Nữ sinh mồ côi cha, ở túp lều và giấc mơ có máy tính học trực tuyến

M. Hà

(Dân trí) - Bố mất sớm vì ung thư, ba mẹ con em Trần Thị Hằng (Sóc Sơn, Hà Nội) nương tựa nhau ở túp lều ven đường. Chiều 19/11, giấc mơ có máy tính để học trực tuyến của Hằng trở đã thành hiện thực.

Học "ké" bạn và chuyện của nữ sinh nghèo thiếu thiết bị

Chiều 19/11, Sở GD-ĐT Hà Nội phối hợp Công đoàn Ngành Giáo dục Hà Nội trao đợt 5 chương trình "Sóng và máy tính cho em" năm học 2021-2022 cho 500 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đang thiếu thiết bị học trực tuyến.

Cụ thể, Tập đoàn Công nghệ CMC trao 400 máy tính, (số máy tính trao thuộc số máy tính đơn vị đăng ký ủng hộ đợt 1); Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương tặng 100 máy tính bảng và 20.000 khẩu trang y tế.

Nữ sinh mồ côi cha, ở túp lều và giấc mơ có máy tính học trực tuyến - 1

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD- ĐT Hà Nội tại lễ trao máy tính cho học sinh nghèo chiều 19/11. 

Sở GD-ĐT Hà Nội đã tặng máy tính cho 500 em học sinh của 10 huyện có hoàn cảnh khó khăn, đang thiếu thiết bị học trực tuyến, gồm: huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Ba Vì, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín và Phú Xuyên.

Mỗi đơn vị được trao 40 máy tính để bàn và 10 máy tính bảng để gửi tới các học sinh; trao tặng 10.000 khẩu trang cho Phòng GD-ĐT huyện Ba Vì, nơi hiện nay học sinh lớp 9 đang đi học trực tiếp.

Tại buổi lễ, câu chuyện của nữ sinh Trần Thị Hằng (học sinh lớp 6A6, Trường THCS Nguyễn Du, Sóc Sơn, Hà Nội) khiến nhiều người xúc động.

Nữ sinh mồ côi cha, ở túp lều và giấc mơ có máy tính học trực tuyến - 2

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội trao quà cho nữ sinh Trần Thị Hằng. 

Hằng cho biết, bố em bị ung thư và mất sớm. Ba mẹ con Hằng nương tựa nhau trong túp lều ven đường, vừa bán nước lặt vặt, vừa làm nơi ăn chốn ở. Do vậy, để có thiết bị học tập online với Hằng quả thật rất khó khăn.

"Hằng ngày, em phải học "ké" điện thoại của bạn gần nhà, có hôm mượn điện thoại của người quen nhưng hôm có máy, hôm không.

Được tin em là một trong những học sinh khó khăn của huyện được nhận thiết bị học tập trực tuyến đợt 5, em hồi hộp cả đêm không ngủ", Hằng tâm sự.

Cũng theo nữ sinh này, chiếc máy tính này thực sự là món quà vô giá bởi nếu để gia đình mình tự túc, không biết bao giờ em có phương tiện học tập.

"Đây không chỉ là phương tiện cần thiết để chúng em tham gia học trực tuyến mà còn là nguồn động lực tinh thần mạnh mẽ, giúp chúng em kiên trì học tập.

Em hy vọng, chương trình được mở rộng hơn để thêm nhiều học sinh nghèo được hưởng lợi", cô học trò nhỏ tâm sự. 

Gần 7.000 học sinh được hỗ trợ thiết bị học trực tuyến

Trao đổi tại buổi lễ, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD- ĐT Hà Nội cho hay, từ đầu năm học 2021-2022 đến nay, đơn vị đã tổ chức 5 đợt trao thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh.

Số học sinh nhận được thẻ sim VinaPhone với tài khoản data miễn phí để học sinh học trực tuyến là gần 400 học sinh.

"Dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành giáo dục đã tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình để ứng phó với tình hình, giúp các em học sinh tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học, tiếp thu tri thức.

Với phương châm trong bất cứ hoàn cảnh nào không để học sinh khó khăn bị bỏ lại phía sau, ngành giáo dục Hà Nội tổ chức chương trình "Sóng và máy tính cho em".

Đến nay, chúng tôi đã phối hợp trao 6.914 thiết bị, ước tính gần 23 tỷ đồng giúp các em học sinh có điều kiện khó khăn được học trực tuyến", ông Cương cho hay.

Nữ sinh mồ côi cha, ở túp lều và giấc mơ có máy tính học trực tuyến - 3

Đại diện của 10 huyện có hoàn cảnh khó khăn của Hà Nội, đang thiếu thiết bị học trực tuyến nhận hỗ trợ máy tính. 

Được biết, từ sau lễ khai giảng năm học 2021-2022, do ảnh hưởng dịch Covid-19, tất cả học sinh lớp 1-12 tại Hà Nội phải học trực tuyến. Từ ngày 8/11, Ba Vì là huyện đầu tiên của thành phố mở cổng trường đón học sinh lớp 9 tựu trường.

Trong khi đó theo tính toán, toàn TP Hà Nội hiện vẫn còn khoảng 5.000 học sinh không có thiết bị học tập trực tuyến.