Nữ sinh “trường làng” nhận học bổng Mỹ 6 tỷ đồng nhờ thích đi du lịch
(Dân trí) - Sinh ra và lớn lên ở một huyện miền núi tỉnh Hà Tĩnh, học ở “trường làng”, Phan Thị Thanh Hà từng không dám mơ đến việc đi du học. Những chuyến du lịch trải nghiệm dọc Việt Nam đã giúp cô gái 9X khám phá chính mình, vượt qua giới hạn bản thân để quyết tâm chinh phục miền đất mới.
Phan Thị Thanh Hà (sinh năm 1999), cựu học sinh trường THPT Hương Khê, Hà Tĩnh vừa giành được học bổng hơn 6 tỷ đồng từ ĐH Bryn Mawr, Hoa Kỳ.
Thanh Hà từng đạt Thủ khoa học sinh giỏi tiếng Anh cấp tỉnh năm 2015-2016 và 2016-2017; huy chương bạc IOE tiếng Anh cấp Quốc gia; điểm thi đại học 27,5 khối A1 năm 2017, IELTS 8.0.
Nhận giấy báo trúng tuyển từ ngôi trường mơ ước, Thanh Hà tâm sự, trước đây tuy cũng từng có nghĩ về việc du học nhưng một phần vì khả năng tài chính gia đình có hạn, một phần vì xung quanh em không có nhiều anh chị đi du học nên ý tưởng này vẫn khá xa vời.
Cho đến hè 2017, sau khi thi đại học xong, Hà tham gia chương trình IM Venture - một hành trình xuyên Việt từ Nam ra Bắc cùng những học sinh và du học sinh Việt Nam ở nước ngoài.
Khoảng thời gian trải nghiệm cùng với những anh chị, bạn bè này đã thôi thúc cô gái Hà Tĩnh thử thách bản thân tại một môi trường khác để trưởng thành hơn.
Sau khi trở về từ chuyến đi này, em bắt đầu hành trình chuẩn bị du học của mình bằng việc tìm hiểu và tự chuẩn bị cho những bài thi chuẩn hóa.
Trong khoảng thời gian hơn 3 tháng, em vừa sắp xếp việc học ở Đại học Ngoại thương vừa chuẩn bị các giấy tờ tài chính và lên ý tưởng cho bài luận chính và các bài luận phụ.
Do định hướng du học khá muộn nên thời gian để thi các bài thi chuẩn hóa và chuẩn bị hồ sơ là không nhiều, Thanh Hà cẩn trọng lựa chọn 6 trường để ứng tuyển.
Khoảng thời gian chờ đợt kết quả khá căng thẳng với Hà khi 2 trường đại học từ chối em và 3 trường cho vào "wait-list" (danh sách chờ). Kết quả, trường Bryn Mawr - ngôi trường em mong đợi nhất gửi thư chấp nhận và Hà quyết định rút khỏi danh sách chờ của 3 trường còn lại để nhập học.
Em xuất sắc nhận được gói hỗ trợ tài chính trị giá hơn 67.000 USD/năm (268.000 USD cho 4 năm, tương đương hơn 6 tỷ đồng) ở Đại học Bryn Mawr.
Sinh ra và lớn lên ở một huyện nhỏ, học ở “trường làng”, ước mơ du học từng khá xa vời với Hà.
Với Thanh Hà, viết bài luận chính (personal statement) là khâu “nhức não” nhất trong cả quá trình làm hồ sơ, bởi chỉ trong 650 từ, em phải thể hiện cho hội đồng tuyển sinh thấy con người, cá tính của mình.
"Trong bộ hồ sơ gửi ĐH Bryn Mawr, em đã cố gắng thể hiện chân thật nhất con người của mình: một người không thích cạnh tranh, không tạo áp lực cho bản thân và không ép mình phải “toàn diện”. Thay vì vậy, em thể hiện sở thích du lịch đây đó và dành thời gian khám phá bản thân qua bài luận chính của mình", Thanh Hà cho hay.
Theo Hà, chân thành chính là bí quyết giúp bộ hồ sơ của em ấn tượng và thuyết phục được hội đồng tuyển sinh: "Khác với một số nước khác, các ĐH Mỹ rất coi trọng cá tính của học sinh bên cạnh điểm số. Em không phải là người có thành tích học tập vượt trội hay những hoạt động ngoại khóa có tầm cỡ. Nếu nhìn vào bảng thành tích cá nhân, em hoàn toàn là một người rất bình thường".
Có thể nói, bước ngoặt du học Mỹ và học bổng lớn đến ngôi trường mơ ước đất Mỹ của Phan Thị Thanh Hà đến từ sở thích du lịch trải nghiệm.
Hà kể về mùa hè năm 2017 và hành trình du lịch xuyên Việt mang tên IM Venture em tham gia. Chuyến đi 12 ngày này đã mang lại cho em rất nhiều: tình yêu với quê hương Việt Nam, hiểu biết về văn hóa địa phương và quan trọng nhất, nó đã mang đến cho em những tình bạn, tình anh chị em hết sức quý báu.
Em viết về việc chuyến đi với 13 người hoàn toàn xa lạ đã dạy cho em cách tôn trọng sự khác biệt, cách tin tưởng và đón nhận lòng tốt của mọi người, đồng thời nhân rộng nó trong bài luận. Từ việc kể về những thay đổi nhỏ như dừng lại chờ mọi người đi trước, học cách lắng nghe, xóa bỏ định kiến về giới tính, cô gái nhỏ đã thể hiện cho hội đồng thấy mình là người biết đón nhận, thay đổi và hoàn thiện bản thân hơn, qua đó cho thấy việc em sẵn sàng đến với một miền đất mới và đón nhận những điều mới mẻ như thế nào.
Trước đó, Hà cũng từng tham gia tổ chức và dẫn chương trình cho CLB tiếng Anh của trường và tham gia trợ giảng cho một trung tâm Tiếng Anh tại huyện nhà. Khoảng thời gian này tuy không dài nhưng cũng là những trải nghiệm quý giá giúp em bổ sung những kĩ năng mềm.
Theo Thanh Hà, thế mạnh lớn nhất của bản thân em là khả năng cân bằng. Em không tạo áp lực cho bản thân mình, trong việc học tập hay trong cả đợt apply du học lần này. Ngay cả trong thời gian căng thẳng nhất của mùa apply thì em luôn biết dành thời gian cho bản thân nghỉ ngơi bằng việc đi gặp gỡ bạn bè, đi xem ca nhạc... Em nghĩ rằng điều này được thể hiện rất đơn giản là qua giọng văn và những góc nhìn nhận cuộc sống em thể hiện trong các bài luận của mình.
Cô gái Việt cho biết, hệ thống trường đại học khai phóng mà em sắp sửa theo học cho phép sinh viên có hơn một năm để chọn ngành học của mình. Hiện tại, em đang phân vân giữa ngành Kinh tế và Toán học. Thanh Hà dự định sẽ đăng kí học các khóa học liên quan đến 2 chuyên ngành này trước khi quyết định.
Trong tương lai gần, em vẫn muốn tiếp tục như bây giờ: học tốt, chơi tốt và khám phá được nhiều điều mới lạ hơn. Sau khi tốt nghiệp em mong được làm việc đúng với sở trường và sở thích của mình.
Từ kinh nghiệm bản thân, Hà đúc rút bí quyết chinh phục trường đại học Mỹ: "Hãy chuẩn bị thật kỹ, định hướng sớm và có sự chuẩn bị kỹ càng về kiến thức và kĩ năng sẽ luôn là một lợi thế. Và đừng nản chí, vì theo em thì khi đủ muốn thì mình sẽ làm được".
Lệ Thu