Câu chuyện giáo dục:

Hội chứng "phải điểm 10", bà mẹ ở TPHCM tát con giữa sân trường

Hoài Nam

(Dân trí) - Đứa con lớp 3 báo kiểm tra môn tiếng Anh được 9 điểm, bà mẹ hỏi: "Vì sao chỉ được 9?". Đi cùng đó, là một cái tát ngay giữa sân trường...

Cô Nguyễn Ngọc L. - giáo viên tại một trường tiểu học tư thục ở TP Thủ Đức, TPHCM - cho biết, đến cuối mỗi học kỳ cô lại bị căng thẳng khi báo điểm của học sinh.

Dạy từ trường công sang trường tư, cô L. thấy rõ sự khác biệt giữa hai mô hình này nhưng có điểm chung là nhiều phụ huynh đều "cuồng" điểm số, gây áp lực rất lớn lên con trẻ. 

Hội chứng phải điểm 10, bà mẹ ở TPHCM tát con giữa sân trường - 1

Bài làm của một học sinh đạt điểm 10 (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Tại trường cô đang dạy, không có xếp hạng, điểm số của học sinh hoàn toàn là thông tin cá nhân, chỉ phụ huynh và học sinh đó biết. Vậy nhưng, nhiều em vẫn rơi vào khủng hoảng nếu điểm không phải là 10. 

Cô L. kể về trường hợp gần nhất, em học sinh lớp 3 có học lực tốt đạt điểm 9 môn tiếng Anh giữa học kỳ. Đây là kết quả cao nhưng khi biết điểm, cô Linh cũng thấy lo lắng cho học sinh sẽ phải đối mặt thế nào với bố mẹ, nhất là từ người mẹ luôn yêu cầu con phải đạt điểm cao nhất. 

Chiều hôm đó, khi đến đón con, vừa nghe con báo điểm, người mẹ đã chất vấn "Vì sao chỉ được điểm 9" trước sự lúng túng của đứa trẻ. Không chờ con giải thích, người mẹ đưa tay tát con ngay giữa sân trường, chốn đông người. 

Cô L. cho hay: "Con 9 điểm là nhiều bố mẹ không chịu, nhất định phải 10. Chưa được thì sẽ tiếp tục đẩy con đến lớp học thêm. Nhiều đứa trẻ luôn phải sống trong nỗi lo sợ không được 10, rất khổ sở". 

Cô L. bày tỏ, giờ đây phụ huynh có hội chứng "chỉ chấp nhận con điểm 10" rất nặng. Dù rằng, bố mẹ nào cũng nói "không quan tâm điểm số", thể hiện tư tưởng văn minh, hiện đại nhưng thực tế suy nghĩ, tư duy của phụ huynh hoàn toàn ngược lại. 

Theo cô L., điểm số có quan trọng hay không không nằm ở lời bố mẹ nói mà ở trong đầu, trong ánh mắt, trong tiếng thở dài, trong lời chất vấn của họ với con trẻ. Ngoài ra, điều này được thể hiện rõ nhất ở phản ứng của đứa trẻ trước điểm số. 

"Giờ đây, tôi khó nhìn thấy đứa trẻ nào bình tâm trước điểm số để thật sự say sưa với việc học, với việc mày mò, tìm tòi kiến thức. Hầu hết các em học vì điểm chứ không phải học để học, học cho mình", cô giáo trẻ trăn trở.

Thạc sĩ Cao Quảng Tư - Giám đốc tuyển sinh hệ thống Trường Quốc tế Á Châu - trải lòng, không ít phụ huynh thấy "con nhà người ta" được 9, 10, trong khi con mình 7,8 điểm là quay sang càm ràm, căng thẳng.

Tâm lý so sánh này khiến phụ huynh tạo áp lực rất lớn cho con, muốn con phải giỏi tất cả các môn mà không quan tâm đến khả năng thật sự của trẻ. 

Ông Tư cảnh báo, việc chạy theo điểm số có thể tước đi nhiều khả năng, cơ hội thích nghi của trẻ. Để đứa trẻ trở thành công dân toàn cầu, bên cạnh giỏi tiếng Anh hay các ngoại ngữ, các môn học, học sinh cần được dạy nhiều kỹ năng khác nhau, trong đó có kỹ năng thích nghi, khả năng về cảm xúc, về sự thấu cảm, chia sẻ... 

Trong lần trao đổi về vấn đề giáo dục con trẻ tại Việt Nam ngày nay, Giáo sư vật lý ở Mỹ Nguyễn Đông Hải cảnh báo, giáo dục của chúng ta đang bắt đứa trẻ chạy theo hiệu suất cao nhất mà người khác đưa ra, đó là hiệu suất điểm 10. Người người, nhà nhà ép con chạy theo hiệu suất này. 

Trong khi bản chất của giáo dục phải là giúp đứa trẻ tiến tới gần nhất hiệu suất của bản thân, phát triển năng lực cao nhất của mình. Giáo dục giúp trẻ tốt hơn chính mình chứ không phải  tiến tới chuẩn người khác đặt ra, tiến tới điểm 10 hay để giống đứa trẻ khác. 

Hội chứng phải điểm 10, bà mẹ ở TPHCM tát con giữa sân trường - 2

Trẻ nhỏ ở TPHCM trong một hoạt động trải nghiệm (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Khi nhà nhà, người người choàng lên trẻ "hiệu suất điểm 10", liệu người lớn, đặc biệt là bố mẹ có từng hỏi phía sau những con số, con mình đang như thế nào? Chúng có ổn không?

Cuối mỗi học kỳ, mỗi kỳ thi, các bác sĩ lại cảnh báo tình trạng học sinh rơi vào căng thẳng, thậm chí khoa tâm thần nhi lại quá tải. Những đứa trẻ rơi vào tình trạng này có thật xuất phát từ điểm số hay đến nỗi sợ khi phải đối mặt với thái độ, sự thất vọng, tiếng thở dài, chán chường... của bố mẹ?

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm