Nộp học phí muộn: Vi phạm đạo đức và phải “trừng phạt”?
Hiện nay, hầu hết các trường đều áp dụng biện pháp kỷ luật đối với những sinh viên nộp học phí muộn so với thời hạn quy định của nhà trường. Có những trường đã biến việc kỷ luật thành “trừng phạt” sinh viên.
Nộp chậm học phí = đạo đức kém?
H., học sinh trường Kỹ thuật nghiệp vụ Phú Lâm - TPHCM, nộp học phí muộn một tuần do bố mẹ ở quê gửi tiền lên chậm. Nghe mấy cô giáo vụ dọa là sẽ bị phạt nặng. H bán tín bán nghi.
Cuối kỳ, thấy trong bảng tổng kết, hạnh kiểm của mình bị tụt xuống loại khá, H cứ tưởng nhà trường nhầm vì có bao giờ cô vi phạm lỗi gì nghiêm trọng để đến mức bị như thế đâu. Nhưng các thầy trên phòng đào tạo không nhầm. Họ phạt đúng, vì quy định của trường là như thế: hạ hạnh kiểm đối với những sinh viên nộp học phí muộn so với các quy định của trường.
H ấm ức: “Các thầy ấy nói là trong quy chế của Bộ, có cho phép áp dụng các biện pháp kỷ luật khiển trách, nên trường dùng hình thức hạ hạnh kiểm đối với trường hợp nộp muộn học phí”.
12 năm học phổ thông H luôn được hạnh kiểm tốt. Đến khi vào trường Kỹ thuật nghiệp vụ Phú Lâm, H cũng chưa bao giờ vi phạm điều gì. Nhưng chỉ vì một lần nộp muộn học phí, bạn đã trở thành “ngang hàng” với những học sinh đạo đức kém.
Truờng ĐHDL Thăng Long còn áp dụng biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn nhiều. Điều này được ghi rõ trong quy chế học vụ của trường: “Quá thời hạn quy định, sinh viên không nộp học phí được xem là tự ý thôi học”. Coi như tự ý thôi học nên nếu nhà trường xoá tên sinh viên thì đó cũng là lỗi của sinh viên, trường hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm. Thế mới có thể làm cho sinh viên sợ. Nhà trường có cái lý ấy.
Nhưng sợ là một đằng, còn hoàn cảnh thực tế của sinh viên lại là chuyện khác. Trường đã buộc đình chỉ học, thậm chí là thôi học một số sinh viên vì nộp chậm học phí, trong khi không xét đến lý do thực của sinh viên.
Với những sinh viên nghèo, đâu phải ai cũng dễ dàng xoay xở được một cái giấy chứng nhận gia đình khó khăn để xin khất học phí. Trừng phạt thế này có khác gì dồn ép sinh viên?
Đã nghèo còn mắc cái eo
Sinh viên đóng học phí trễ (sau 2 tuần đầu tiên của học kỳ kể từ ngày nhập học) sẽ bị tính lãi suất 5% tổng học phí, sau hai tháng bị tính 10% tổng học phí, trễ ba tháng bị tính 15% tổng học phí, sau thời hạn đó bị buộc thôi học. Đó là quy định mới đây nhất của trường CĐDL Công nghệ thông tin TPHCM.
“Có ở trong trường thì mới biết. Học phí của trường mình cao nên nhiều bạn gia đình khó khăn phải tối mắt xoay học phí. Có mấy ai muốn dây dưa đâu, trừ một vài thành phần cá biệt. Tính lãi suất vậy thì họ lấy đâu ra tiền để đóng. Lo đủ học phí đã khó. Nghèo còn mắc cái eo” - MT, một sinh viên của trường kêu.
Ông Dương Đức Hồng - Trưởng phòng đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội:
Đối với những sinh viên không khó khăn, thiếu thốn gì mà cố tình dây dưa học phí thì việc kỷ luật họ là đương nhiên. Nhưng đối với các em sinh viên nghèo thì thực sự rất cần chú ý. Nếu không rất dễ dồn ép các em bỏ học hay phải làm những vịêc dại dột.
Trường tôi cũng có rất nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, và chúng tôi đã phải tính đến rất nhiều hình thức hỗ trợ các em hơn là đưa ra những biện pháp kỷ luật các em.
Quy định ở trong môi trường sư phạm, đúng nhưng cũng phải hợp tình, không nên gây ức chế cho sinh viên. |
Nhiều bạn, sau khi lo đủ học phí mang đến nộp cho nhà trường, đã lại ngậm ngùi ra về, không đóng nữa. Vì họ bị sốc. “Việc tính lãi suất như vậy làm bọn mình có cảm giác như nhà trường tính toán với sinh viên quá. Thêm lãi suất chẳng phải càng làm khó cho bọn mình hay sao. Bọn mình đóng học phí muộn là sai. Nhưng thiếu gì cách phạt, đâu nhất thiết phải làm như vậy” - Một bạn nộp chậm học phí nói.
Nhiều trường hiện nay đã liên kết với một ngân hàng nào đó để quản lý việc thu học phí. Đầu mỗi học kỳ, sinh viên sẽ tự đến ngân hàng nộp hoặc đại diện ngân hàng đến trường thu học phí theo thời gian quy định. Ngân hàng và sinh viên sẽ giao dịch với nhau, nhà trường không quản lý việc này nữa.
Viện ĐH Mở HN, ĐHDL Thăng Long, nhiều trường trong TPHCM như ĐH Sư phạm, ĐH Kinh tế, các trường dân lập đã áp dụng việc này. Nó tạo điều kiện cho sinh viên chủ động về thời gian hơn để nộp học phí, và cũng bớt đi gánh nặng cho nhà trường. Nhưng khi sinh viên nộp chậm học phí, thì các ngân hàng cũng tha hồ nghĩ ra các biện pháp “trừng phạt”.
Thường là họ tính lãi suất, coi khoản tiền học phí sinh viên chưa đóng như một khoản nợ mà sinh viên phải trả lãi. Sinh viên của Viện ĐH Mở Hà Nội đã từng gặp phải tình huống này. Họ lên kêu với nhà trường thì họ nói đã giao hết việc thu học phí cho ngân hàng, nên cũng không chịu trách nhiệm về việc họ áp dụng các hình thức phạt. Vậy là kiểu gì, sinh viên cũng là người chịu khổ.
Hiện nay, theo thông báo mới nhất của phòng Tài vụ, ĐHDL Thăng Long năm học 2005-2006, những sinh viên nào nộp chậm học phí cũng sẽ phải nộp phạt tại phòng Tài vụ, tiền phạt tăng theo mỗi tuần nộp muộn là 10.000đ.
Một quy định hợp tình hợp lý?
Mục 8, điều 11 (trong quyết định số 39/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 30/8/2000 về việc sửa đổi bổ sung một số điều của quy chế công tác HS, SV các trường đào tạo) của Bộ Giáo dục - Đào tạo có ghi: HS-SV đóng học phí muộn quá thời gian quy định của trường hoặc thời gian được phép gia hạn của trường, tùy theo mức độ có thể xét cảnh cáo, khiển trách, hoặc là bị xoá tên ra khỏi danh sách của trường.
Quy chế chung của Bộ Giáo dục - Đào tạo đã được các trường cụ thể hoá bằng các hình thức kỷ luật khác nhau: cấm thi, buộc thôi học, hạ hạnh kiểm... Các trường không làm sai quy định. Việc có các hình thức kỷ luật cũng là điều cần thiết. Vì đó là nguồn thu chính để duy trì hoạt động của các trường, nhất là các trường dân lập. Nhưng làm thế nào để quy định đó hợp tình hợp lý, lợi cho trường mà không quá dồn ép sinh viên, răn đe được các sinh viên chây ì mà không quá khắt khe với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thực sự?
Theo Thanh Lê
Sinh Viên Việt Nam