piano, guitar, violin.
Một số thành tích của Ngô Thanh Tú:
- George Brown College leadership certificate - Canada
- Đỗ tốt nghiệp THPT loại Giỏi trường THPT Trần Phú
- 8 học kì liên tiếp nhận học bổng loại Giỏi tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội
- Tham dự cuộc thi Học sinh giỏi quận Hai Bà Trưng bộ môn Địa Lý 2013
- Vượt qua vòng phỏng vấn Lịch sử thế giới được nhận vào khoa Quan hệ Quốc tế tại trường University of Wasaw – Ba Lan
- Tham gia dự án kết hợp các loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam với nhạc Âu – Mĩ và nhạc hiện đại
- Dự án kết hợp nhạc dân gian Việt Nam với nhạc điện tử EDM (Electronic Dance Music )
- Chơi thông thạo 5 loại đàn: đàn Tranh, T’rưng, guitar, piano, violin.
- Lọt vào top 20 chung kết Miss Du học sinh Việt 2015
Chơi giỏi 5 loại nhạc cụ
“Khi mới sang Canada em rất nhút nhát so với các bạn sinh viên quốc tế khác, nhưng từ khi tham gia vào công tác leadership tại trường, em đã trở nên mạnh dạn và tự tin hơn”, nữ du học sinh Việt tại Canada – Ngô Thanh Tú chia sẻ.
Trước khi sang Canada du học cách đây 1 năm, Thanh Tú (sinh năm 1996) đã có nhiều năm trưởng thành trong môi trường nghệ thuật âm nhạc. Cô từng theo học trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, chuyên ngành nhạc dân tộc.
“Hai loại nhạc cụ mà em chơi thành thạo nhất là đàn Tranh và đàn T’rưng. Em đã gắn bó với cây đàn Tranh 7 năm rồi. Còn những loại đàn như violin, guitar hay piano là những loại nhạc cụ tay trái của em thôi.
Thực ra, dù là nhạc cụ phương Tây hay phương Đông thì đều có những quy tắc khá giống nhau cho nên nếu nắm vững kiến thức lý thuyết âm nhạc thì việc học từ nhạc cụ này sang nhạc cụ khác không phải là điều khó. Tuy nhiên cái khó ở đây là mình phải dành rất nhiều thời gian để tập luyện chúng”.
Hoạt động thiện nguyện bằng âm nhạc
Nhờ khả năng chơi đàn Tranh, Thanh Tú được mời vào một CLB nghệ sĩ trẻ tại Hà Nội. Ở đây cô bạn gặp gỡ rất nhiều các anh chị có năng khiếu về âm nhạc và giàu lòng nhân ái. CLB âm nhạc này tham gia hội Cơm Nhân Ái - một hội từ thiện phát cơm và đồ ăn miễn phí cho những bệnh nhân ở bệnh viện K vào thứ 5 năm hàng tuần.
Khi qua Canada sống, Tú tiếp tục tham gia một số tổ chức từ thiện và làm tình nguyện viên cho quỹ từ thiện giúp phẫu thuật cho các em nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh tại Việt Nam.
Hiện nay ở Canada, Tú đang học ngoại ngữ và tín chỉ kinh tế tại trường George Brown College. Ước mơ của cô bạn là mở một trường học tại Việt Nam cho các em nhỏ nơi mà cả trẻ em trong những gia đình có điều kiện và khó khăn đều có môi trường học tập như nhau.
Trong tương lai gần, Thanh Tú muốn có thêm nhiều dự án âm nhạc và tiếp tục tham gia các dự án thiện nguyện. Nếu có điều kiện Tú muốn tới nhiều quốc gia khác nhau, phối hợp cùng các du học sinh Việt trên khắp thế giới để giới thiệu về các loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam, chơi nhạc và gây quỹ. Sau đó, cô sẽ cùng các bạn về Việt Nam giúp các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
Học hỏi trong trường văn hóa đa sắc tộc
Tú cho rằng thói quen sinh hoạt của người Việt và người phương Tây rất khác biệt. “Khi mới sang Canada em ở cùng (homestay) một gia đình người Mexico. Ở các nước Nam Mỹ khi chào hỏi giữa hai người khác giới họ thường chạm má hoặc hôn má. Gia đình homestay của e có hai cậu con trai, e đã rất bất ngờ khi ngày đầu tiên đi học về họ đã chạy ra mở cửa và hôn vào má mình. Lúc đó em cảm thấy vừa ngại ngùng vừa ngạc nhiên. Còn phản ứng của em khiến họ buồn cười”.
Cùng câu chuyện hôn và chào hỏi này, Tú còn có thêm nhiều trải nghiệm. “Một cậu bạn người Ukraine cho em biết khi gặp mặt họ thường hôn 3 lần vào má trái, má phải rồi lại má trái để thể hiện sự thân thiện.
Người bạn khác đến từ Thụy Sĩ nói rằng dân tộc này thường chào hỏi lịch sự bằng cách bắt tay chứ không hôn. Các bạn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Bangladesh hay những nước Trung Đông cũng dạy cho em cách chào hỏi khác nhau”.
Sống trong một môi trường đa dạng văn hóa, Tú học được rất nhiều về phong tục tập quán, chữ viết, ngôn ngữ, món ăn của các dân tộc trên thế giới. Chẳng hạn như: chữ viết của các bạn từ Trung Đông bắt đầu từ bên phải sang bên trái, ở Nhật Bản mọi người cho rằng việc nói chuyện điện thoại di động to khi đang đi tàu điện ngầm hoặc xe bus là bất lịch sự, ở phương Tây nắm chắc tay người khác khi bắt tay là rất quan trọng trong khi ở phương Đông mọi người không coi trọng điều đó… và còn rất nhiều điều thú vị khác nữa.
Về sở thích cá nhân, Thanh Tú rất yêu tà áo dài vì cô bạn cho rằng mình mặc áo dài là đẹp nhất. Ngoài ra, cô bạn còn thấy rằng khi một người phụ nữ Việt khoác lên mình trang phục áo dài là thể hiện niềm tự hào dân tộc.
“Có lẽ là do ảnh hưởng và cách giáo dục của gia đình nên em khá thiên về văn hóa truyền thống. Nhưng em nghĩ điều này là một lợi thế chứ không phải là trở ngại khi ra một môi trường đa văn hóa vì nó làm mình có những đặc điểm riêng không thể trộn lẫn.
Đối với sinh viên từ các quốc gia khác, giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam mang nét đẹp khá lạ và thu hút. Sau gần 1 năm sống tại môi trường văn hóa phương Tây, em thấy văn hóa phương Tây rất văn minh và có nhiều khía cạnh đáng học hỏi cho nên nếu học hỏi được những điểm tốt của văn hóa phương Tây mà vẫn giữ được những giá trị truyền thống thì là điều rất tốt”.
Mai Châm
Ảnh: NVCC