Nữ sinh ngành kỹ thuật rinh cú đúp thủ khoa, có 5 bài báo chuẩn quốc tế ISI

Hoài Nam

(Dân trí) - Với điểm GAP 94,4, nữ sinh Trần Vân Nhi không chỉ là thủ khoa khối ngành kỹ thuật sau đại học mà còn rinh luôn danh hiệu thủ khoa tốt nghiệp sau đại học của Trường Đại học Quốc tế TPHCM.

Với điểm GPA 94,4/100, Trần Vân Nhi là thủ khoa khối ngành kỹ thuật sau đại học của Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) năm 2023. Đồng thời, với mức điểm cao nhất trường, Nhi giành luôn danh hiệu thủ khoa tốt nghiệp sau đại học của trường.

Chưa hết, Trần Vân Nhi còn sở hữu 5 bài báo chuẩn quốc tế ISI, trong đó có 3 bài là tác giả chính.

Nữ sinh ngành kỹ thuật rinh cú đúp thủ khoa, có 5 bài báo chuẩn quốc tế ISI - 1

Nữ thủ khoa Trần Vân Nhi trong lễ tốt nghiệp (Ảnh: Ngọc Nguyễn).

Trong quá trình học tập, Nhi được làm việc trong nhóm nghiên cứu vi sinh y cùng với một Phó giáo sư tại trường. Tại đây, Nhi cùng các cộng sự  của mình thực hiện một số dự án nghiên cứu về cơ chế phát triển tính kháng thuốc và vi khuẩn tụ cầu vàng.

Với nghiên cứu này, nhóm đã xuất bản 3 bài báo khoa học chuẩn ISI/Scopus, trong đó Nhi là tác giả chính của 2 bài báo.

Hơn hai năm về trước, Nhi còn có cơ hội làm việc với các chuyên gia trong lĩnh vực y học và công nghệ sinh học ngay trong thời kỳ dịch Covid-19 bùng phát tại TPHCM.

Họ cùng thực hiện 2 nghiên cứu khảo sát về những phản ứng phụ sau khi tiêm vắc xin Covid-19 và vấn đề sức khỏe tinh thần của sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM trong kỳ đại dịch.

Với những nghiên cứu này, nhóm của Nhi tiếp tục có 2 bài báo khoa học đăng trên tạp chí chuẩn quốc tế ISI.

Về phương pháp học tập, tân thạc sĩ Trần Vân Nhi cho hay, trước khi thực hiện từng công việc, từng dự án, cô luôn tự đặt ra mục tiêu và lên kế hoạch chi tiết cho từng đầu việc. Việc quản lý quỹ thời gian cũng là yếu tố quan trọng giúp em kiểm soát được tiến độ làm việc của mình.

Tích cực học hỏi kiến thức và kinh nghiệm nghiên cứu từ thầy cô, bạn bè thông qua các buổi học trên lớp, các buổi hội nghị hội thảo trong ngành và các khóa học online.

Ngoài ra, cô cũng cố gắng dành thời gian để chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất, chơi thể thao. Điều này giúp em giải tỏa căng thẳng sau giờ học và duy trì sự cân bằng giữa học tập và cuộc sống cá nhân.

Theo học lĩnh vực kỹ thuật, nghiên cứu, Vân Nhi gặp những trở ngại, khó khăn nhất định. Cô gái chia sẻ, ít nhiều cô cảm nhận được định kiến xã hội cho rằng nữ giới không phù hợp với ngành kỹ thuật và nữ giới kém hơn nam giới trong các lĩnh vực kỹ thuật và khoa học. Điều này đôi khi làm cho nữ giới gặp thiệt thòi và thiếu sự tin tưởng và khả năng của họ.

Nữ sinh ngành kỹ thuật rinh cú đúp thủ khoa, có 5 bài báo chuẩn quốc tế ISI - 2

Nữ thạc sĩ Trần Vân Nhi (Ảnh: NVCC).

Cũng như hầu hết người làm nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, Nhi cũng thường phải đối mặt là thiếu trang thiết bị và máy móc hiện đại. Điều này hạn chế khả năng thực hiện các nghiên cứu phức tạp và các thí nghiệm cần sử dụng các công nghệ và thiết bị mới nhất, đòi hỏi sự hợp tác từ nhiều đơn vị trong và ngoài nước.

"Làm nghiên cứu khoa học đòi hỏi sự tập trung cao độ vào đề tài, dự án, kèm theo những áp lực về tiến độ, nguồn lực phòng thí nghiệm, kinh phí, đôi lúc em bị rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài, làm mất sự cân bằng giữa việc học tập và cuộc sống cá nhân", Vân Nhi trải lòng.

Khi được hỏi về áp lực "cơm áo gạo tiền của người làm nghiên cứu", Vân Nhi cho hay, áp lực "cơm áo gạo tiền" trong nghiên cứu khoa học đặc biệt nặng nề khi ngân sách dành cho nghiên cứu hiện còn hạn chế, dẫn đến thu nhập của các nhà nghiên cứu không cao.

Hơn nữa, quá trình nghiên cứu đòi hỏi thời gian dài và không luôn mang lại kết quả ngay lập tức cũng tạo thêm áp lực về mặt tài chính.

Vân Nhi bày tỏ quan điểm: "Những người chọn con đường nghiên cứu phải chấp nhận thực tế rằng họ có thể không kiếm được nhiều tiền như những ngành nghề khác, nhưng họ vẫn theo đuổi bởi niềm tin vào giá trị khoa học và đóng góp của mình cho xã hội". 

Trong tương lai, Vân Nhi dự định tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu, đặc biệt là trong lĩnh vực vi sinh y. Mục tiêu của Nhi là tham gia các dự án phát triển công nghệ mới có ảnh hưởng tích cực đến nền y học và xã hội.

Ngoài ra, tân thủ khoa cũng hy vọng có cơ hội chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình với cộng đồng thông qua các chương trình giáo dục, góp phần trong việc khuyến khích và hỗ trợ nhiều phụ nữ trẻ theo đuổi sự nghiệp trong các ngành STEM.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm