Nữ sinh Bách Khoa vừa xinh đẹp vừa học giỏi, điểm IELTS 8.5

Mai Hương

(Dân trí) - Nguyễn Thị Mỹ Thu đam mê công nghệ, thành tích học tập loại Giỏi và có điểm IELTS là 8.5.

Nữ sinh Bách Khoa vừa xinh đẹp vừa học giỏi, điểm IELTS 8.5 - 1

Nguyễn Thị Mỹ Thu (2000, Đắk Lắk) hiện là sinh viên năm 4, ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông.

Thành tích của Nguyễn Thị Mỹ Thu:

  • Chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Kỹ sư Tài năng: "Thiết kế và phân tích Micro inverter nối lưới" năm 2020.
  • Giải Ba cuộc thi Humanoid Robot - Thiết kế robot đá banh 2020 của CLB BKRA (Bach Khoa Robotics and Automation Club) của trường.
  • Giải Ba cuộc thi Launch Time - Thiết kế robot dò line dành cho sinh viên năm nhất năm 2019.
  • Danh hiệu Sinh viên Giỏi toàn diện năm học 2018-2019 và 2019-2020.
  • Nhận học bổng KSYS - CUBE năm 2020, học bổng Vallet năm 2021, học bổng Đặc biệt Panasonic năm 2021, Học bổng Khoa Điện - Điện tử năm 2020, học bổng khuyến khích học tập của Trường trong 5 học kỳ.
  • Danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" cấp trường năm học 2018-2019 và 2019-2020.
  • Danh hiệu "Sinh viên tiên tiến Trường Đại học Bách Khoa làm theo lời Bác" năm 2021.
  • Phần thưởng "Nữ sinh tiêu biểu trong lĩnh vực Khoa học Công nghệ" 2021.

Không ngại cạnh tranh công bằng với các bạn nam

Mỹ Thu hứng thú với lĩnh vực công nghệ từ đầu năm lớp 12, khi những ứng dụng khoa học công nghệ ở trong nước bắt đầu được mở rộng và phát triển cùng với nền tảng các môn tự nhiên tốt, nữ sinh đã lựa chọn khoa Điện - điện tử, Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

"Dù là nữ nhưng mình lại học tốt các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa,… hơn các môn xã hội. Hơn nữa, thời điểm hiện tại, công nghệ đóng góp vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống. Mình nghĩ, việc có kiến thức về khoa học và công nghệ sẽ giúp mình thích nghi tốt hơn với cuộc sống hiện đại, do đó mình chọn học Bách Khoa.

Ban đầu, mình chọn học nhóm ngành Điện - Điện tử vì dự định sẽ học ngành Tự động hóa và học về robot. Tuy nhiên, sau một quá trình học, mình cảm thấy hứng thú với các vấn đề về viễn thông và việc kết nối các thiết bị trong hệ thống Internet, nên mình đã chọn chuyên ngành Điện tử - Viễn thông.

Ngoài ra, chương trình học của mình nặng về tính toán và vật lý nên mình cũng mất một khoảng thời gian để làm quen, đôi khi sẽ nản chí vì nhiều lý thuyết khó và phức tạp. May mắn, ở cấp 3 dù không học lớp chuyên khối tự nhiên nhưng chương trình học của mình vẫn thiên về khối A - Toán, Lý, Hóa, nên mình có nền tảng tốt và luôn duy trì điểm trung bình môn Toán và môn Lý trên 9.0", Thu chia sẻ.

Nữ sinh Bách Khoa vừa xinh đẹp vừa học giỏi, điểm IELTS 8.5 - 2
Cấp 3, điểm trung bình môn Toán và môn Lý của Thu luôn trên 9.0.

Theo đuổi một ngành học khó, có tốc độ phát triển, đổi mới nhanh và phái mạnh chiếm số đông, nhưng nữ sinh Đắk Lắk đã chứng tỏ bản thân với bảng thành tích học tập và hoạt động ngoại khóa nhiều người ao ước.

"Mình nghĩ nếu bản thân người học có hứng thú với các môn khoa học công nghệ thì hoàn toàn có thể theo đuổi được ngành này. Giới tính không quyết định mình phù hợp với ngành học nào. Do đó, mình không cảm thấy ngành Điện tử - Viễn thông thiếu nữ tính hay khô khan.

Bên cạnh đó, một số người hỏi mình có cảm thấy "đuối" khi học với nhiều bạn nam không thì câu trả lời của mình là không. Vì mình yêu thích các môn tự nhiên và cũng rất đam mê với ngành học của mình. Ngược lại, mình rất thích thú và sẵn sàng cạnh tranh công bằng với các bạn và các bạn nam ở khoa Điện - Điện tử cũng rất thân thiện, hòa đồng tạo ra môi trường vô cùng thoải mái", Thu chia sẻ.

Đam mê ngoại ngữ với IELTS 8.5

Nữ sinh Bách Khoa vừa xinh đẹp vừa học giỏi, điểm IELTS 8.5 - 3
Thu có thói quen đọc trước bài của tiết học để tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn.

Để có một thành tích học tập tốt với điểm trung bình tích lũy hiện tại là 3.6, Mỹ Thu quan điểm rằng yếu tố quan trọng nhất đó là xây dựng được kế hoạch học tập phù hợp với bản thân.

Trước mỗi buổi học, Thu đều đọc trước bài giảng và giáo trình để có thể tiếp thu bài một cách hiệu quả nhất. Ngoài ra, cô luôn lên kế hoạch học tập và làm việc cũng như hoạt động ngoại khóa để tránh tình trạng chạy nước rút khi sát hạn. Mỗi tuần, Thu dành khoảng 8-10 tiếng cho những chiến dịch tình nguyện hay các phong trào của trường, khoa.

Đặc biệt, Mỹ Thu nhấn mạnh một thói quen rất quan trọng với bản thân và với các bạn học ngành Điện tử - Viễn thông đó là đọc thêm nhiều tài liệu nước ngoài bằng tiếng Anh để cập nhật xu hướng công nghệ mới nhất.

Vì vậy, học ngoại ngữ cũng là một niềm yêu thích khác của nữ sinh Đắk Lắk, cô mong muốn bản thân sẽ nói được nhiều thứ tiếng nhất có thể.

Nữ sinh Bách Khoa vừa xinh đẹp vừa học giỏi, điểm IELTS 8.5 - 4

Ngoài tiếng Anh, Thu đang học thêm tiếng Italy và tiếng Đức.

"Mình rất thích học ngoại ngữ, nó là một đam mê khác của mình. Để giải tỏa những áp lực từ học tập và công việc mình thường nghe nhạc hoặc xem phim tiếng Anh. Hoạt động ấy vừa giúp mình thư giãn đồng thời cải thiện vốn tiếng Anh rất tốt. Năm ngoái, mình đã thi và có chứng chỉ IELTS 8.5 nên mình muốn thử sức với những ngoại ngữ mới. Hiện tại, mình đang học thêm tiếng Italy và tiếng Đức.

Với tiếng Đức, mình được tiếp xúc từ cấp 3 nên mình vẫn duy trì và tự học qua Youtube. Còn tiếng Italy, mình học vì mình nhận được học bổng trao đổi tại Italy trong vòng 5 tháng vào tháng 2/2022 nên mình học để có thể có những trải nghiệm tốt nhất ở đó và đa phần cũng là mình tự học để linh hoạt, chủ động về thời gian do thời gian biểu của bản thân rất bận rộn", Thu tâm sự.

Chia sẻ về điều bản thân tự hào nhất, Thu nghĩ rằng đó là việc cô đã hoàn thành được những mục tiêu do chính mình đặt ra qua từng năm học, từ trau dồi ngoại ngữ đến duy trì các thành tích học tập và tham gia hoạt động ngoại khóa.

Hiện tại, nữ sinh Đắk Lắk đang thực tập tại một công ty ở TPHCM về mảng vi mạch điện tử và cô đặt cho bản thân một mục tiêu lớn đó là đạt học bổng toàn phần đi học Thạc sĩ tại châu Âu sau khi tốt nghiệp một năm. Sau đó, cô muốn quay về nước để phát triển và đóng góp những kiến thức bản thân đã có để phát triển nền công nghệ Việt Nam.

Trong kỳ học cuối cùng của bản thân ở Bách khoa, Mỹ Thu sẽ nỗ lực hết mình để hoàn thành đề tài nghiên cứu, có thể xuất bản thành bài báo đăng lên các tạp chí khoa học.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm