Nỗi lo canh cánh khi con bước vào tuổi yêu
(Dân trí) - Là phụ huynh, ai cũng mang trong lòng mình một nỗi lo khi con lớn dần và bước vào tuổi biết yêu, bắt đầu ra ngẩn vào ngơ và thỉnh thoảng tủm tỉm một mình. Không lo sao được khi giờ đây xung quanh con thật nhiều cạm bẫy.
Thời của bố mẹ, yêu chỉ là mơ mộng, thần tượng một người nào đó. Những cảm xúc đầu đời hồn nhiên, trong sáng ấy là những khoảnh khắc ngọt ngào ghi dấu những tháng ngày ngồi trên ghế nhà trường hồn nhiên, hoa mộng. Thuở ấy, yêu là sự nhớ nhung, len lén bỏ những lá thư tay vào nơi “bí mật” của hai đứa, là cảm giác run run, ngại ngần, bẽn lẽn nắm lấy tay nhau, là những khoảnh khắc đèo nhau trên chiếc xe đạp loanh quanh khắp lối…
Thời nay, các bạn trẻ yêu nhau sao lắm chiêu trò, kiểu cách. Nào là yêu theo trào lưu, xu thế của thời đại, yêu theo kiểu bạn có, mình cũng phải có kẻo bị chê “ế”, bị đẩy vào "hội FA”. Những tình yêu kiểu ấy đâu có sự rung động từ trái tim, đâu biết trân trọng, nâng niu, giữ gìn tình yêu và người mình yêu? Tình yêu đôi khi mù quáng, chiếm lĩnh hết thời gian, tâm trí, sức lực và sự quan tâm dẫn đến sự thờ ơ học hành, bỏ mặc gia đình và quay lưng với chính tương lai của mình. Tình yêu không đồng nghĩa với tình dục, vậy mà các bạn trẻ sẵn sàng ôm ấp, hôn hít, âu yếm, vuốt ve nhau ở chốn đông người, rồi quay phim, chụp ảnh “khoe” khắp. Tình trạng “vượt rào” đã diễn ra không ít khiến những mối tình ấy hiếm hoi quả ngọt mà đa phần là trái đắng…
Sự phát triển sớm của tuổi dậy thì cùng những biến đổi tâm sinh lí phức tạp khiến tuổi yêu của các con sớm hơn rất nhiều. Các trẻ tiểu học đã bắt biết nhớ nhung, hò hẹn và thể hiện tình yêu. Nhưng chẳng đáng lo, bởi lứa tuổi ấy chỉ là những cảm xúc thích, mến một người bạn hơn bình thường tí xíu và những xúc cảm ấy sẽ nhanh chóng trôi qua. Và tôi đang lo lắng cho các cô cậu cấp hai, cái tuổi vị thành niên đầy khủng hoảng ấy.
Rất nhiều bố mẹ ngạc nhiên, ngỡ ngàng phát hiện con cái của mình biết yêu và ra sức cấm đoán, ngăn cản, thậm chí dùng những lời lẽ chói tai để chê bai, phủ nhận những cảm xúc đầu đời trong sáng ấy. Cách làm ấy lắm lúc gây ra những phản ứng ngược lại hoàn toàn với mong muốn của bố mẹ. Trái tim các con bị tổn thương, còn tình yêu trong con bỗng có lực đẩy vô hình khiến các con xích lại gần nhau hơn, thắm thiết hơn. Đó là còn chưa kể đến những phản ứng tiêu cực của con trẻ khi bị dồn vào bước đường cùng. Những đứa trẻ bỏ nhà ra đi, cùng nhau tìm đến cái chết đã từng là nỗi đau nhức nhối trong lòng phụ huynh chúng ta.
Vậy chúng ta cần làm gì để nỗi lo trong chúng ta vơi đi phần nào? Trước tiên chúng ta cần xác định một tư tưởng tôn trọng tình cảm của các con. Tôn trọng không đồng nghĩa với cổ vũ, cổ súy. Tôn trọng để mà lắng nghe, thấu hiểu và định hướng cho con để tình yêu ấy luôn trong sáng, tinh khôi. Các cuộc chuyện trò giữa bố mẹ, con cái thật sự rất cần thiết. Chuyện trò với tư cách là những người bạn. Và chắc chắn khi đã tạo lòng tin với con, con cái sẽ sẵn sàng thổ lộ tâm sự và cần những lời khuyên, góp ý chân tình của chúng ta.
Có những ông bố bà mẹ lại thấy khó khăn trong việc đề cập đến tình yêu và những vấn đề liên quan đến giới tính của con trẻ. Hãy để những quyển sách giúp đỡ bạn. Chọn sách định hướng, lí giải, gỡ rối về tâm sinh lí lứa tuổi, những quyển sách dạy kĩ năng sống dành cho tuổi teen. Và tặng sách đó cho con, cùng con đọc, bàn luận hay đơn giản là đặt dưới gối, trên bàn học để chúng làm bạn với con trẻ.
Một vấn đề rất thiết thực đang được đề cập nhiều là việc đào tạo những giáo viên tâm lí cho trường phổ thông. Mỗi trường cần có những giáo viên chuyên về tâm lí, nơi trẻ có thể đặt lòng tin và tìm đến mỗi khi có vướng mắc trong học tập, trong quan hệ bạn bè, trong chuyện tình cảm. Chắc chắn rằng những phòng tư vấn tâm lí như thế thật sự định hướng và đưa ra những lời khuyên, hướng đi tích cực dành cho trẻ.
Ngọc Hùng
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!