Nữ sinh viên đuổi thẳng bạn cùng nhóm vì… mê ngủ

PV

(Dân trí) - M.T. báo cáo với giảng viên rồi đuổi thẳng bạn cùng nhóm khi người này lên lớp toàn ngủ, không chịu làm các công việc được phân công.

Bi hài làm việc nhóm của sinh viên

"Còng lưng" chuẩn bị nội dung bài luận rồi chỉnh sửa slide (trang trình chiếu) cho cả nhóm trong môn Kinh tế Vi mô, khiến M.T, sinh viên năm 3, Học viện Hàng không TPHCM, khá bức xúc.

cho biết, nhóm có 6 người nhưng 4 người không chịu làm việc. Mỗi khi nhóm được giao bài luận, bài thi giữa kỳ, 4 người trong nhóm chỉ ngó qua rồi… ngủ.

"Tôi thấy làm việc như vậy thì thà đừng làm nên đã thông báo đến giảng viên, thống nhất với mọi người rồi cho 2 trường hợp nghiêm trọng nhất ra khỏi nhóm", T. nói.

Nữ sinh viên đuổi thẳng bạn cùng nhóm vì… mê ngủ - 1

Nhiều sinh viên gặp cảnh "dở khóc dở cười" khi làm việc nhóm (Ảnh: Huyền Trân).

Còn B.T., sinh viên năm 2, trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM kể lại, khi giảng viên giao bài lấy điểm cộng, mỗi nhóm phải chuẩn bị 1 vở kịch hoặc câu chuyện diễn theo chủ đề bài học thì có người không tham gia với lý do bận và không có máy tính cá nhân (laptop).

"Nhóm cũng cố thông cảm nên sau đó người này xung phong dẫn chuyện và nhóm thống nhất không cầm giấy đọc. Bạn đồng ý nhưng đến cuối lại xin cầm giấy vì không nhớ nổi. Nhóm phải chấp nhận vì đã tới giờ biểu diễn", B.T. nói.

Giải quyết trong nội bộ và nhắc nhở riêng tư là cách Thục Trinh, sinh viên trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM giải quyết khi gặp những trường hợp bất hợp tác, trễ deadline (hạn chót), làm bài hời hợt...

Tuy nhiên, theo Trinh, đó là động thái nhẹ nhất để giữ "mặt mũi" cho bạn trong nhóm, nếu còn tiếp diễn sẽ nhắc nhở trực tiếp trong nhóm chat chung, không sửa đổi sẽ mời ra khỏi nhóm.

Làm nhóm trưởng từ năm 1 đến năm 3, T.V., sinh viên trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng có kinh nghiệm xử lý khi thành viên không làm bài, không xem tin nhắn nhóm để cập nhật thông tin, không chịu lắng nghe góp ý.

"Nếu không làm bài, không xem thông tin nhóm thì tôi gửi email báo cáo với giảng viên, tách nhóm để tránh ảnh hưởng. Thành viên bảo thủ thì tôi quyết định theo ý kiến của số đông", T.V. nói.

Nhóm trưởng "mất tích" là trải nghiệm khó quên của Y.N., sinh viên Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM. Trước ngày nộp bài thì sinh viên này không thể liên lạc với nhóm trưởng.

"Tôi cố liên lạc nhưng bạn không trả lời và chỉnh sửa bài theo ý riêng. Sau đó, tôi phải tự sửa toàn bộ vì bài rất khó theo dõi. Dù rất muốn bóc phốt bạn lên mạng xã hội nhưng khi suy nghĩ kỹ lại tôi đã bỏ qua", Y.N. nói.

Theo Y.N., kéo nhau lên mạng xã hội không chỉ ảnh hưởng tới bản thân mà còn hạ thấp danh dự người khác. Sinh viên nên giải quyết trực tiếp hoặc báo cáo với giảng viên nếu ảnh hưởng đến lợi ích, điểm số môn học.

"Làm việc nhóm khá phiền phức"

Nữ sinh viên đuổi thẳng bạn cùng nhóm vì… mê ngủ - 2

Làm việc nhóm giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng giao tiếp, hợp tác, tranh luận (Ảnh: Huyền Trân).

Trả lời về vấn đề này, ThS. Võ Tuấn Vũ, giảng viên khoa Ngôn ngữ học, trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM chia sẻ, câu chuyện bất đồng quan điểm, cãi nhau, đòi đổi nhóm… là những việc giảng viên gặp mỗi năm, mỗi học kỳ khi đứng lớp.

Theo ThS. Vũ, hầu hết sinh viên đều nghĩ rằng việc làm nhóm khá phiền phức. Tuy nhiên, giảng viên luôn tạo điều kiện để các bạn làm nhóm vì khi làm việc độc lập, sinh viên sẽ chủ quan, không được góp ý, tranh luận, không học được cách dung hòa các ý kiến.

"Vẫn có hàng trăm sinh viên hoàn thành bài nhóm rất tốt và công bằng. Điều đó cho thấy làm nhóm giúp sinh viên học được cách dung hòa, lắng nghe và tôn trọng, biết cách thể hiện luận điểm, ý kiến cá nhân", ThS. Vũ nhận định.

Để khắc phục tình trạng này, theo ThS. Vũ, thông thường giảng viên sẽ yêu cầu sinh viên đính kèm bảng phân công, mô tả chi tiết nhiệm vụ của các thành viên và trưởng nhóm phải đánh giá mức độ hoàn thành công việc của từng người trong nhóm.

"Giảng viên có thể cho các thành viên chấm điểm chéo, chia điểm thành phần, quy định số lượng thành viên trong nhóm hợp lý. Bởi nếu số lượng quá đông, nhiều sinh viên làm cùng một nhiệm vụ sẽ dẫn đến tình trạng đùn đẩy, bỏ việc, chủ quan", ThS chia sẻ.

Về việc sinh viên kéo nhau lên confession (diễn đàn ẩn danh) bày tỏ bức xúc, ThS cho hay, điều này không mang lại ích lợi vì giảng viên không thể tự ý thay đổi điểm hoặc yêu cầu nhóm phải giải trình nếu không có ý kiến cụ thể nào.

ThS. Vũ cho rằng, nếu sinh viên cảm thấy bất công thì nên báo cáo trực tiếp với giảng viên, có thể nói riêng hoặc nói trước lớp tùy vào tình huống.

"Hãy trình bày vào thời điểm thích hợp như lúc đánh giá tập thể, trước khi giảng viên chốt điểm và nộp về bộ phận khảo thí. Sinh viên khi làm nhóm nên có kế hoạch rõ ràng, quy định cơ bản trong nhóm, thẳng thắn trao đổi và thống nhất nếu các thành viên không làm đúng sẽ bị trừ điểm, xử lý ra sao", ThS. Vũ đúc kết.

Kỷ Hương