Nỗi niềm những phụ huynh trên "đường đua" vào lớp đầu cấp

Mỹ Hà

(Dân trí) - Tuyển sinh đầu cấp luôn là cuộc đua khốc liệt ở Hà Nội. Học sinh phải học "tiền" lớp 1, đua nhau ôn thi vào lớp 6 khi đang học lớp 3 hoặc thấp thỏm nhiều ngày chờ phương án thi 10.

Lo "lắp mô tơ" cũng không đuổi kịp vào lớp 1

Hiện đã là tháng 3, tức chỉ còn 6 tháng nữa, các bé 5 tuổi sẽ vào lớp 1. Hiện nhiều phụ huynh đang rối rít tìm chỗ cho con học "tiền lớp 1" bởi lẽ 11 tháng nay, vì dịch Covid-19 nên học sinh mầm non của Hà Nội gần như "thất học".

Theo kinh nghiệm từ các mẹ có con đang học lớp 1 năm nay, nếu không cho học trước thì vào lớp 1 sẽ chạy theo không kịp chương trình, lắp "mô tơ" cũng đuổi không nổi thế nên chị Thu Hiền (quận Đống Đa) phải gửi con về quê ngoại học nhờ.

"Công việc mình ở Hà Nội nhưng học sinh mầm non phải nghỉ tránh dịch, không thuê được ai trông con. Mình tham khảo ý kiến của nhiều phụ huynh trên một số diễn đàn thì thấy, việc học trực tiếp rất quan trọng với học sinh sắp vào lớp một.

Nỗi niềm những phụ huynh trên đường đua vào lớp đầu cấp - 1

Con gái chị Hiền phải về quê học lớp mầm non 5 tuổi để chuẩn bị vào lớp 1 (Ảnh: T Hiền).

Các mẹ đi trước kể lại, chương trình SGK mới với lớp 1 nhanh và khá nặng. Nếu từ giờ không cho con học trước lớp 1, e rằng qua năm con "lắp mô tơ" cũng không theo kịp, mẹ con vất vả đủ đường. Do ở quê tình hình dịch không quá phức tạp, trẻ vẫn được học trực tiếp nên mình phải xin chuyển sang làm online để về quê cùng con gần một năm nay", chị Hiền nói.

Không thể về quê được như chị Hiền, nhiều phụ huynh sốt sắng tìm lớp rèn chữ, học toán cho trẻ "tiền lớp 1".

"Nhìn con của bạn tôi bằng tuổi nhưng đã biết hết mặt chữ, viết được tên mình, ghép vần, làm toán trong khi còn mình vẫn như tờ giấy trắng, tôi sốt ruột quá phải cho con học thêm.

Số tiền bỏ ra để học các lớp này không phải là nhỏ, khoảng vài ba triệu đồng- tùy số lượng buổi nhưng phần lớn các gia đình đều cắn răng vì sợ con theo không kịp bạn bè", một phụ huynh nói.

Trong khi các bố mẹ sốt ruột là vậy nhưng một số chuyên gia lại cho rằng, trẻ học trước hay chưa đều sẽ như nhau, thậm chí học trước còn bất lợi hơn vì trẻ sẽ chán bài giảng cũ. Biết vậy nhưng nhiều phụ huynh vẫn sốt sắng chấp nhận bỏ tiền mua sự yên tâm.

Tham gia "đường đua" vào lớp 6 từ năm lớp 3, lớp 4

Trong số các lớp đầu cấp, vào lớp 6 có lẽ là cuộc đua khốc liệt, nhất là nhóm các trường hot. Một số trường chuyên, lớp chọn của Hà Nội có tỉ lệ chọi 1/30 hoặc 1/20, căng thẳng như thi vào đại học.

Để chen một chân vào những trường hot như: THPT Hà Nội- Amsterdam, Trường THCS Lương Thế Vinh, Trường THCS Cầu Giấy... các em học sinh tiểu học đã phải bắt đầu "cuộc đua" từ năm lớp 4, thậm chí lớp 3. Vừa học ở trường, các "tay đua" này phải học thêm nhiều buổi trong tuần với thầy cô luyện thi. 

Cho nên, dù có quy định cấm thi tuyển vào lớp 6 thì với những trường này buộc phải có một phương án nào đó để lựa chọn học sinh theo tiêu chí của họ. Xem ra trên thực tế, sức nóng của áp lực thi cử vào khối lớp đầu cấp này vẫn không hề nguội.

Nỗi niềm những phụ huynh trên đường đua vào lớp đầu cấp - 2

Sức nóng, áp lực thi cử vào khối 6 đầu cấp vẫn không hề nguội (Ảnh: T.L).

Học sinh muốn thi vào trường nào, phải tìm đến thầy cô dạy trường đó để luyện nên nhiều thầy cô có uy tín ở Hà Nội vốn đến từ các trường hot trên đây, học sinh muốn theo học cũng phải vượt qua cửa ải đầu tiên là một bài test để chọn.

Đánh giá về cuộc đua vào lớp 6, một giáo sư có danh tiếng ở Hà Nội từng nói, chạy đua cho con đi học thêm để giành vé vào cấp 2 là vấn đề bức thiết nhưng kỳ thực, chúng ta đang chạy theo những giá trị ảo mà quên mất việc những đứa trẻ ấy sau này ra đời sẽ như thế nào, hành xử ra sao trong cuộc sống.

Thấp thỏm lo âu chờ phương án thi 10

Tối 11/3, UBND TP Hà Nội đã đồng ý với phương án đề xuất của Sở GD-ĐT Hà Nội và công bố các môn thi- kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2022-2023.

Theo đó năm nay, học sinh thi vào lớp 10 THPT chỉ thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và không có môn thi thứ 4.

Để dự tuyển vào lớp 10 THPT công lập năm học 2022-2023 tại Hà Nội, mỗi học sinh phải dự thi đủ 3 bài thi độc lập của 3 môn nói trên, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.

Thế nhưng trước khi có phương án này, thực tế phụ huynh và học sinh đã nhiều tháng lo âu phấp phỏng. Bản thân các em học sinh cũng ám ảnh bởi câu hỏi: "Thi 3 hay 4 môn" quá lâu cũng làm ảnh hưởng đến việc học tập.

Nỗi niềm những phụ huynh trên đường đua vào lớp đầu cấp - 3

Trước khi có phương án thi 10, phụ huynh và học sinh đã nhiều tháng lo âu phấp phỏng (Ảnh: T.L).

Sở dĩ lo lâu như vậy bởi trước mỗi kỳ thi, các bậc phụ huynh có con thi vào lớp 10 luôn đứng ngồi không yên chờ đợi phương án tuyển sinh.

Trong năm học 2021-2022 này, nỗi lo ấy còn nhân lên gấp bội khi việc học tập các em học sinh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch bệnh. Đặc biệt, với lứa học sinh 2007, các em khá thiệt thòi khi phần khoảng thời gian cấp 2 buộc phải học trực tuyến.

Nắm bắt được tâm lý đó, trên các diễn đàn, lâu lâu lại có một tin "rởm" về phương án thi 10 khiến phụ huynh vốn đã sốt ruột lại càng đứng ngồi không yên.

Trao đổi với PV Dân trí về điều này, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, kế hoạch tổ chức thi lớp 10 của Thành phố còn phụ thuộc vào lịch thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT.

Từ đó, Sở sẽ trình phương án lên UBND Thành phố đề xuất tổ chức kỳ thi trước hay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT.

"Mặc dù biết phụ huynh rất sốt ruột nhưng để đưa ra một phương án nào đó, đơn vị này phải bàn rất kĩ, trong đó cân nhắc rất nhiều yếu tố với mục tiêu tốt nhất cho thí sinh. Sau khi cân nhắc, khảo sát ý kiến của các trường…, Sở mới trình phương án lên UBND thành phố, không thể tùy tiện", lãnh đạo này nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm