Bạn đọc viết:
Nỗi niềm trường chuyên, lớp chọn
(Dân trí) - Áp lực kì thi cuối cấp THCS đã qua, nhưng đến bây giờ thì tôi vẫn mãi trăn trở về cô học trò nhỏ - cháu gái của tôi, khi con đang đứng trước băn khoăn giữa việc lựa chọn: học hay không học ở lớp chọn, trường chuyên?
Nếu mùa hè mở đầu bằng tháng sáu đầy nắng và gió, đầy háo hức của những cô cậu học trò khi chuyện sách vở đã chính thức kết thúc, thì vẫn còn đó những lo toan bộn bề xoay quanh việc thi cử của những học sinh cuối cấp THCS và THPT.
Tôi có một cô cháu gái, cháu có lực học giỏi và đặc biệt giỏi các môn tự nhiên như Toán, Lí, Hóa... Trước khi kì thi tốt nghiệp THCS diễn ra, với áp lực thi cử bủa vây, con bé đã chọn cho mình một ngôi trường cấp 3 bậc trung bình trong thành phố để nắm chắc một suất trong tay, nhưng không phải con bé muốn là được.
Bố mẹ cháu phản đối kịch liệt và cho rằng với lực học như con gái mình thì không thể thi vào trường thường như thế. Thế là cháu gái tôi đã “liều một phen” đăng kí thi vào một ngôi trường nổi tiếng với môn thi chuyên Lí.
Con bé với bản tính ít nói, lầm lì, sống khép mình nên mọi người trong gia đình tôi rất “dè dặt” khi tiếp xúc với cháu. Trong suốt thời gian thi cử, mẹ cháu không hỏi han gì nhiều mà chủ yếu là quan sát con, sau mỗi môn thi cứ thấy con bé cười cười, chị cũng yên tâm.
Cách đây mấy hôm, kì thi THCS đã có kết quả. Tôi sốt sắng gọi điện vào số máy của cháu để biết kết quả nhưng đầu dây bên kia cứ vang lên tiếng tít tít. Sau đó, tôi nhận được tin nhắn từ cháu “Dì ơi, con đậu rồi, lớp chuyên Lí dì ạ”.
Tôi vui mừng đến rơi cả nước mắt và không quên gửi tin nhắn chúc mừng đến gia đình cháu.
Nhưng hôm rồi gặp cháu, tôi lại khá bất ngờ với vẻ mặt rầu rỉ, buồn buồn của con bé trái hẳn với vẻ mặt mà tôi đã tưởng tượng trong hai ngày trước đây. Tôi hỏi con bé nguyên nhân vì sao lại có tâm trạng như thế trong khi con đã đỗ vào trường chuyên lớp chọn.
Con bé mếu máo trả lời: “Giờ con không muôn học lớp chuyên Lí nữa, con muốn xuống học trường Nguyễn Huệ thôi dì à. Lúc đầu, con chỉ muốn thử sức và làm thỏa mãn ước muốn của ba mẹ con thôi. Chứ vào đó học áp lực kinh khủng lắm.”
Tôi vừa nghe vừa quan sát vẻ mặt buồn rười rượi của cô cháu gái đang tuổi trăng tròn mà lòng đầy ngổn ngang.
Qủa đúng như vậy, với 15 năm giảng dạy, tôi không ít lần chứng kiến con cái luôn là người chở giấc mơ chồng chềnh của bố mẹ mặc dù giấc mơ đó là ác mộng của con. Và cũng không ít lần tôi chứng kiến những học sinh bước vào lớp chọn, trường chuyên rồi các em tự “bơi trong bể kiến thức” mênh mông, vô tận. Ai bơi được thì bơi, ai không bơi được sẽ bị “con sóng kiến thức” nhấn chìm lúc nào không hay.
Tôi cũng không ít lần nhìn thấy những đầu tóc rối bời vì học đêm học ngày, những khuôn mặt hốc hác với ánh mắt vô hồn của những cô cậu học trò trường chuyên, lớp chọn vào mùa thi.
Thỉnh thoảng, có những học sinh lớp chọn trường chuyên than vãn: “Cô ơi, vào lớp chọn mà mình học không giỏi, lập tức bị bạn bè tẩy chay ngay và không biết giấu mặt đi chỗ nào luôn. Nên phương châm của chúng em là học ngày, cày đêm và học mãi cô ạ”. Nghe sao mà thương những học sinh trường chuyên lớp chọn quá!
Quay trở lại chuyện cháu gái tôi, con bé trông thật khổ sở khi đứng giữa hai quyết định học hay không học trường chuyên vì cháu sợ những áp lực bủa vây.
Tôi nhẹ nhàng khuyên cháu hãy suy nghĩ thật kĩ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng của mình và không quên nhắn nhủ vợ chồng chị gái - cha mẹ của cháu bé: “Hãy tôn trọng sự lựa chọn cuối cùng của con và hãy tiếp tục đồng hành cùng con trên chặng đường học vấn còn dài phía trước, đừng áp đặt con cái với những điều con không muốn”.
Và mấy ngày nay, không biết cháu gái tôi đã đưa ra quyết định quan trọng của đời mình chưa mà thấy trên trang Facebook của cháu có những dòng trạng thái ngắn mang đầy tâm trạng và triết lí.
Con bé tuy có vẻ ngoài lầm lì, ít nói nhưng chứa trong nó là cả một nội tâm sâu sắc.Tôi mong cháu sớm có quyết định đúng đắn trước ngưỡng cửa học vấn đầu tiên của đời mình trên quan điểm bố mẹ tôn trọng sự lựa chọn của con.
Thanh Thanh
(Thừa Thiên Huế)
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.
Xin trân trọng cảm ơn!