Đắk Lắk:

Nữ sinh trường nghề đưa gia đình thoát nghèo nhờ nuôi dê sạch

Thúy Diễm

(Dân trí) - Trước cảnh bố mẹ trồng hồ tiêu bị thất thu, lỗ nặng khi tiêu chết đồng loạt, nữ sinh Linh Huệ đã vận động bố mẹ chuyển sang chăn nuôi dê sạch giúp cải thiện đáng kể kinh tế gia đình.

Nữ sinh mạnh dạn chuyển mô hình kinh tế cho gia đình

Mới đây dự án "Xây dựng mô hình nuôi dê sạch" của sinh viên trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên xuất sắc lọt vào Vòng chung kết Cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp" - Startup Kite 2021 do Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tổ chức.

Dự án này của nữ sinh Lương Thị Linh Huệ (19 tuổi, trưởng nhóm) và Nguyễn Đăng Vũ (19 tuổi) cùng là sinh viên năm 2 Khoa Nông lâm thực phẩm, ngành thú y - trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên đã đạt giải Khuyến khích của cuộc thi.

Nữ sinh trường nghề đưa gia đình thoát nghèo nhờ nuôi dê sạch - 1

Hai sinh viên trường nghề tham gia cuộc thi khởi nghiệp với dự án "Nuôi dê sạch" (Ảnh: NVCC).

Chia sẻ về dự án, Linh Huệ cho biết, gia đình em sinh sống tại xã Ia Ga, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai). Tại đây, bố mẹ em lao động rất vất vả với nghề trồng hồ tiêu, những năm qua tiêu mất mùa mất giá khiến nông dân điêu đứng và gia đình em cũng không là ngoại lệ.

Không những vậy, tình trạng tiêu chết hàng loạt diễn ra, bố mẹ của Linh Huệ phải chật vật với nhiều khoản nợ đầu tư cây trồng chưa trả được. Chật vật mưu sinh với nghề nông nên gia đình của Linh Huệ vẫn thuộc diện hộ nghèo của xã.

Nữ sinh trường nghề đưa gia đình thoát nghèo nhờ nuôi dê sạch - 2

Cô nữ sinh 19 tuổi giúp gia đình thoát nghèo nhờ nuôi dê sạch (Ảnh: NVCC).

Khi đang học lớp 12, Linh Huệ đã chủ động chia sẻ với bố mẹ về ý tưởng chuyển đổi từ nuôi trồng sang chăn nuôi. Sau khi nghe con gái lớn kể về ưu điểm của nuôi dê sạch, bố mẹ Linh Huệ đã mạnh dạn đầu tư vào chuồng trại, nuôi dê.

"Em rất vui khi ý tưởng được bố mẹ đồng ý, em vẫn tranh thủ ngày nào nghỉ học thì lên nương rẫy hái lá, chặt cây về làm thức ăn cho đàn dê. Sau 2 năm, đàn dê của gia đình em đã sinh sôi và phát triển mang lại cho gia đình nguồn thu ban đầu nên mọi người đều rất phấn khởi", Linh Huệ cho hay.

Tốt nghiệp THPT, Linh Huệ chọn trường Cao đẳng Công Nghệ Tây Nguyên để theo học chuyên ngành Thú y. Tại đây, được tiếp thu với kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật tiên tiến trong chăn nuôi Linh Huệ đã áp dụng thực tiễn vào công việc chăn nuôi của gia đình.

Nữ sinh trường nghề đưa gia đình thoát nghèo nhờ nuôi dê sạch - 3

Linh Huệ cho biết nuôi dê sạch không khó, thị trường tiêu thụ lại rất dồi dào (Ảnh: NVCC).

"Đàn dê của gia đình em được nuôi hoàn toàn bằng cây cỏ tự nhiên nên thịt dê rất thơm ngon, săn chắc được ưa chuộng. Hiện gia đình em đang nuôi trên 100 con dê nhưng vẫn chưa đủ nguồn cung ra thị trường và đang rất muốn phát triển đàn rộng hơn nữa", Linh Huệ nói.

Trong cuộc thi khởi nghiệp, Linh Huệ đã rủ bạn cùng lớp mang ngay dự án của chính gia đình mình đi dự thi.

Dự án "Xây dựng mô hình nuôi dê sạch" đã gây nhiều chú ý khi đưa ra được những ý tưởng sáng tạo như: quy trình chăn nuôi, sản xuất phù hợp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi; người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm qua mã vạch, mã QR.

Không chỉ vậy, sản phẩm đưa ra thị trường sạch, giàu dinh dưỡng, protein; góp phần phòng chống suy dinh dưỡng và béo phì ở trẻ em; tạo việc làm phù hợp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người cao tuổi ở nông thôn…

Mong muốn phát triển rộng dự án khởi nghiệp

Nữ sinh trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên nói thêm, nuôi dê ở Đắk Lắk có ưu điểm là sinh trưởng, sinh sản nhanh, nguồn thức ăn ở vùng quê dồi dào, thức ăn hoàn toàn từ tự nhiên sẽ đem đến chất lượng cho sản phẩm thịt dê. Không chỉ vậy, chỉ cần áp dụng một số kỹ thuật trong chăn nuôi sẽ giúp cho đàn dê ít mắc bệnh.

Nữ sinh trường nghề đưa gia đình thoát nghèo nhờ nuôi dê sạch - 4

Cô gái trẻ mong muốn sẽ phát triển quy mô chăn nuôi dê sạch (Ảnh: NVCC).

"Điều em tự hào nhất hiện tại là khi em đã chuyển đổi mô hình kinh tế cho gia đình khá hiệu quả, nuôi dê sạch đã mang lại mức thu nhập ổn định khoảng 300 triệu đồng/năm và giúp gia đình em thoát nghèo", Linh Huệ vui vẻ tiết lộ thu nhập khá của gia đình nhờ mô hình kinh tế mới.

Được biết, sau khi đạt giải ở cuộc thi khởi nghiệp, Linh Huệ rất hy vọng sẽ có nhà đầu tư góp vốn hỗ trợ em mở rộng quy mô dự án nuôi dê để cung ứng sản phẩm sạch cho thị trường.

Ông Y Khoa Niêđăm - Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên - cho biết, các cuộc thi khởi nghiệp đều được sinh viên của trường nhiệt tình tham gia, cùng với sự hỗ trợ từ giáo viên nhiều dự án đã đạt được nhiều thành tích cao.

"Dự án nuôi dê sạch của em Linh Huệ và Đăng Vũ được đánh giá khá cao tại cuộc thi khởi nghiệp do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức. Đây là niềm vui không chỉ cho các sinh viên mà còn cho nhà trường. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích để các sinh viên triển khai ý tưởng các dự án khởi nghiệp, áp dụng hiệu quả vào thực tiễn", ông Y Khoa thông tin.

Nhân dịp này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tặng Bằng khen đến Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên với thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp khởi nghiệp năm 2021.

Năm 2021, Cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp" - Startup Kite với chủ đề "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thời đại 4.0" hướng đến các ý tưởng, dự án có hàm lượng cao ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ số trong mọi lĩnh vực nhằm chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi, người khuyết tật trong bối cảnh dịch Covid-19 và trạng thái bình thường mới.

Với 1.518 ý tưởng, dự án tham dự Vòng sơ tuyển; đã có 207 dự án của các em học sinh, sinh viên của 59 cơ sở giáo dục nghề nghiệp vào Vòng bán kết; 67 ý tưởng, dự án được lựa chọn vào Vòng chung kết.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm