Giáo dục tuần qua:
“Nóng” tranh luận độ khó đề Toán THPT quốc gia; Nhà sử học danh tiếng qua đời
(Dân trí) - Tuần qua, các sự kiện/ chủ đề “nóng” của giáo dục đa phần xoay quanh kỳ thi THPT quốc gia 2018 diễn ra trong 3 ngày từ 25-27/6; Học trò và giới sử học thương tiếc tiễn biệt Nhà giáo tài danh, nhà sử học Phan Huy Lê.
925.753 học sinh cả nước tham gia kì thi THPT quốc gia 2018
Tuần qua, sự kiện giáo dục "nóng" nhất được xã hội quan tâm là Kỳ thi THPT quốc gia được diễn ra trong 3 ngày với 2 mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét vào ĐH, CĐ.
Năm nay, có 925.753 thí sinh đăng ký dự thi, được tổ chức tại 2.144 điểm thi với 39.689 phòng thi; huy động gần 45.000 cán bộ, giảng viên được điều động từ 216 đại học, học viện; trường đại học, cao đẳng tham gia phối hợp tổ chức kỳ thi.
Thống kê dữ liệu cho thấy năm nay tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ chiếm khoảng 74,3% (năm 2017 là gần 75%). So với năm 2017, tỷ lệ thí sinh đăng ký chọn bài thi KHXH tăng hơn khoảng 5%.
Tỷ lệ thí sinh tới dự thi, đạt trên 99% (môn: Ngữ văn: 99,55%; Toán 99,52%; Vật lí: 99.34%; Hóa học: 99.22%; Sinh học: 99.35%; Ngoại Ngữ: 99.63%; Lịch sử: 99.35%; Địa lí: 99.44%; GDCD: 99.56%).
Theo Bộ GD&ĐT, kì thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, trong cả kỳ thi chỉ có 77 thí sinh vi phạm Quy chế thi (73 trường hợp bị đình chỉ thi do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi, 03 cảnh cáo: 01 khiển trách).
Sau khi kỳ thi khép lại, chiều 27/6, Bộ GD&ĐT đã công bố đáp án chính thức các môn thi THPT quốc gia 2018 bao gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (tiếng Anh, Pháp, Nhật, Đức, Trung), bài thi khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), bài thi khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, GDCD).
Giáo sư Toán không giải hết đề Toán trong 90 phút, Bộ Giáo dục nói gì?
Giáo sư Toán cũng “bó tay” với đề Toán: Bộ GD&ĐT nói gì? (Clip: Hà Cường)
Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 khép lại cũng là lúc dư luận quan tâm về độ khó – dễ của các đề thi. Nhiều môn thi năm nay được đánh giá là đề có tính phân loại cao, trong đó có đề Toán. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến của học sinh, giáo viên phổ thông và cả chuyên gia Toán học đánh giá rằng đề thi môn Toán năm 2018 quá khó. Một số giáo sư, tiến sĩ về Toán học đã không thể giải xong hết đề trong thời lượng 90 phút.
Về băn khoăn này, trả lời tại buổi họp báo thông báo kết thúc công tác coi thi của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều ngày 27/6, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: “Đề thi năm nay khó hơn năm ngoái là đương nhiên”.
Theo ông Hồng: “Về độ khó của đề thi, trước hết nói về độ khó phải căn cứ vào nội dung. Hội đồng ra đề thi đã tuân thủ đúng nội dung tất cả các môn thi, bài thi đều nằm trong chương trình lớp 12 và 11 (chủ yếu là lớp 12). Tỷ lệ lớp 12 chiếm 80-85%, lớp 11 là 15-20%. Như vậy nếu trao đổi về độ khó, đề thi không vượt quá nội dung kiến thức các em học. Thứ hai, cấu trúc đề thi năm nay không thay đổi so với năm 2017, vẫn là 60% kiến thức cơ bản, 40% kiến thức nâng cao. Các câu hỏi nâng cao vẫn nằm trong kiến thức lớp 12 và lớp 11”.
Hội đồng thi tuân thủ chỉ đạo Ban chi đạo thi quốc gia, đó là đề thi năm nay tăng cường phân hóa. So sánh với năm 2017, độ khó tăng lên là hiển nhiên vì nội dung kiến thức được mở rộng cả phần kiến thức lớp 11. Tuy nhiên, học sinh đã được thông báo sớm, ngay khi các em đang học lớp 11.
“Một đề thi mà tất cả các em đều có thể làm được không thể gọi là một đề thi thành công. Ở trong đề thi có những câu từ rất dễ đến rất khó để tăng cường độ phân loại với các thí sinh. Ở đây không phải tất cả đề thi khó mà chỉ có các câu hỏi khó nhằm phân loại thí sinh giỏi”, đại diện Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.
Hà Nội công bố điểm chuẩn lớp 10 hệ công lập và trường chuyên
Ngày 29/6, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 công lập. Năm nay toàn thành phố có hơn 94.000 thí sinh tham dự.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT (bao gồm cả THPT công lập không chuyên, THPT chuyên) tại Hà Nội năm học 2018 - 2019 đã diễn ra từ ngày 7 - 10/6. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi nguyện vọng 1 là 94.964 em; nguyện vọng 2 là 89.602 em. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm học này chỉ là 63.050.
Như vậy, hơn 30.000 thí sinh sẽ không có cơ hội vào cơ sở giáo dục công lập. Số lượng thí sinh sinh năm 2003 (tuổi Dê vàng) tăng lên khoảng 20.000 em nên đây được đánh giá là kỳ thi khốc liệt không kém cạnh so với thi đại học.
Năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường THPT ngoài công lập năm học 2018 - 2019 cũng tăng hơn 10.000 học sinh. Có khoảng khoảng 62% học sinh tốt nghiệp THCS sẽ vào vào lớp 10 trong năm học tới, nên thành phố Hà Nội cho phép các trường tăng từ 40 học sinh/lớp lên 45 học sinh/lớp, tăng 327 lớp ở tất cả các trường THPT.
Trước đó, thí sinh đã biết điểm trúng tuyển vào trường THPT chuyên. Theo đó, điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất thuộc lớp chuyên Tiếng Anh của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam là 41,75 điểm.
GS. Phan Huy Lê: Nhà Sử học hàng đầu đất nước qua đời
Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê, một nhà giáo tài danh, nhà khoa học lớn, nhà Sử học hàng đầu của đất nước, nguyên Chủ tịch và Chủ tịch danh dự của Hội khoa học lịch sử Việt Nam đã đột ngột từ giã cõi trần vào hồi 13h6 phút ngày 23/ 6 năm 2018, vì căn bệnh tim hết sức hiểm nghèo.
Trong hơn sáu thập kỷ kể từ khi bắt đầu là một giảng viên đại học đến lúc đi xa, ông đã không ngừng học tập và làm việc, nghiên cứu và giảng dạy, đóng góp và cống hiến hết mình cho sự nghiệp phát triển giáo dục và nền Sử học nước nhà.
Cả cuộc đời ông là một tấm gương sáng về tinh thần tự học, về đức tính kiên định, sẵn sàng xả thân vì khoa học, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc và nhân dân.
Lệ Thu (tổng hợp)