4 nữ sinh Việt giành học bổng tiền tỷ vào ĐH danh tiếng Mỹ 2017

(Dân trí) - Học giỏi, tài năng, nỗ lực không mệt mỏi và khát khao vươn đến chân trời tri thức rộng mở, Hoài Anh, Tôn Nữ, Hương Thảo và Linh Đan có những câu chuyện đặc biệt về con đường đến những ngôi trường bậc nhất nước Mỹ.

“Cô gái vàng” của Vật lý Việt Nam đến MIT viết tiếp đam mê khoa học


Đinh Thị Hương Thảo (giữa) giành học bổng 6,5 tỷ từ ĐH MIT.

Đinh Thị Hương Thảo (giữa) giành học bổng 6,5 tỷ từ ĐH MIT.

Sinh năm 1998, Đinh Thị Hương Thảo – người từng đạt 2 huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế cho Việt Nam xuất sắc giành học bổng trị giá 6,5 tỷ đồng của Viện Công nghệ danh giá nhất thế giới Massachusetts Institute of Technology University (MIT) tại Hoa Kỳ.

Con đường đến với học bổng từ Viện công nghệ hàng đầu thế giới tại Mỹ của cô gái Nam Định có nhiều dấu ấn. Không chỉ là bộ hồ sơ với rất nhiều thành tích học tập xuất sắc, điểm chuẩn hóa cao, Thảo chinh phục hội đồng tuyển sinh bằng bài luận “nữ nhi với khoa học”. Được biết, bài luận của Hương Thảo có nội dung ngắn gọn (1 trong 5 bài luận theo yêu cầu của trường, chỉ giới hạn từ 100 đến 250 từ).

Rất đam mê các ngành khoa học kỹ thuật, đặc biệt là ngành khoa học vật liệu, Thảo thể hiện quyết tâm minh chứng rằng, con gái học tự nhiên giỏi không kém gì con trai, thậm chí sẽ thành công nếu thật sự đam mê và theo đuổi đến cùng.

Trong bài luận có đoạn Thảo viết: “Ở Việt Nam nói riêng và một số nước châu Á nói chung, vẫn còn phân biệt rằng nữ giới không phù hợp để học các môn tự nhiên. Thế nhưng, nếu có đam mê cá nhân, chắn chắn không nên phân biệt nam hay nữ học tự nhiên hay xã hội.

Với suy nghĩ ấy, tôi đã và đang cố gắng theo đuổi đam mê của bản thân. Tôi cũng mong muốn câu chuyện này sẽ truyền cảm hứng cho nhiều bạn nữ khác đang phân vân giữa đam mê bản thân và chạy theo suy nghĩ của người khác”.

Cô gái miền sơn cước đầu tiên vào Stanford


Nữ sinh Lào Cai Nguyễn Lê Hoài Anh giành học bổng toàn phần 6,5 tỷ đồng từ ĐH Stanford.

Nữ sinh Lào Cai Nguyễn Lê Hoài Anh giành học bổng toàn phần 6,5 tỷ đồng từ ĐH Stanford.

Nguyễn Lê Hoài Anh là nữ sinh Lào Cai vượt qua nhiều đối thủ, giành được học bổng "khó nhằn" từ ngôi trường danh tiếng có tỷ lệ chấp nhận thí sinh thuộc hàng thấp nhất nước Mỹ - ĐH Stanford.

Đến Stanford là giấc mơ Hoài Anh từng nghĩ “viển vông nhất” của mình. Lên kế hoạch cụ thể và cố gắng không mệt mỏi, cô gái Việt đã chinh phục ngôi trường danh giá này bằng nghị lực mạnh mẽ, trái tim khát khao nồng cháy và một cá tính chân thực. Em được ĐH Stanford cấp học bổng toàn phần trị giá 6,5 tỷ đồng.

Không biết một trung tâm tư vấn du học Mỹ nào ở tỉnh, không được tiếp xúc nhiều với các anh chị du học thành công, Hoài Anh bắt đầu bằng việc tự tìm hướng đi trên Internet. Không quản đường xa, nữ sinh Lào Cai tranh thủ cơ hội xuống Hà Nội tham gia các hội thảo để học hỏi kinh nghiệm, dự thi chuẩn hóa.

Hoài Anh từng đạt rất nhiều thành tích nổi trội như: Là một trong 5 đại diện của Việt Nam tham dự chương trình Thủ lĩnh Thanh niên Đông Nam Á (SEAYLP) tại Mỹ, huy chương vàng Olympic tiếng Anh qua internet cấp Quốc gia năm lớp 11, huy chương bạc thi Tài năng tiếng Anh cấp quốc gia, giải khuyến khích thi học sinh giỏi Quốc gia môn tiếng Anh năm 2016, giải nhì học sinh giỏi Quốc gia năm 2017…

Bằng sự năng động và quan tâm đến cộng đồng, Hoài Anh là người sáng lập Warmth – Dự án cung cấp áo ấm cho trẻ em vùng cao, Hand in Hand project – Dự án phát triền túi giấy bảo vệ môi trường và Model United Nations – Mô hình Mô phỏng Liên Hợp Quốc tại trường THPT Chuyên Lào Cai.

Vì sao Nguyễn Đình Tôn Nữ vào Harvard?


Cô gái trường Ams tài năng Nguyễn Đình Tôn Nữ giành học bổng 7 tỷ của ĐH Harvard.

Cô gái trường Ams tài năng Nguyễn Đình Tôn Nữ giành học bổng 7 tỷ của ĐH Harvard.

Nguyễn Đình Tôn Nữ, cô nữ sinh có cái tên khá ấn tượng của trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam vượt qua hơn 39.500 ứng viên thế giới để trở thành sinh viên ngôi trường danh giá nhất thế giới - ĐH Harvard.

Em được trường cấp học bổng toàn phần 78.000 USD/năm, tổng giá trị học bổng lên đến hơn 7 tỷ đồng. Nhưng ít ai biết Nguyễn Đình Tôn Nữ không hề theo học chính thức ở một trung tâm du học nào, mà thường xuyên mượn sách cũ tự học.

Thành tích học tập và ngoại khóa của Tôn Nữ rất ấn tượng như: Giải nhất học sinh giỏi môn tiếng Anh cấp thành phố năm 2016, giải nhất Quốc gia học sinh giỏi tiếng Anh 2017, Trưởng ban PR “Ngày hội Anh tài” năm 2016, Chủ tịch câu lạc bộ Ams Media, Chủ tịch Debate Club, Founder dự án “Cộng hưởng”, thành viên nhóm Onion Cellar; tham gia Parliamentary Debate World Congress tại Nhật năm 2016 và 2017, tham gia Trường Teen của VTV7...

Tuy nhiên, điểm đặc biệt giúp em vào ĐH Harvard có lẽ là bài luận “Vì sao tôi tên Nguyễn Đình Tôn Nữ?”. “Em viết với một văn phong không cầu kỳ, cố gắng đơn giản nhất có thể. Nó chỉ là những mảnh ghép về các cuộc nói chuyện của em với bố về lý do bố đặt tên cho em, là ý nghĩa từ Hán Việt từng chữ trong cái tên...

Từ những mảnh ghép nhỏ đó, em muốn gửi thông điệp qua bài luận là đời sống văn hóa của mỗi người Việt Nam nói riêng hay người phương Đông nói chung được thể hiện từ những điều nhỏ nhất, có thể bắt đầu chỉ là những cái tên”, Tôn Nữ cho hay.

Cô nàng “mọt sách chính hiệu” vào ĐH thuộc nhóm Ivy League


Lê Linh Đan giành học bổng 6,3 tỷ đồng của ĐH Columbia.

Lê Linh Đan giành học bổng 6,3 tỷ đồng của ĐH Columbia.

Lê Linh Đan tự nhận mình là một “mọt sách chính hiệu”. Nữ sinh Việt xuất sắc giành học bổng trị giá 6,3 tỷ đồng cho 4 năm từ ĐH Columbia – ngôi trường xếp top 5 Đại học quốc gia Mỹ và nằm trong nhóm trường “xuất chúng” nhất nước Mỹ Ivy League. Điểm đặc biệt giúp em chinh phục trường chính là nhờ niềm đam mê bất tận với sách, đặc biệt là sách Triết học.

Năm lớp 10, Linh Đan giành học bổng du học một năm tại Mỹ, em tiếp tục phát triển đam mê đọc sách với các bạn quốc tế. Khi về Việt Nam, Linh Đan muốn truyền đam mê cho các bạn học sinh ở địa bàn Hà Nội vì vậy nữ sinh 9X đã mở một CLB sách Triết học để cùng các bạn đọc, thảo luận.

Năm lớp 11, Linh Đan còn tham gia dịch một cuốn sách của một thầy giáo nước ngoài nhưng những nhà xuất bản em tìm đến đều từ chối với lí do cuốn sách khó lòng “ăn khách” ở Việt Nam. Không bỏ cuộc, Linh Đan viết thư gửi chính tác giả cuốn sách là một giáo sư triết nổi tiếng của đại học Princeton để chia sẻ niềm đam mê triết học của mình và những khó khăn em gặp phải trong quá trình dịch sách. Và điều kì diệu đã đến!

Vị giáo sư phản hồi cảm ơn những nỗ lực nhóm dịch sách đã bỏ ra và giúp em liên lạc với những trợ lý khác của ông để tìm nhà xuất bản. “Đó là một trong những giây phút đáng nhớ nhất mình trải qua trong quá trình làm hồ sơ bởi em chưa từng tưởng tượng sẽ có dịp mình được liên lạc trực tiếp với một trong những vị giáo sư triết học nổi tiếng nhất thế giới”, Linh Đan chia sẻ.

Lệ Thu