Nỗi lo của cậu học trò nghèo đạt 29,25 điểm khối B

(Dân trí) - “Ba mẹ ơi, con được 29,25 điểm khối B…”, cậu học trò nghèo Kiều Quốc Sang reo lên khi vừa biết điểm thi. Mấy ngày qua, cả làng Minh Long cũng vui lây. Ấy vậy, đằng sau nụ cười hạnh phúc, cả gia đình Sang đang thầm rưng lệ khi nghĩ đến chuyện nhập học sắp tới…

Trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015, em Kiều Quốc Sang (ngụ thôn Minh Long, xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) dự thi cụm Quy Nhơn đạt 29,25 điểm với khối B, trong đó môn Toán 10 điểm, Hóa 10 điểm và môn Sinh 9,25 điểm. Với kết quả này, em Sang có số điểm cao thứ 4 so với cả nước và đứng nhất tỉnh Quảng Ngãi.

em-kieu-quoc-sang-giua-chia-se-niem-vui-cung-thay-hieu-truong-trai-va-giao-vien-nha-truong-752b0
Em Kiều Quốc Sang (giữa) chia sẻ niềm vui cùng thầy hiệu trưởng (trái) và giáo viên nhà trường

Ngược dòng sông Trà Khúc về địa danh chiến thắng Ba Gia, PV Dân trí vượt hàng chục km và qua những con hẻm ở làng quê heo hút, đến đầu thôn Minh Long, ai cũng biết chúng tôi đến nhà em Kiều Quốc Sang.

“Cháu tìm nhà cu Sang con thằng Sơn phải không?”, cụ bà chừng 70 tuổi nói vọng ra khi thấy tôi đứng lại lơ ngơ tìm người để hỏi nhà. Tôi đáp: “Dạ thưa bà, nhờ bà chỉ giúp nhà em Sang ạ”. Cụ bà 70 tuổi nói: “Cháu đi thẳng qua UBND xã, rồi đi qua con mương. Đến ngã 3, cháu đi ngã đường lên hướng dốc, chạy đến ngõ hẻm thứ 2 bên tay trái, rẽ vào hẻm đó hỏi tiếp người ta… Thằng nhỏ đó hiền lành, chăm ngoan mà học giỏi đáo để đó cháu”.

Cậu học trò Kiều Quốc Sang sinh ra trong gia đình nghèo khó, nằm sát con sông Trà Khúc. Cả gia đình Sang mưu sinh nhờ 2 sào lúa bếp bênh, vườn chuối nhỏ, 3 con bò gầy gò, 2 con heo, vài con gà ta nhưng chỉ đủ trang trải trong gia đình từng bữa cơm đạm bạc. Khi lên 7 tuổi, bỗng dưng chân phải của Sang bị teo cơ, gia đình ôm em đi khắp nơi chữa trị nhưng bất thành, rồi đôi chân khập khiễng đó theo Sang đến hôm nay.

“Thấy cháu không lành lặn như bạn bè cùng trang lứa, tôi buồn lòng lắm. Đã vậy, cháu lại hay đau ốm, đặc biệt là những ngày mưa lạnh buốt, khớp cơ cháu bị nhức nhối thường xuyên. Mai đây cháu đi học xa, tôi lo cho cháu quá”, bà Phạm Thị Hồng Phúc (SN 1974) - mẹ Sang chia sẻ.

Hàng ngày, mẹ Sang lo chuyện ăn uống và chăm bầy bò, heo, gà cùng 2 sào lúa. Còn ba Sang - ông Kiều Tấn Sơn (49 tuổi) mãi rong ruổi theo từng công trình dân dụng nhỏ, hành nghề phụ hồ với nguồn thu nhập bấp bênh. Không chỉ chăm lo cho hai con (Sang còn em gái đang học lớp 6), ba mẹ Sang còn lo chăm nom bà nội Sang đã bước sang tuổi 90.

voi-buoc-chan-khap-khieng-sang-chi-co-the-giup-gia-dinh-chuyen-rom-ra-vao-cho-bo-an-33f58

Với bước chân khập khiễng, Sang chỉ có thể giúp gia đình chuyển rơm rạ vào cho bò ăn

Thương ba mẹ lam lũ, ngay từ lúc nhỏ, cậu học trò nghèo quyết tâm học thật giỏi để làm mát lòng ba mẹ và tự cứu chính mình trên bước đường tương lai ở phía trước. Trong suốt 12 năm đèn sách, Sang luôn đạt học sinh giỏi. Riêng học kỳ 2 năm lớp 12, Sang học lệnh môn phụ cùng cơn đau khớp chân ngày càng dữ dội và Sang chỉ đạt loại Tiên tiến.

“Ba mẹ đã vất vả nuôi em khôn lớn, rồi còn lo vay mượn tiền để chữa bệnh cho em nhưng không khỏi. Em quyết tâm sau này trở thành bác sĩ, để tự chữa bệnh cho chính mình, cho gia đình và cứu giúp những người nghèo quê em chữa bệnh hiểm nghèo. Với kết quả thi này, em sẽ nộp hồ sơ xét tuyển vào trường ĐH Y dược TPHCM. Ước mơ của em dần trở thành hiện thực nhưng…”, Sang nghẹn ngào và đôi mắt đỏ hoe bên niềm vui đạt điểm cao.

Cái “nhưng” của Sang chính là nỗi lo không có lộ phí nhập học và hành trình trở thành bác sĩ thực thụ, đó cũng là nỗi lo chung đối với ba mẹ Sang và mái trường THPT Ba Gia thân yêu.

Bày tỏ cùng PV Dân trí, thầy giáo Nguyễn Hồng Danh - Hiệu trưởng Trường THPT Ba Gia cho biết: “Từ ngày thành lập nhà trường đến nay đã 36 năm, đây cũng là năm đầu tiên nhà trường có học sinh đạt điểm thi khối B cao nhất và em Kiều Quốc Sang đã mang niềm tự hào cho miền quê Ba Gia. Trong thời gian học tập, em Sang luôn đạt thành tích học tập tốt, chăm ngoan, hòa nhã và được nhà trường tin yêu. Với thành tích đạt được và em Sang thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường nỗ lực tìm kiếm, đề nghị các đơn vị tài trợ học bổng để tiếp sức em đến trường”.

Mang trong mình nỗi lo khuyết tật (teo chân phải), thường xuyên bị ốm đau, rồi mai đây, chàng trai Kiều Quốc Sang phải tự mình vượt qua tất cả để nuôi ước mơ trở thành bác sĩ. Quyết tâm và nghị lực không là trở ngại đối với Sang, thế nhưng, nỗi lo lớn nhất là nguồn tài chính tiếp sức em bước vào giảng đường đại học và chuỗi ngày ở nơi đất khách quê người...

Hồng Long

 

Nỗi lo của cậu học trò nghèo đạt 29,25 điểm khối B - 3

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm