Nữ sinh Việt lọt 0,03% người đạt điểm SAT 1 tuyệt đối toàn thế giới 2017

(Dân trí) - Ngô Hà Kiều Phương (lớp 12 Anh2 THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam) đang là cái tên được nhiều ngưỡng mộ vì đạt điểm SAT 1 tối đa (2400/2400). Cô gái xinh xắn hé lộ, bí quyết đầu tiên để tự học mà vẫn có kết quả mỹ mãn của em là ăn no, ngủ đủ vì “có thực mới vực được đạo”.

Đầu tháng 4 vừa qua, Kiều Phương nhận kết quả kỳ thi chuẩn hóa SAT 1, em xuất sắc đạt tuyệt đối 2400/2400 điểm (superscore cho 2 lần thi). Theo đơn vị tổ chức cuộc thi College Board, trong khoảng 1,7 triệu thí sinh thế giới dự thi SAT 1 mỗi năm, chỉ 0,03% đạt điểm tối đa.

SAT 1 được đánh giá là kỳ thi “khó nhằn”, có khả năng phân loại cao; phạm vi câu hỏi trải dài từ văn học, xã hội học cho tới các môn khoa học tự nhiên, do đó thường gây nhiều khó khăn cho cả học sinh bản địa lẫn du học sinh quốc tế.

Bài thi SAT 2 kiểm tra trình độ học sinh trong mỗi lĩnh vực cụ thể, Kiều Phương cũng đạt điểm tuyệt đối 800/800 môn Toán, 770/800 môn Lịch sử nước Mỹ.


Ngô Hà Kiều Phương lọt số cực ít người thế giới đạt điểm SAT 1 tuyệt đối.

Ngô Hà Kiều Phương lọt số cực ít người thế giới đạt điểm SAT 1 tuyệt đối.

Với những điểm số chuẩn hóa ấn tượng, Phương tự tin tiến thẳng ĐH Vanderbilt (top 15 trường ĐH tốt nhất nước Mỹ) với suất học bổng trị giá 4,5 tỷ đồng. Nhiều thầy cô và bạn bè tỏ ra nuối tiếc với việc nộp đơn vào ĐH Vanderbilt của Kiều Phương vì tin với khả năng của mình, Phương có thể đỗ vào những trường Ivy League hoặc top cao hơn. Tuy nhiên, nữ sinh 9X cho biết, em vẫn sẽ nộp đơn lựa chọn sớm vào trường này nếu được chọn lại.

“Mỗi khi hoàn thành mục tiêu sẽ đi ăn cái gì đó ngon ngon”

PV: Không chỉ vượt qua kỳ thi sát hạch chuẩn quốc tế dễ dàng mà còn trở thành một trong số cực ít người trên toàn thế giới đạt điểm SAT 1 tuyệt đối, Kiều Phương có thể hé lộ “chiến thuật” giúp em đạt kết quả tuyệt vời?

Kiều Phương: SAT 1 gồm 3 phần là đọc, toán, viết, và một bài luận ngắn. Ngoài việc luyện riêng từng kỹ năng, em tự luyện cho mình kỹ năng làm bài thi. Bài thi (format cũ) kéo dài gần 4 tiếng, nên với em điều quan trọng nhất là trước đó phải ăn no, ngủ đủ vì có thực mới vực được đạo.

Lúc làm bài, em làm đâu chắc đấy nhưng những câu nào suy nghĩ hơn 30s mà không chắc chắn được em thường khoanh lại, lúc cuối còn thời gian thì làm tiếp.

Chắc hẳn em đã lên một kế hoạch tự học khoa học để không bị lạc lối trong khối kiến thức ôn luyện khá khổng lồ?

Về kế hoạch học, thực ra mỗi người mỗi khác, cá nhân em chia nhỏ các mục tiêu và tự đặt cho mình các phần thưởng nhỏ khi đạt được mục tiêu nào đó, chẳng hạn như với việc học từ, em chia nhỏ số từ cần học ra để học khoảng 200 từ một tuần, và nếu hoàn thành thì sẽ đi ăn cái gì đó ngon ngon (cười)

Em không làm quá nhiều đề mà chỉ làm khi thấy sẵn sàng. Làm xong thì soát kĩ lại các lỗi sai, và tìm nguyên nhân cho từng lỗi (là do mình ẩu, là kĩ năng chưa tốt hay là phần kiến thức chưa học), sau đó luyện kỹ phần còn yếu đó.

Phần Đọc hiểu được đánh giá là khó nhất. Em đọc những tác phẩm văn học cổ điển như The Great Gatsby, Persuasion và các báo như New York Times, The Atlantics,… để quen với cảm giác đọc các bài học thuật dài, phức tạp đồng thời hình thành kỹ năng đọc lướt lấy được ý chính, bố cục.


Nữ sinh Ams sáng lập dự án giáo dục giới tính, chống xâm hại tình cho trẻ em nghèo.

Nữ sinh Ams sáng lập dự án giáo dục giới tính, chống xâm hại tình cho trẻ em nghèo.

Rất nhiều bạn trẻ ước mơ học Mỹ muốn biết các tài liệu/ kênh/ website mà Kiều Phương ôn luyện SAT, em có thể chia sẻ?

Em thường vào Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm khi apply du học mỹ, thi chuẩn hóa của các bạn học sinh Mỹ và quốc tế: http://www.collegeconfidential.com/

Trang web luyện thi SAT miễn phí: https://www.khanacademy.org/test-prep/sat

Trang web đề thi SAT miễn phí: http://www.cracksat.net/

Ứng dụng học: Quizlet (có thể download về điện thoại hoặc dùng online trên máy tính, ứng dụng các thẻ từ flashcard dùng cho việc học từ) https://quizlet.com/

Viết luận về “cái mác” xã hội gắn cho con người hiện đại

Kiều Phương đã chọn nộp đơn đợt lựa chọn sớm ED (duy nhất, nếu trúng tuyển phải học) vào ĐH Vanderbilt (top 15 trường tốt nhất nước Mỹ). Có lý do gì đặc biệt khiến em yêu thích ngôi trường này thay vì các trường nổi tiếng hơn?

Lý do chính em chọn trường có lẽ là bởi đây là trường duy nhất ở nước Mỹ có ngành Human and Organizational Development. Ngành nghiên cứu về cách quản lý các dự án, tổ chức, cách lãnh đạo và tạo hiệu quả làm việc nhóm cao, hoạch định chiến lược và phân tích những giải pháp cho các vấn đề xã hội.

Em nghĩ ngành sẽ không chỉ giúp em phát triển hơn các dự án cộng đồng em đang đảm nhận, mà còn dạy những kỹ năng mềm rất dễ áp dụng trong cuộc sống hàng ngày và công việc tương lai.

Được biết, em đã sáng lập nhiều dự án vì cộng đồng, đối tượng chính hướng đến là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đâu là dự án em tâm đắc nhất?

Em tâm đắc nhất dự án SEFY Vietnam (Sex Education For You), ra đời vào năm ngoái. Với sự bảo trợ và cố vấn chuyên môn từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chúng em đã tổ chức được các khóa học ngắn về giáo dục giới tính, chống xâm hại tình dục dành cho trẻ em nghèo, cơ nhỡ ở 4 tỉnh Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Tĩnh và Nghệ An.

Em không thể nào quên kỷ niệm lúc lên trường Bàn Đạt, huyện Phú Bình ở Thái Nguyên để chạy dự án. Đó là lần đầu tiên em ngã xe máy ở giữa đồng, cả người dính bùn, lần đầu tiên em trải nghiệm nhà tắm không mái không tường mà chỉ là các cây chuối, dây phơi quần áo dựng lại với nhau. Là lần em và các bạn dậy từ 4,5 giờ sáng để kịp dựng lại bài giảng cho phù hợp, trưa chỉ ăn tạm bánh mỳ, hay mỳ tôm sống thế mà chiều vẫn có sức rủ nhau đi ngắm đồi chè… là lần vui nhất, mệt nhất, đáng nhớ nhất.


Cô gái 18 tuổi đặc biệt tâm huyết với đối tượng trẻ em kém may mắn.

Cô gái 18 tuổi đặc biệt tâm huyết với đối tượng trẻ em kém may mắn.

Bài luận thuyết phục trường ngôi trường yêu thích giúp em giành học bổng toàn phần 4,6 tỷ đồng đề cập đến điều gì?

Trong bài luận gửi đến trường, qua câu chuyện bản thân, em nói về những nhân tố tiềm tàng trong mỗi con người nhưng bị mờ đi vì những cái mác xã hội gắn cho, khiến họ tự thu mình lại trong chính cái mác ấy. Cái mác khiến họ quên rằng mình cũng có tiếng nói riêng, suy nghĩ riêng đặc biệt - đáng quý không kém một ai… Và lý giải tại sao điều đó thôi thúc em làm các dự án, hoạt động em đang triển khai.

Bài luận như một cách để em kết nối các sự kiện cuộc đời mình với nhau, hiểu mình hơn.

Chinh phục được ước mơ du học Mỹ và ngôi trường ĐH phù hợp rồi, Kiều Phương ấp ủ điều gì trong tương lai?

Em không chắc bản thân sẽ thay đổi thế nào trong 4 năm tới. Ở hiện tại, em muốn sau này có thể làm gì đó, có thể là mở một doanh nghiệp xã hội, hay một chương trình giúp trẻ em, nhất là những em có hoàn cảnh kém may mắn, có thể thoải mái khám phá, thể hiện mình, có cơ hội để phát triển và đóng góp lại cho xã hội.

Cảm ơn Kiều Phương và chúc em vươn xa!


9X xinh xắn sẽ viết tiếp đam mê hoạt động xã hội với suất học bổng đến Mỹ.

9X xinh xắn sẽ viết tiếp đam mê hoạt động xã hội với suất học bổng đến Mỹ.

Thành tích của Ngô Hà Kiều Phương

Sinh ngày: 9/11/1999

Học sinh lớp 12 Anh2- THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam

Giải nhất kỳ thi Olympic tiếng anh quận Ba Đình (năm học 2012 )

Giải nhì kỳ thi Olympic toán quận Ba Đình (2013)

Giải nhì kỳ thi Olympic tiếng Anh quận Ba Đình (2013)

Giải nhì kỳ thi HSG thành phố môn tiếng Anh (năm học 2016-2017).

Sáng lập viên và trưởng dự án SEFY Vietnam

Sáng lập viên và trưởng mùa 1 dự án Scribbles

Sáng lập viên và trưởng dự án Corazon

Phó ban truyền thông chương trình nhạc kịch English Performance 2016

Thành viên ban truyền thông Water Wise Vietnam

Tình nguyện viên dự án SEALNET 2016 tại Phnom Penh, Campuchia

Đại diện tham dự hội thảo SEAM (Southeast Asian Movement conference) tại đại học Yale-NUS, Singapore

Đại biểu HMUN 2015

Đại biểu VNMUN 2015

Trưởng ban truyền thông dự án Advocate for Education Equity

Lệ Thu

Ảnh: NVCC