Câu chuyện giáo dục:

Nữ giám đốc 20 năm không về Tết vì "dây thắt lưng và 5 giờ/ngày" của bố

Hoài Nam

(Dân trí) - Gần Tết, đầu óc của chị Dần lại nặng trịch việc đưa con về ông bà ngoại. Nhiều năm qua, chị không về Tết vì nỗi ám ảnh dây thắt lưng kèm công thức "5 giờ/ngày" của bố.

Chị M.T. Dần, 39 tuổi, giám đốc một công ty chuyên in ấn quảng cáo, là học viên của một khóa học về nuôi dạy con tại TPHCM.

Lý do đi học làm mẹ của chị làm nhiều người vỡ òa: Chị mang ký ức sợ hãi về cách nuôi dạy con của bố mẹ mình, đặc biệt là người bố.

Nữ giám đốc 20 năm không về Tết vì dây thắt lưng và 5 giờ/ngày của bố - 1

Từ lâu, với chị Dần, gia đình, bố mẹ không còn là nơi mình thuộc về (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Nhà có 3 chị em gái, cả ba cùng lập nghiệp xa nhà, đều thành công, giàu có. Và họ có chung một nỗi đau, đó là không ai muốn trở về nhà, không muốn đối diện với bố mẹ kể từ khi rời nhà đi học đại học.

Chị Dần không nhớ rõ về thời tiểu học nhưng bố mẹ luôn đặt áp lực về học tập rất lớn lên các con. Bắt đầu từ năm chị học cấp 2, bố chị đọc được đâu đó về kỷ luật của người Nhật đưa về nhà áp dụng cho con cái. 

Mỗi ngày ông chỉ cho phép các con ngủ 4-5 giờ đồng hồ. 11-12h đêm, chị em Dần mới được rời bàn học lên giường đi ngủ. Trước giờ đó, đứa nào ngủ gật lập tức bị bố dùng dây thắt lưng đánh vào chân, vào lưng.

4-5h sáng sớm hôm sau, ông sẽ gọi các con dậy ngồi vào bàn học, đứa nào ngáp ngủ, không bật dậy ngay... lập tức bị ăn roi. 

Nhiều năm ròng, chị Dần học tập trong điều kiện về áp lực thời gian và... dây thắt lưng như vậy. Gần như không một ngày nào được khác đi, kể cả lễ Tết vì bố chị cho rằng chỉ cần nề nếp thay đổi 1-2 ngày,  kỷ luật sẽ bị phá vỡ.

Chị em Dần đạt rất nhiều thành tích học tập, kể cả những danh hiệu mà trước đây ở địa phương chưa từng có. Hơn cả niềm tự hào, bố mẹ chị xem kết quả học tập của con như lẽ sống, là điều mà họ luôn phô ra cho mọi người thấy.

Con càng đạt nhiều thành tích, ông bố càng có niềm tin vào phương pháp mình đang áp dụng. Tất cả những cơn thèm ngủ, những đau khổ, uất ức, nhu cầu của các con khi đó đều bị gạt đi.

Khi thi xong đại học, chị những tưởng mình sẽ được thoát khỏi khung "ngủ 4-5 tiếng một ngày". Không hề, bố chị vẫn tiếp tục giữ nguyên tắc mình đặt ra kể cả khi con gái đỗ đại học với mức điểm rất cao. Ông nói rằng, nếu không duy trì thì công sức xây dựng của ông bao lâu sẽ bị phá vỡ.

Qua tuổi 18, chị vẫn phải canh đồng hồ đến giờ mới được đi ngủ, vẫn bị đánh bằng dây thắt lưng...

"Ngày tôi vào thành phố nhập học, khi đến nhà trọ, việc đầu tiên của tôi là đóng cửa ngủ. Hôm đó, tôi ngủ một mạch gần 20 giờ liền, không cần ăn, không cần uống. Tôi như được sống lại!", chị Dần kể.

Chuẩn bị Tết năm đầu tiên học xa nhà, nghĩ đến việc chuẩn bị về quê, đối diện với bố, với ngôi nhà của mình, cô nữ sinh năm nhất bị nôn ói liên tục. Chỉ trong một tuần, chị bị giảm đi 4kg. Cuối cùng, chị Dần quyết định sẽ không về quê ăn Tết.

Nghĩ đến đó, chị thở phào, lấy lại tinh thần, cảm thấy an toàn. Lý do chị đưa ra là mình ở lại đi làm thêm. Những năm đi học, có chăng chị chỉ về quê vài ngày vào dịp hè rồi đi ngay hoặc gặp bố mẹ khi họ có việc vào thành phố.

Sau này lập gia đình, chị có lý do về nhà chồng để không về quê ăn Tết với bố mẹ. Đã 20 năm nay, chỉ từ khi có con, 2-3 năm một lần chị mới sắp xếp đưa cháu về Tết với ông bà ngoại nhưng cũng chỉ đúng 1-2 ngày, chị sẽ đi ngay.

Nữ giám đốc 20 năm không về Tết vì dây thắt lưng và 5 giờ/ngày của bố - 2

Phụ huynh tại lớp học về nuôi dạy con (Ảnh: Hoài Nam).

Được đánh giá là thành đạt, thành công nhưng chị Dần thấy mình không hạnh phúc. Chị đau đớn: "Làm sao một đứa con có thể hạnh phúc khi gia đình, bố mẹ không phải là nơi nó thuộc về".

Chị sợ bố cũng như chị sợ không dám treo đồng hồ trong nhà, không dám nhìn dây thắt lưng...

Thế nhưng, nỗi ám ảnh trong chị không chỉ là những thứ có thể gọi tên như "bố", "đồng hồ", "dây thắt lưng"... Chị có xu hướng phản ứng lại những ký ức mình chịu đựng lên cách dạy con như có tâm lý bài trừ việc học, căm ghét điểm số và bị ám ảnh nặng nề về giấc ngủ của con...

"Con có thể không ăn, không uống, không học, không sao hết nhưng nếu mỗi cháu không ngủ đủ 8-10 tiếng/ngày là tôi như phát điên. Tôi có thể đánh con vì cháu ngủ trễ hoặc dậy sớm", chị nghẹn ngào.

Người mẹ nhận ra, các con lại đang trở thành nạn nhân của mình theo một cách khác.

Trong một chương trình chia sẻ về nuôi dạy con, TS Bùi Trân Phượng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen - trải lòng, hiện nay có rất nhiều phương pháp, nhiều loại sách nuôi dạy con theo nước này, nước nọ được phụ huynh ưa chuộng.

Tuy nhiên, bà Phượng nhấn mạnh, cuốn sách quan trọng nhất bố mẹ cần đọc, cần hiểu chính là đứa con bằng da bằng thịt của mình. 

Hay như chia sẻ của một nhà giáo dục ở TPHCM, giờ đây để đào tạo ra một đứa trẻ tài giỏi, nhiều thành tích, cao lớn không khó, nhưng để có được một đứa trẻ lành mạnh, khỏe mạnh về mặt cảm xúc, tinh thần không dễ. Không ít con trẻ lớn lên trong vật vã, ám ảnh, lăn lộn để chữa lành cho tuổi thơ của mình.